“Chúng tôi đã dồn hết tâm sức, con tim, trí tuệ của mình trong suốt chặng đường 10 năm qua để bây giờ, sản phẩm Nino Maxx đã có chỗ đứng trên thị trường thời trang, chiếm 22% thị phần thời trang casual wear trong nước và bắt đầu vươn ra nước ngoài: đầu tiên là Campuchia, Úc và trong năm 2007 đã đặt chân đến Mỹ”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Hữu Phụng kể.
“Ở những nước phát triển, đặc thù riêng về thời trang thể hiện rất rõ nét. Chúng tôi chọn những nơi khó để “đánh” vào trước vì nghĩ càng gian truân càng dễ thành công. Mà con đường thành công sẽ là tất yếu nếu kiên trì, đeo bám. Làm trước ở những nơi có điều kiện cạnh tranh khốc liệt thì sau này khi tiến vào những nơi ít khốc liệt sẽ có cảm giác dễ chịu hơn, khi đó mình càng có nhiều thời gian để sáng tạo”.
Nhắc lại những ngày đầu có mặt ở thị trường Mỹ, Phụng trở nên hứng khởi, anh “bật mí”: “Chúng tôi khai trương hai cửa hàng ở thành phố Los Angeles trước Black Friday (Thứ sáu ngày 13, được gọi là “Ngày thứ sáu đen tối”) của tháng 10/2006 và… trúng”.
Chọn điểm đến đầu tiên là Los Angeles - thành phố lớn nhất của bang California và lớn thứ hai của Mỹ và thời điểm Black Friday là ngày mà người dân Mỹ có thói quen đi mua sắm và mua sắm dữ dội, chính là một trong những “chiêu” của công ty Thời trang Việt. Trong dòng người đổ xô đi shopping vào ngày ấy đã có không ít người chọn sản phẩm thời trang Nino Maxx “Made in Vietnam”.
Nhưng mọi chuyện đâu có đơn giản và dễ dàng như thế. Từng được mọi người nhận xét là tự tin, quyết đoán nhưng Phụng đã phải thừa nhận:”Thời gian đầu làm quen với thị trường Mỹ, tôi “bị” thay đổi… 360 độ.
Tôi hoang mang thật sự khi thấy văn hóa làm việc của họ không giống mình, tôi mất hết chủ động, không biết phải làm sao, ký cái gì cũng phải xem xét hết sức cẩn trọng… Nhưng rồi tôi nghĩ: kinh doanh là phiêu lưu mà, thế là bằng mọi cách, tôi nhanh chóng “hóa thân” thành một doanh nhân Mỹ, bởi không làm thế, chúng tôi sẽ bị đào thải”.
Chia sẻ kinh nghiệm “hội nhập”, Phụng cho rằng bài học lớn mà anh gặt hái được ở thị trường tất tần tật được “luật hóa” hết sức khó tính này là ngay từ đầu phải có sự chuẩn bị sao cho thật hoàn chỉnh, bài bản về mọi mặt, nếu không sẽ… chết chắc.
Bỏ ra một khoản không nhỏ mở cửa hàng, đưa sản phẩm của mình sang Mỹ chỉ để rút ra bài học kinh nghiệm đơn giản thế sao?
“Thật ra chúng tôi đã học được nhiều điều thú vị. Chúng tôi chấp nhận tốn kém, không nghĩ đến chi phí mình bỏ ra lớn hay nhỏ vì mở cửa hàng có nhiều thuận lợi là tiếp cận ngay khách hàng và có một kênh riêng để nghiên cứu thị trường”, Tổng Giám đốc Mai Khắc Tỉnh nói.
Ông Tỉnh kể trước đó họ cũng thử nghiệm con đường tiếp cận thị trường quốc tế đỡ tốn kém hơn là mang sản phẩm qua Úc ký gởi, nhưng hiệu qủa đạt được không cao. Còn ở Campuchia, nơi mà ngành thời trang chuyên nghiệp chưa phát triển thì… dễ thở hơn, chi phí thấp hơn, quần áo cứ rẻ là OK, không bị… đau đầu như ở những thị trường khó tính.
