Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Mơ ước của những phụ nữ "bị đời ruồng bỏ"

Gửi bàiĐã gửi: 08 Tháng 3 2012, 14:03
gửi bởi Zelda
(Dân trí) - Dù mang trong mình căn bệnh tuyệt vọng HIV/AIDS hoặc chịu ảnh hưởng của HIV, những người phụ nữ vẫn gồng mình vươn lên. Họ không muốn trách móc, mà chỉ mơ ước thực sự có một mái ấm yên bình, được nhận những đóa hoa yêu thương!
Đã mang trong người căn bệnh HIV/AIDS 7 năm nay, nhưng đến tận bây giờ, chị Nguyễn Thị Thinh (35 tuổi, ở Hòa Bình) nhiều lúc vẫn bần thần trước sự thật: một phụ nữ chân quê cả đời chỉ biết quanh quẩn nơi đồng ruộng như mình vẫn có thể mắc căn bệnh "tai tiếng sa đọa". Nhiều năm trước chị lấy chồng, anh cũng là một nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho giời, đổi lấy thóc lúa sinh sống. Bỗng một ngày, người chồng quyết buông cày, đi  làm ăn xa, để “đổi đời”. Anh bảo theo bạn tham gia đội đào vàng tận trên miền ngược. Ít lâu sau, đúng là cuộc sống gia đình chị đã thực sự thay đổi, nhưng là sự thay đổi tồi tệ hơn. Chồng chị không cưỡng được những cám dỗ, tệ nạn nơi phương xa, không lâu sau ngày dứt áo ra đi đã trở thành một con nghiện nặng.
 
Chị Thinh còn nhớ mãi khoảnh khắc khi cầm trên tay tờ xét nghiệm, kết quả dương tính với HIV, chị vẫn ngơ ngác, bàng hoàng, chị tưởng bác sỹ nhầm… Nhưng sự thật phũ phàng vẫn hiện hữu. Đau đớn hơn cả là tin hai đứa con vừa lần lượt chào đời cách đây vài năm cũng mang trong mình căn bệnh giống mẹ.  

Ít lâu sau, người chồng quay trở về với hai bàn tay trắng và thân hình tiều tụy. Anh im lặng, đau đớn khi tiếp nhận thông tin. Không lâu sau anh qua đời. Nước mắt đã cạn khô, nhưng chị không trách anh nhiều. Những người phụ nữ lam lũ cả đời vẫn một lòng thương chồng dù suốt quãng thời gian làm vợ chưa từng nhận được lời yêu thương mặn nồng hay một bông hoa, món quà trong dịp 8/3!

“Ngày đó, người làng còn rất kỳ thị với người nhiễm HIV. Nhiều người lẩn tránh cả gia đình tôi, không ai muốn làm ăn, giao tiếp gì. Lúc đó tôi như bị vứt xuống vực, không biết phải làm gì, sống tiếp hay chết luôn. Nhưng nhìn ánh mắt vô tội của hai đứa con thơ, tôi không thể chết. May mắn là qua sự giới thiệu của các bác sĩ tôi và hai cháu được tiếp cận với nguồn thuốc điều trị miễn phí. Đến giờ, mẹ con vẫn khỏe. Làng nước cũng dần thông cảm với hoàn cảnh của mẹ con tôi. Buồn nhất là hiện trong làng đã có thêm hơn chục người nhiễm HIV, trong đó có 5-6 chị cũng bị lây nhiễm từ chồng” - chị Hinh kể.

Cũng bị lây bệnh từ chồng cách đây 10 năm, hoa khôi Trần Thu Huệ (người đạt giải nhất trong cuộc thi Dấu cộng duyên dáng - Cuộc thi do sáng kiến của nhóm tự lực của người nhiễm HIV/AIDS tổ chức) vẫn lạc quan. Bao nhiêu quăng quật nghiệt ngã của cuộc sống vẫn không cướp đi được ánh mắt trong sáng, thân thiện và nét đẹp đằm thắm của chị. Chồng mất vì AIDS, Huệ từng có những ngày đi bán bóng bay tại những tụ điểm du lịch Hà Nội, Tây Ninh nuôi 2 con trai nhỏ, một bị câm điếc, một cũng nhiễm HIV.


