Philip Kotler, được xem là cha đẻ của tiếp thị hiện đại, đã đến TP HCM để diễn thuyết tại hội thảo "Marketing mới cho thời đại mới" ngày 17/8. Trao đổi với báo giới chiều 16/8, "một trong 4 bộ óc vĩ đại nhất thế giới quản trị" (theo bình chọn của Financial Times) nói doanh nhân hãy trở thành một marketer thông minh.
- Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam thuộc cỡ vừa và nhỏ, sản xuất nhiều loại hàng hóa tiêu dùng khác nhau. Theo ông, làm thế nào để hàng Việt đến và chiếm lĩnh được thị trường nước ngoài?Philip Kotler. Ảnh: P.A.
- Có rất nhiều cách để sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận. Có công ty đổ hàng triệu USD cho các chương trình quảng cáo đắt tiền, nhưng hiệu quả chưa hẳn đã thuyết phục được khách hàng. Nhiều phương thức tiếp thị đơn giản, truyền thống nhưng lại được người tiêu dùng thích thú. Đó có thể là việc in những brochure và phát như cánh bướm, là quà tặng; hoặc sử dụng phương tiện tiếp thị trực tiếp qua mail, fax, thư...
Muốn tiếp thị tốt, doanh nghiệp hãy hết sức linh hoạt, tập trung suy nghĩ những ý tưởng lớn để thực hiện, thay vì đi tiêu những khoản tiền lớn. Doanh nhân cũng hãy là người (người tiếp thị) thông minh, sáng tạo để thuyết phục người tiêu dùng tin tưởng vào sản phẩm của mình.
Philip Kotler sinh năm 1931 tại Chicago, Mỹ được xem là huyền thoại duy nhất về marketing, ông tổ của tiếp thị hiện đại thế giới và là một trong 4 "cây đại thụ" về quản trị của thế giới. Những nguyên lý và phương pháp tiếp thị của ông được tiếp nhận, áp dụng rộng rãi trong giới kinh doanh toàn cầu. Philip Kotler cũng là tác giả hoặc đồng tác giả hơn 100 cuốn sách về marketing và quản trị kinh doanh. Trong đó có Marketing Management, một trong những cuốn sách kinh điển nhất của ngành tiếp thị và gối đầu giường giới quản trị kinh doanh thế giới. |
- Xây dựng hình ảnh cho một thương hiệu, điều gì là quan trọng nhất?
- Hãy chiếm thị phần trong trái tim người tiêu dùng. Đấy là yếu tố quan trọng nhất nếu muốn phát triển một thương hiệu. Tại sao đến một quán cà phê Starbucks, người ta chấp nhận bỏ ra đến 3 USD/ly cà phê? Bởi vì hình ảnh Starbucks trong lòng khách hàng khá lớn và người ta rất vui lòng bỏ tiền ra nhâm nhi.
Với doanh nghiệp, xác định giá trị, hoài bão của công ty là điều cần thiết. Sau đó chiếm thị phần trên thị trường, nhưng thị phần trong lòng người tiêu dùng đối với thương hiệu đó sẽ tạo nên thành công cho doanh nghiệp.
- Không ít doanh nghiệp Việt Nam bỏ nhiều công sức để thực hiện trách nhiệm cộng đồng, nhằm củng cố thương hiệu. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả phương pháp marketing này?
- Từ nhiều năm trước, tôi đã nhận ra rằng marketing không chỉ là bán hàng hóa, tạo ra dịch vụ mà còn cần phải có trách nhiệm cộng đồng. Tôi gọi đó là marketing xã hội và đã viết sách phân tích sự cần thiết của hoạt động này đối với một doanh nghiệp.
Marketing xã hội là dùng ý tưởng marketing để ảnh hưởng đến cộng đồng, tạo ra những hành vi hay giúp cho lối sống tốt hơn. Ví dụ, kêu gọi không hút thuốc lá, khuyến khích tập thể dục, hành động vì trẻ em; hoặc có những trăn trở như tình trạng vứt rác bừa bãi, ô nhiễm môi trường... dẫn đến hành động thực tế nhằm giảm thiểu tình trạng.
Một công ty ngoài marketing xã hội còn có thể tài trợ cho giáo dục, công tác nghiên cứu, với nhiều cách thực hiện. Ví dụ như trong mỗi sản phẩm sản xuất đều thể hiện yếu tố bảo vệ môi trường. Nên nhớ, khi doanh nghiệp giúp người nghèo thì cũng có nghĩa được hưởng lợi từ công tác đó.
Chẳng hạn, nhà sản xuất dầu gội đầu thay vì làm những chai to thì phân thành gói nhỏ, bán với giá thấp để phục vụ khách là người thu nhập thấp. Sản xuất điện thoại hay máy tính, thay vì bán giá 3.000 USD/chiếc thì cung cấp loại 300 USD/chiếc cho người nghèo. Như vậy người thu nhập thấp được đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm bằng với điều kiện kinh tế của mình, trong khi doanh nghiệp cũng bán được hàng cho số đông người tiêu dùng, lại quảng bá được thương hiệu.
- Lời khuyên của ông như thế nào đối với việc xây dựng, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới trong giai đoạn hiện nay?
- Việt Nam đang có một hình ảnh hết sức thuận lợi, người Việt được nhìn nhận là những người thân thiện, hiếu khách, chăm chỉ và giàu khát vọng. Việt Nam cũng có thể làm được những điều tương tự như các quốc gia phát triển khác đã làm.
Một khi đã quyết định được hình ảnh mà mình muốn xây dựng trong mắt du khách và nhà đầu tư nước ngoài là gì, Việt Nam cần có những bước đi để các công dân và doanh nghiệp của mình làm sống dậy hình ảnh đó.
Điều này sẽ dễ dàng đạt được hơn nếu các công dân và doanh nghiệp cũng tham gia quá trình quyết định hình ảnh mà mình đại diện. Sự đồng thuận của họ phải đạt được một cách tự nhiên và thúc đẩy họ thể hiện hình ảnh mong muốn xây dựng được. Tôi tin là Việt Nam có thể làm được điều này.
Phan Anh