Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Nữ bác sĩ có “bàn tay vàng” tìm lại ánh sáng cho người bệnh

Gửi bàiĐã gửi: 08 Tháng 3 2012, 10:01
gửi bởi YTSTNews
(Dân trí) - Gắn bó với Bệnh viện Mắt Hà Nội từ ngày mới thành lập, bác sĩ Vũ Thị Thanh, Giám đốc bệnh viện, đã gần 20 năm miệt mài tìm ánh sáng cho người bệnh. Với chị, giây phút hạnh phúc nhất là thời khắc bệnh nhân tháo băng mắt tìm lại được ánh sáng.

Người mang lại ánh sáng cho người bệnh

Tiếp chúng tôi trong những phút thảnh thơi hiếm hoi trước ngày Phụ nữ Việt Nam 8/3, bác sĩ Vũ Thị Thanh chốc chốc lại xin lỗi ngừng câu chuyện để giải quyết công việc tại bệnh viện và tham vấn chuyên môn cho các ca bệnh phức tạp. Mỗi lần như vậy, chị lại ái ngại thanh minh: “Mắt là vùng đặc biệt nhạy cảm và vô cùng quan trọng đối với mỗi con người. Với các ca bệnh khó, chúng tôi phải cẩn trọng vô cùng bởi một quyết định dù nhỏ cũng là ranh giới giữa ánh sáng và bóng tối của bệnh nhân suốt cả cuộc đời”. Đó là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi với chị, nữ bác sĩ với đôi bàn tay “phù thủy” đã tìm lại ánh sáng cho hàng ngàn đôi mắt tật nguyền trong suốt hơn 20 năm hành nghề nhãn khoa.

Bác sĩ Vũ Thị Thanh cởi mở chia sẻ việc chọn nghề y làm nghiệp cả đời là theo nguyện vọng của bố, nhưng cho đến bây giờ, chưa khi nào chị cảm thấy hối tiếc với lựa chọn của mình. “Trăn trở hàng ngày của tôi là làm sao đưa được việc điều trị nhãn khoa tại Bệnh viện Mắt Hà Nội tiếp cận gần nhất với những thành tựu chữa trị hiện đại của thế giới để đem ánh sáng lại cho ngày càng nhiều những ca bệnh phức tạp”, bác sĩ Thanh bày tỏ.

Bác sĩ Vũ Thị Thanh - Giám đốc bệnh viện Mắt Hà Nội - nhận hoa chúc mừng ngà Phụ nữ Việt Nam.

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1992, bác sĩ Vũ Thị Thanh được phân công công tác tại khoa Mắt - Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội). Năm 1995, khi khoa Mắt Bệnh viện Đống Đa kết hợp với Trung tâm mắt thành Bệnh viện Mắt Hà Nội, bác sĩ Thanh là một trong những bác sĩ chuyên khoa đầu tiên được cử về công tác.

Năm 1998, khi phương pháp phẫu thuật Phaco (phẫu thuật thể thủy tinh bằng phương pháp siêu âm) có thể giải phóng mù lòa cho những bệnh nhân gặp vấn đề về thủy tinh thể được áp dụng rộng rãi trên thế giới thì tại Việt Nam, phương pháp này vẫn chưa được đưa vào điều trị. Vì vậy, bác sĩ Vũ Thị Thanh cùng một số bác sĩ đã được cử sang Ấn Độ học phương pháp phẫu thuật này đưa về áp dụng tại Việt Nam. Khi về nước, từ những kiến thức học được, bác sĩ Thanh tiếp tục nghiên cứu và hoàn thành luận văn thạc sĩ nhãn khoa ứng dụng điều trị bằng phương pháp Phaco rộng tãi tại bệnh viện Mắt Hà Nội.

Với những nỗ lực phấn đấu trong công tác cũng như chuyên môn nghiệp vụ, tháng 7/2010, bác sĩ Vũ Thị Thanh được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội nhưng chị vẫn tham gia các hoạt động chuyên môn trong việc hội chẩn và mổ trực tiếp những ca bệnh khó.

Trong hơn hai mươi năm chữa trị nhãn khoa, số bệnh nhân tìm lại được ánh sáng qua đôi bàn tay của mình, chị Thanh không thể nhớ hết. Nhưng có những trường hợp để lại ấn tượng sâu sắc khiến chị không thể nào quên. Chị kể lại chuyến đi mổ mắt từ thiện với tổ chức Hope today tại Kim Thành - Hải Dương vào mùa đông năm 2009.

Với "bàn tay vàng", dù ở cương vị giám đốc bệnh viện, bác sĩ Thanh vẫn trực tiếp tham gia phẫu thuật những ca bệnh khó.