Hoa khôi Trần Thị Huệ

Đi qua những ngày đen tối nhất trong cuộc đời, người phụ nữ bé nhỏ đã gồng mình vươn lên làm việc hết mình. Gần 5 năm qua, Huệ luôn để lại ấn tượng về một tư vấn - đồng đẳng viên nhiệt tình, hết mình với công tác xã hội. Công việc tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS  mà cô đang làm không chỉ vì bản thân và cậu con trai nhỏ nhiễm bệnh. Qua công việc, Huệ đã tìm được một cuộc sống mới, ở đó có những người cùng cảnh ngộ đã vượt qua sự kỳ thị, không chỉ sống khỏe mạnh mà còn sống đẹp.
 
Mong muốn lớn nhất của Huệ bây giờ là sức khỏe và có nhiều thời gian hơn nữa bên các con. Cô vẫn không nguôi ước mong phép màu vào một ngày không xa, giúp mẹ con cô chữa được bệnh. “Mấy năm nay, dịp 8/3 nào em cũng  được bạn bè, đồng nghiệp tặng hoa. Cuộc sống có nhiều cung bậc hạnh phúc, đối với em hạnh phúc là những đóa hoa yêu thương và sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng” - Huệ tâm sự.
 
Không giống hoàn cảnh chị Thinh hay Huệ, Nguyễn Thúy Hằng có một quá khứ “hoành tráng” và tiếc nuối. Cách đây 7 năm, Hằng là cô gái được nhiều người đàn ông ngường mộ. Cô nổi bật vì sở hữu vóc dáng chuẩn như người mẫu. Nếu biết bằng lòng, có thể cô giờ đã hạnh phúc trọn vẹn như nhiều bạn bè cùng lứa. Nhưng do ham mê chơi bời với nhóm bạn hư, Hằng đã nhanh chóng trở thành một đối tượng nghiện nặng. Từ hút chuyển sang chích ma túy, rồi không biết từ khi nào đã nhiễm HIV. Quãng thời gian vật vã bởi nghiện ngập và bệnh tật khiến Hằng trượt dài trong nỗi sợ hãi và đơn độc.
 
Quyết tâm từ bỏ khi tìm đến Trung tâm xin cai nghiện, giờ đây, khi đã thoát khỏi ma túy và đang được dùng thuốc điều trị, Hằng càng hối hận với những sai lầm do mình gây ra. Cô cũng trở thành một tuyên truyền viên tích cực của Hà Nội, tiếp cận với những người vẫn đang nghiện ma túy, tuyên truyền phòng chống HIV…


Nguyễn Thúy Hằng giờ đã là một tuyên truyền viên tích cực trong công tác phòng chống HIV.

Cũng như chị Thinh, như Huệ, giờ đây Hằng khao khát được cộng đồng yêu thương, chia sẻ và mong chờ phép mầu giúp họ chữa được căn bệnh thế kỷ.

Hiểu rõ hoàn cảnh những chị em đặc biệt, bà Trần Thị Trung Chiến, Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS Việt Nam day dứt: "Họ - những người phụ nữ thiếu may mắn khi bị lây nhiễm HIV/AIDS hoặc chịu ảnh hưởng của HIV vẫn đang phải chịu biết bao khó khăn, thiệt thòi. Nhiều người hiện vẫn chịu sự kỳ thị, bỏ rơi, thiếu sự quan tâm, chia sẻ, chăm sóc của người thân và cộng đồng. Với nhiều người phụ nữ đang nhiễm HIV, một mái ấm hạnh phúc một cuộc sống bình dị vẫn là ước mơ vẫn còn ở phía trước".

Tối 6/3 vừa qua, Hội Phòng chống HIV/AIDS Việt Nam đã trao tặng 40 phần quà đến 40 phụ nữ đang sống chung với HIV tại các tỉnh Hà Nội, Hải Dương và Hòa Bình với mong muốn dành tặng các chị một ngày 8/3 thật ý nghĩa vui vẻ, hạnh phúc. 

Thanh Trầm

Sưu tầm từ dantri