Ngoại giao cột buồm nhỏ ở Biển Đông

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức về Ý tưởng và Sáng tạo trong lĩnh vực Văn hóa - Xã hội - Giáo dục

Ngoại giao cột buồm nhỏ ở Biển Đông

Gửi bàigửi bởi YTSTNews » 03 Tháng 5 2012, 19:41

Trung Quốc đang áp dụng một chính sách ngoại giao khôn khéo hơn sau khi thừa nhận sai lầm trong cách hành xử của mình hồi năm 2010. Đó là chính sách sử dụng 5 con rồng (các cơ quan thực thi pháp luật biển Trung Quốc) để khuấy động sóng biển Đông.

Tuần Việt Nam giới thiệu phân tích của ông James Holmes, một giáo sư về chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ. Ông Holmes khuyên rằng các nước Đông Nam Á và cả Mỹ đừng bao giờ bỏ qua giá trị chính trị của tàu biển chỉ vì chúng không được trang bị súng máy hay tên lửa.

Một thế bế tắc dường như kiểu Don Quixote đã diễn ra giữa các tàu của Philippines và Trung Quốc tuần trước tại bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham Đảo), cách đảo Luzon của Philippines 120 hải lý về phía Tây. Nói "dường như" vì rõ ràng là sẽ rất khôn ngoan khi Trung Quốc sử dụng các tàu biển dân sự được trang bị vũ khí hạng nhẹ - có tàu không trang bị vũ khí - để khẳng định các yêu sách lãnh thổ tại biển Đông. Nhưng đó là điều đã xảy ra tại bãi cạn Scarborough, vụ va chạm không liên quan đến tàu chiến nào của Trung Quốc.

Đó là một chính sách ngoại giao khôn khéo. Tức là sử dụng lực lượng ở mức tối thiểu cần thiết - bao gồm các tàu phi quân sự thuộc lực lượng hải giám và thực thi pháp luật của mình, hay nói như một tác giả Trung Quốc là "5 con rồng khuấy động sóng biển Đông". Sức mạnh biển bao gồm không chỉ binh lính và máy bay cất cánh từ tàu sân bay xuất hiện trên trang bìa tạp chí Jane's Fighting Ships. Tên lửa phóng từ bờ biển, máy bay, máy cảm biến và hạ tầng chỉ huy và kiểm soát có thể ảnh hưởng tới các sự kiện ở ngoài khơi xa. Các lực lượng bảo vệ bờ biển và cơ quan thực thi pháp luật cũng có thể làm vậy. Cả các tài sản thuộc sở hữu tư nhân như các tàu buôn và tàu cá cũng là một vũ khí thể hiện sức mạnh biển, nếu chúng vận chuyển các vật liệu chiến tranh, giám sát các động thái của tàu nước ngoài, hay rải thủy lôi...

Xem xét sức mạnh biển như một thể thống nhất liên tục giúp lãnh đạo Trung Quốc có một loạt lựa chọn, trong đó việc chỉ cần tung ra một cột buồm nhỏ để đạt được các mục đích của mình. Họ có thể làm thế vì Manila và các nước khác có yêu sách tại biển Đông đều biết rõ rằng Bắc Kinh có thể dùng một cột buồm lớn - dưới dạng các tàu chiến của Quân giải phóng nhân dân (PLA) - để giáng đòn nếu họ không làm theo ý muốn của Bắc Kinh. Tương lai sẽ có thể chứng kiến nhiều cuộc chạm trán hơn nữa giống kiểu vụ bãi cạn Scarborough, trừ phi Philippines sử dụng một đối trọng với các tham vọng của Trung Quốc, có thể bằng cách tăng cường sức mạnh biển của mình hoặc bằng cách thu hút sự giúp sức từ các cường quốc bên ngoài.

Cộng đồng lợi ích

Philippines hay bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào cũng sẽ không tích lũy đủ sức mạnh cơ bắp để một mình chống lại những lời nịnh hót của Trung Quốc. Nhưng tạo thành một mặt trận chung cũng rất khó với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ứng cử viên hiển nhiên nhất để hành động như một liên minh đối trọng. ASEAN nổi tiếng là một tập thể khu vực lỏng lẻo. Trên thực tế, các thành viên Hiệp hội đã không để đạt đồng thuận về tranh cãi liên quan đến bãi cạn Scarborough. Mỹ cũng không muốn thiên hẳn về một bên nào. Washington theo đuổi thuyết bất khả tri trong các yêu sách biển chồng lấn, chỉ nhấn mạnh rằng quyền tự do hàng hải phải được đảm bảo.

Hơn nữa, sự hay thay đổi trong nền chính trị liên minh có thể xác định số phận của Manila về bãi cạn Scarborough và các cuộc tranh cãi khác trong tương lai. Bắc Kinh đã thể hiện khả năng rút kinh nghiệm ấn tượng từ các lỗi lầm của mình năm 2010, khi chiến thuật vụng về của họ đã khiến các nước láng giềng yếu hơn hoảng sợ đến mức tập hợp nhau lại và liên kết với Mỹ.