“Hôm đó, trời rét căm căm. Tôi đang bị sốt cao nhưng đã đồng ý với lời mời của tổ chức Hope today nên vẫn lấy hết sức cố gắng. Tổ chức từ thiện tài trợ toàn bộ kinh phí còn tôi hỗ trợ về chuyên môn. Chúng tôi đến Kim Thành - Hải Dương mổ mắt miễn phí hay chuyên môn gọi là “Giải phóng mù lòa” cho hơn 170 cụ cao tuổi trong 2 ngày. Ngày đầu tiên, mỗi khi vào ca mổ tôi lại uống một viên thuốc hạ sốt. Từ 8 giờ sáng đến 22 giờ tối, tôi thực hiện mổ liên tục được cho hơn 100 cụ. Nhưng vui mừng nhất là sau khoảng 2 tuần chúng tôi trở lại khám thì tất cả các cụ đều nhìn lại được và diễn biến tốt”, bác sĩ Thanh phấn khởi kể lại.

Hay như trường hợp một cụ già hơn 100 tuổi được con cháu cõng đến bệnh viện chỉ với mong muốn được phẫu thuật mắt để trước lúc đi xa được thấy mặt lại con cháu. Sau khi nghe nguyện vọng của cụ và con cháu, bác sĩ Thanh trực tiếp thực hiện ca mổ. Khi băng mắt vừa tháo, sau một lát yên lặng, cả cụ già và con cháu cùng òa khóc khi đôi mắt cụ đã sáng lại được.

“Với những bác sĩ nhãn khoa như chúng tôi, những giây phút hồi hộp lo âu nhất và vui sướng tột cùng nhất là thời khắc người bệnh tháo băng mắt và tìm lại được ánh sáng”, bác sĩ Thanh chia sẻ.

Điểm tựa vững chắc từ gia đình

Bên cạnh các hoạt động khám chữa bệnh tại trụ sở, từ năm 2010, bác sĩ Thanh cho biết bệnh viện Mắt Hà Nội chủ trương tham gia các hoạt động từ thiện xã hội để tạo điều kiện cho người bệnh không có điều kiện tiếp xúc với việc điều trị mắt.

Từ năm 2010, bệnh viện thực hiện dự án chăm sóc mắt trẻ em TP Hà Nội: thực hiện khám, sàng lọc cấp kính miễn phí cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Trong 2 năm thực hiện, bệnh viện đã thực hiện khám cho khoảng 40 nghìn em học sinh, cấp phát gần 5 nghìn kính mắt, mổ dị tật cho hàng trăm học sinh. Tất cả đều miễn phí.

Với vai trò giám đốc bệnh viện, điều làm bác sĩ Thanh trăn trở nhiều nhất là làm sao để nâng cao được đời sống của anh em cán bộ công nhân viên. Bệnh viện Mắt Hà Nội có đến 80% với khoảng trên 100 nhân viên nữ. Chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 8/3, bệnh viện cũng đã tổ chức mít tinh và các cuộc thi nội trợ như một món quà tinh thần chúc mừng các chị em phụ nữ.

Bác sĩ Thanh hạnh phúc vì gia đình luôn là điểm tựa vững chắc nhất.

Đã sắp bước sang tuổi 50, với nhiều cương vị từ bác sĩ nhãn khoa chuyên sâu, giám đốc bệnh viện Mắt Hà Nội, nghiên cứu sinh sắp bảo vệ luận án tiến sĩ nhưng bác sĩ Vũ Thị Thanh vẫn là một người vợ hiền, người mẹ đảm đang và người con hiếu thảo khi cố gắng thu xếp dành thời gian tối đa nhất chăm sóc gia đình. Bởi “gia đình là điểm tựa vững chắc nhất, tiếp sức để tôi có thể trở thành người phụ nữ của xã hội” - chị tâm sự.

Có chồng là kỹ sư xây dựng thường xuyên phải xa nhà, một tay chị chăm sóc, dạy dỗ hai con. Thương mẹ vất vả, các con của chị tự bảo nhau phấn đấu học tập. Con gái lớn đang học đại học kinh tế tại Anh. Con trai mới hợp lớp 8 nhưng năm nào cũng giành thành tích xuất sắc, là niềm tự hào và nguồn động viên lớn nhất để chị phấn đấu hoàn thành các công việc xã hội của mình. Năm 2011, BCH Công đoàn y tế Hà Nội đã trao công nhận danh hiệu Gia đình tiêu biểu ngành y tế Hà Nội cho gia đình bác sĩ Vũ Thị Thanh. Đó là món quà xứng đáng giành cho một người phụ nữ giàu đức hy sinh và cống hiến như chị.

Anh Thế - Quốc Đô

Sưu tầm từ dantri