Chủ tịch nước viếng "tướng biệt động" Tư Chu
Sau nén nhang tưởng nhớ trước linh cữu của anh Tư Chu, Chủ tịch nước ghi vào sổ tang lời tiễn biệt ân tình: “Tổ quốc mãi mãi ghi công anh với những chiến công xuất sắc trong những năm tháng đấu tranh đầy gian khổ… Đảng và Nhà nước ta mãi mãi ghi nhớ công lao anh đã đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Vĩnh biệt anh Tư”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thắp hương tiễn biệt “tướng biệt động” Tư Chu.
Đến viếng và chia buồn cùng gia đình anh hùng biệt động Sài Gòn – Gia Định Tư Chu còn có Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, Phó chủ tịch TPHCM Nguyễn Thị Hồng, đoàn đại diện Bộ Tư lệnh TPHCM cùng nhiều đoàn thể, bạn bè thân hữu, các cựu chiến binh trong Câu lạc bộ biệt động Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định.
Sau một thời gian dài mang trọng bệnh ung thư, Đại tá Tư Chu trút hơi thở cuối cùng vào sáng 16/9, hưởng thọ 86 tuổi.
Đại tá Nguyễn Đức Hùng sinh năm 1928, quê ở xã Hậu Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Với lòng yêu nước và ý chí căm thù giặc, năm 12 tuổi ông đã tham gia cách mạng. Cuối năm 1946, sau khi tham gia lớp học quân chính, ông được phân công vào hoạt động bí mật tại nội thành Sài Gòn – Gia Định.
Chủ tịch nước cùng lãnh đạo TPHCM tưởng niệm người anh hùng Biệt Động – Sài Gòn.
Ông tham gia tích cực vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đặc biệt, trong chiến dịch Mậu Thân 1968, ông cùng đồng đội lập được nhiều chiến công làm cho chính quyền chế độ cũ hoảng sợ phải treo giải thương tới 2 triệu USD cho ai bắt được “Thủ lĩnh F100” Tư Chu.
Ngày 3/1/2012, khi đang nằm điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, TPCHM, Đại tá Nguyễn Đức Hùng vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trước đó, ông được Nhà nước khen thưởng huân chương Độc lập hạng nhất, huân chương Quân công hạng nhất, huy hiệu 65 tuổi Đảng cùng nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Hoài Nam