Vinh danh những sáng tạo bắt nguồn từ cuộc sống
Tối 6/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tại Lễ tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 11 (2010-2011), đã có 82 giải pháp, gồm 4 giải nhất, 11 giải nhì, 24 giải ba và 43 giải khuyến khích được vinh danh.
Các tác giả nhận giải nhất đã được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao bằng khen thưởng của Thủ tướng về thành tích sáng tạo.
Cùng đó, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đã tặng giải WIPO cho giải nhất xuất sắc nhất "Hệ thống thiết bị sàng rửa sạch cát đạt tiêu chuẩn cát xây dựng" của ông Võ Tấn Dũng (Công ty TNHH xây dựng và thương mại vận tải Phan Thành, TP Cần Thơ); giải WIPO cho nhà sáng tạo nữ xuất sắc nhất là Phan Thị Hạnh (DNTN dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh, tỉnh Bình Ðịnh), tác giả giải pháp đoạt giải nhất "Cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng giống keo lai bằng phương pháp giâm hom"; giải WIPO cho tác giả trẻ xuất sắc nhất là KS Lê Chiến Thắng, tác giả giải pháp đoạt giải nhì "Thiết bị tiết kiệm gas cho bếp gas gia đình và bếp công nghiệp" - Công ty TNHH thương mại và sản xuất Hùng Việt Phát, TP.HCM.
Thạc sĩ Lê Duy Tiến, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) cho biết, trên toàn quốc đã có 42 bộ, ngành và tỉnh, thành phố tổ chức hội thi và gửi kết quả tham dự; hàng nghìn giải pháp đã gửi đến hội thi cấp cơ sở, cấp tỉnh, thành phố và các bộ, ngành. Theo ông Tiến, điều nổi bật nhất của Hội thi năm nay là các giải pháp đoạt giải thuộc 6 lĩnh vực (Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, cơ khí tự động hóa, xây dựng giao thông vận tải, vật liệu, hóa chất, năng lượng, nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên môi trường, Y, dược, giáo dục và đào tạo và các lĩnh vực khác) đều được ứng dụng vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Như trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và môi trường, giải pháp của nhà sáng tạo nữ xuất sắc nhất là Phan Thị Hạnh, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt. Nếu áp dụng rộng rãi cải tiến kỹ thuật này vào công tác nhân giống cây keo lai phục vụ trồng rừng thì lợi ích kinh tế mang lại cho người trồng rừng trong mỗi năm là rất lớn.
Còn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, Giải pháp "Hệ thống đo Carota độ lệch và phương vị giếng khoan liên tục đường kính 60 mm" của tác giả Nguyễn Xuân Quang và cộng sự, thuộc Xí nghiệp Ðịa vật lý Giếng khoan - Việt Nga Vietsopetro đã thể hiện trình độ và sự sáng tạo của các nhà khoa học Việt Nam.
Giải pháp gây được chú ý và trao giải nhất trong lĩnh vực cơ khí, xây dựng giao thông vận tải của tác giả Võ Tấn Dũng đã chiếm được 70% thị phần cát cung cấp cho thi công dân dụng của TP Cần Thơ; mở ra hướng khai thác cát sông khu vực đồng bằng sông Cửu Long góp phần khắc phục tình trạng thiếu cát xây dựng (loại đạt tiêu chuẩn) ở đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng đó, những giải pháp được nhận giải thưởng khác cũng gây được nhiều chú ý do có khả năng ứng dụng thực tế đời sống cao như: sử dụng trấu làm nhiên liệu, thiết bị tiết kiệm gas, dùng san hô thay thế xương...
Đáng chú ý, khi lắp đặt thiết bị tiết kiệm gas, có thể kéo dài thời gian sử dụng tới 38 ngày, thay vì 28 ngày đối với bình gas 12kg. Thiết bị tiết kiệm gas cũng đã được sử dụng ở Công viên nước Đầm Sen, nhiều nhà hàng, quán ăn và các gia đình tại TP.HCM…
Từ thực tế ngày càng xuất hiện nhiều bệnh nhân bị chấn thương hốc mắt do tai nạn giao thông, tác giả Lê Minh Thông và các cộng sự thuộc Đại học Y dược TPHCM đã “Nghiên cứu điều trị gãy sàn hốc mắt kết hợp lót chỗ gãy bằng chế phẩm san hô lấy từ vùng biển Việt Nam”.
P. Thanh