Đấy cũng là những bài học mà chỉ có những người dám nghĩ, dám làm mới tìm thấy được giá trị của nó. “Có thêm nhiều bài học, biết được tính chuyên nghiệp của ngành thời trang ở các nước phát triển, hiểu được văn hóa độc đáo của các nước (vì mỗi quốc gia có văn hóa ăn mặc khác nhau), nhanh chóng tìm ra được cái chung, cái riêng của thị trường thời trang mình đang hướng tới thì sẽ định hướng được con đường phát triển của riêng mình”, những người “cầm lái” công ty tâm sự.
“Thị trường các nước châu Á còn bỏ ngỏ, sao các anh lại chọn những nước phát triển như Mỹ, Úc mà… xông vào?”. Phụng cười: “Đấy là tính cách của chúng tôi mà. Ở những nước phát triển, đặc thù riêng về thời trang thể hiện rất rõ nét.
Chúng tôi chọn những nơi khó để “đánh” vào trước vì nghĩ càng gian truân càng dễ thành công. Mà con đường thành công sẽ là tất yếu nếu kiên trì, đeo bám. Làm trước ở những nơi có điều kiện cạnh tranh khốc liệt thì sau này khi tiến vào những nơi ít khốc liệt sẽ có cảm giác dễ chịu hơn, khi đó mình càng có nhiều thời gian để sáng tạo”.
Trải qua nhiều gian truân, hiện nay Công ty thời trang Việt đang đi theo một con đường mới khôn ngoan hơn: kết hợp hai cách tiếp cận (mở cửa hàng và gởi hàng đi) bằng cách lập các văn phòng đại diện, văn phòng giao dịch. Ở đó, họ có thể vừa quảng bá, vừa đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng ở các nước, thiết lập thêm các mối quan hệ để củng cố sức mạnh, làm bàn đạp “nhảy” nhanh hơn.
Và họ đã làm được điều đó vào những ngày chuẩn bị bước sang năm mới 2008: hợp tác với tập đoàn Indochina Capital để củng cố nguồn tài chính; “dụ dỗ” được nhà thời trang Cha Hyung Kun (người Mỹ gốc Hàn Quốc có kinh nghiệm 20 năm trong ngành thời trang casual wear cao cấp ở Mỹ với các thương hiệu Monarchy, True Religion…) làm giám đốc xưởng sản xuất cho công ty.
“Thời trang Việt sẽ phải có chân trên trường quốc tế, Nino Maxx phải là thương hiệu casual wear hàng đầu của châu Á trong thị phần dành cho giới trẻ và có giá cả trung bình”, anh Phụng tuyên bố chắc nịch.
Để mục tiêu ấy nhanh chóng thành hiện thực, từ bây giờ công ty đã lên kế hoạch trong năm 2008 sẽ tung sản phẩm nhãn hiệu Nino Maxx của mình ra các miền đất mới là Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan và sau đó là “đánh” tiếp sang Trung Quốc, Singapore, Thái Lan…
Song, họ xác định thị trường trong nước vẫn là quan trọng nhất, do vậy, trong năm 2008 sẽ xuất hiện dòng sản phẩm mới có giá phù hợp cho sinh viên - học sinh, người tiêu dùng có phong cách trẻ và dòng thời trang casual wear cao cấp high-end để phục vụ khách hàng khó tính. Và đương nhiên, cơ sở vật chất sẽ không dừng lại ở 55 cửa hàng như hiện nay.
Có thể tin lắm chứ, một ngày không xa, sản phẩm thời trang Nino Maxx “made in Vietnam” vững vàng hòa nhập trên con đường hội nhập quốc tế còn không ít chông gai nhưng đầy hấp dẫn ở phía trước.
Đoan Trang (Trí Tri số 26)