Trung Quốc muốn giảm các xu hướng tìm đối trọng mới tại Đông Nam Á. Từ năm 2010, thừa nhận sai lầm trong cách hành xử của mình, Bắc Kinh đã theo đuổi các yêu sách biển một cách nhẹ nhàng hơn, mà nhà lý luận quân sự Carl von Clausewitz gọi là chính sách ngoại giao cột buồm nhỏ của Trung Quốc. Clausewitz vốn ủng hộ chính sách tấn công mạnh vào kẻ thù, nhưng một cách tình cờ, ông lại kêu gọi các chính khách tìm cơ hội để phá vỡ "cộng đồng lợi ích" đang kết nối các liên minh kẻ thù với nhau.

Theo ông, việc này không quá khó. Ông phân tích: "Một nước có thể ủng hộ sự nghiệp của nước khác, nhưng sẽ không bao giờ coi trong sự nghiệp đó như của mình". Vì vậy, các đồng minh và đối tác trong liên minh đóng góp lực lượng chỉ khi sự sống còn của họ bị đe dọa, và sẽ tìm cách thoái thác khi mọi việc trở nên khó khăn hơn. Như vậy, bằng cách thể hiện kiềm chế, Bắc Kinh có thể hy vọng "chia để trị". Và trên thực tế, giới lãnh đạo Trung Quốc đòi giải quyết vấn đề với các nước Đông Nam Á trên cơ sở song phương. Cách này khiến các thành viên ASEAN không thể tập hợp các nguồn lực ngoại giao và quân sự của mình lại được.

5 con rồng đói

Thái độ thụ động của ASEAN trước một Trung Quốc thống nhất và quyết đoán diễn ra cùng lúc với sự nổi lên mạnh mẽ của sức mạnh biển Trung Quốc. Cũng dễ hiểu khi các quan sát viên nước ngoài tập trung chú ý vào quy mô quân sự dễ nhìn thấy hơn của sức mạnh biển Trung Quốc, thể hiện ở các tàu khu trục hiện đại, máy bay tàng hình và tàu sân bay đầu tiên của nước này. Nhưng các cơ quan hải dương phi quân sự cũng đóng góp một phần quan trọng - mà thường bị bỏ quên - trong sức mạnh biển của Trung Quốc.

Thực vậy, Bắc Kinh rõ ràng đang mở rộng 5 con rồng nhanh hơn Hải quân PLA. Các cơ quan thực thi pháp luật biển đang tuyển dụng nhân sự mới, trong khi nhiều tàu chiến bị cho "nghỉ hưu". Chưa hết, xưởng đóng tàu Trung Quốc đang sản xuất xuồng canô hiện đại nhất nhiều như làm xúc xích. Nhiều tàu trong số này có khả năng tuần tra liên tục tại những vùng biển xa nhất của Trung Quốc, đảm bảo rằng Trung Quốc có thể duy trì một sự hiện diện rõ ràng tại các vùng biển mà họ khẳng định có quyền thực thi chủ quyền.

Thực vậy, tàu Hải giám 84, một trong những tàu hiện đại nhất của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc, đã là trung tâm vụ va chạm tuần qua. Không phải Hải quân, mà là Cơ quan Hải giám Trung Quốc (CMS), một cơ quan được giao nhiệm vụ bảo vệ các vùng đặc quyền kinh tế của nước này, đã cử tàu Hải giám 84 đến hiện trường.

Việc Bắc Kinh phát triển sức mạnh biển phi hải quân chứng tỏ cách tiếp cận cân bằng của họ trong việc quản lý các vùng biển phụ cận. Huy động các tài sản phi hải quân tham gia các cuộc đụng độ liên quan đến lãnh thổ là một chiến lược tinh vi và có phương pháp nhằm đảm bảo các yêu sách biển của Trung Quốc trong các vùng biển ở châu Á. Tốt hơn mọi lập trường của Trung Quốc, chiến lược này đã khéo léo khoét rộng vết nứt trong lòng ASEAN vốn đang rạn vỡ. Hẳn Clausewitz sẽ đồng ý với điều này.

Trước tiên, sử dụng các lực lượng giống như bảo vệ bờ biển sẽ củng cố thông điệp ngoại giao của Trung Quốc. Cử tàu chiến đến đuổi tàu của Philippines đi chỗ khác tức là Trung Quốc thừa nhận là họ đang đấu tranh cho lãnh thổ mà các nước khác đòi là của mình. Ngược lại, cử tàu dân sự thực thi pháp luật là dấu hiệu khẳng định Trung Quốc đang giám sát vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Các thuyền trưởng Trung Quốc có thể hành động chống lại các tàu nước ngoài trong khi các nhà ngoại giao lên án các chính phủ Đông Nam Á vi phạm chủ quyền và luật pháp Trung Quốc. Hơn nữa, dựa vào các tàu dân sự cũng giống như một "liều vaccin" giúp Bắc Kinh chống lại các cáo buộc rằng họ đang áp dụng chính sách ngoại giao tàu chiến. Trung Quốc sẽ đáp rằng: đây không phải là ngoại giao, đây là hành động thực thi pháp luật bình thường!

Thứ hai, sức mạnh bất cân xứng giữa Trung Quốc và ASEAN cho thấy một thử thách mềm hơn. Bắc Kinh có thể đủ khả năng cử các tàu trang bị vũ khí hạng nhẹ chống lại các tàu của đối thủ mà lực lượng hải quân của họ mới chỉ bằng lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc. Sự tham gia của Hải quân PLA sẽ tạo một ưu thế trong hầu hết trường hợp. Hãy tưởng tượng các bức ảnh trên báo chí nếu một tàu khu trục của Trung Quốc đối đầu với một tàu Hải quân đã mất thứ hạng của Philippines. Trung Quốc sẽ trông giống như một kẻ bắt nạt trong con mắt khu vực.

Ví dụ, tàu đầu tiên của Philippines đến phản ứng tại bãi cạn Scarborough là tàu chiến BRP Gregorio del Pilar - vốn là niềm tự hào của hạm đội Hải quân Philippines, nhưng lại là loại tàu cũ từ những năm 1960 đã đến lúc cho nghỉ hưu của lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ. Dù trông có vẻ kềnh càng như một tàu khu trục, nhưng con tàu này chỉ có khả năng chiến đấu tối thiểu. Chẳng khó đoán xem ai sẽ giành ưu thế trong một trận chiến giả định. Dựa vào các cơ quan thực thi pháp luật biển sẽ giảm nguy cơ thất bại ngoại giao mà không để mất các lợi ích của Trung Quốc.

Thứ ba, huy động các biện pháp phi quân sự sẽ tránh leo thang mà giữ cho các tranh chấp chỉ ở cấp độ cục bộ địa phương. Sử dụng một công cụ quân sự như Hải quân PLA có thể quốc tế hóa bất cứ sự cố nhỏ nào, dẫn tới các kết cục mà Trung Quốc e sợ nhất. Nếu các khẩu pháo của PLA nhả ra những quả đạn tức giận thì chẳng khác nào gây ra một sự phản đối rộng rãi trong khu vực đồng thời nhen lên ngọn lửa dân tộc. Ngược lại, các biện pháp không phô trương giúp kìm các tranh cãi trong chừng mực song phương và thu lại những điều có lợi cho Trung Quốc.

Thứ tư, các tàu phi quân sự tạo điều kiện hợp pháp cho Bắc Kinh duy trì sức ép nhẹ nhưng không ngừng lên các đối thủ có yêu sách đối với các đảo và vùng nước trong biển Đông. Các cuộc tuần tra thường xuyên có thể phát hiện những yếu kém trong khả năng do thám biển của các quốc gia ven biển, đồng thời thử thách quyết tâm chính trị của họ. Tuy nhiên, kìm giữ các tranh chấp ở "trạng thái sôi" thấp cũng tạo cơ hội cho Trung Quốc đưa ra các sáng kiến ngoại giao nhằm thổi bùng lên hoặc làm dịu đi cái nóng như một sự đảm bảo chiến lược.

Và nếu mọi cách đều thất bại, Bắc Kinh có thể sử dụng lực lượng hải quân của mình để hỗ trợ các cơ quan dân sự. Việc Trung Quốc - khác với các đối thủ yếu hơn của mình -  chọn cách đẩy xung đột leo thang chỉ giúp phóng đại yếu tố hăm dọa tại những nơi như bãi cạn Scarborough hay quần đảo Trường Sa. Thực vậy, mối đe dọa thuần túy của sức ép hải quân có thể khiến một đối thủ phải rút lui. Vốn là vô thưởng vô phạt, các cuộc tuần tra hòa bình của 5 con rồng lại mang sức nặng đáng kể khi chúng được hỗ trợ bởi hỏa lực của một hạm đội lớn - và Manila biết điều đó.

Dấu ấn thời đại

Trước các lợi ích chiến lược của sức mạnh biển phi quân sự, thực thi pháp luật biển hứa hẹn sẽ vẫn là một ngành công nghiệp tăng trưởng tại Trung Quốc trong những năm tới. Bắc Kinh có thể hy vọng đạt mục đích của mình thông qua các biện pháp thận trọng trong khi tạo ra một "dung môi" làm suy yếu mọi liên minh đối lập trước khi chúng được củng cố. Đó có thể là ngón tài ấn tượng của ngoại giao hàng hải, và có thể thành công.

Mỹ và các nước đồng minh ở Đông Nam Á  phải chú ý nhiều hơn đến các tàu dân sự có vẻ đẹp mê hồn - cột buồm nhỏ của Trung Quốc - khi chúng biến thành cột buồm lớn. Bãi cạn Scarborough là một điềm báo trước những gì sẽ xảy ra. Đừng bao giờ bỏ qua giá trị chính trị của tàu biển chỉ vì chúng không được trang bị súng máy hay tên lửa./.
 

Theo Châu Giang

Vietnamnet/ nationalinterest.org

Sưu tầm từ dantri
Hình đại diện của thành viên
YTSTNews
 
Bài viết: 153
Ngày tham gia: 24 Tháng 7 2007, 17:55


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST về Văn hóa - Xã hội - Giáo dục

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến29 khách