Dân chơi xe ở Hong Kong không chỉ chọn biển mang số may mắn mà còn gắn lên đó tên các nhân vật nổi tiếng hay những từ độc đáo.
Trên đường phố Hong Kong, không quá khó để tìm những chiếc xe xa xỉ và hào nhoáng của Mercedes-Benz, Rolls Royces, Ferraris hay Maseratis. Để khẳng định rõ hơn đẳng cấp, sở thích và nghề nghiệp, các chủ xe khá kỳ công lựa chọn biển số.
Chiếc Audi TTS của Jackie Rain nổi bật trên đường phố với màu vàng cam rực rỡ và tấm biển "MR BEAN" gắn trước mũi xe. Hơn một năm về trước, Rain đã chi 10.000 đôla Hong Kong (tương đương 1.290 USD) để mua biển xe này tại một buổi đấu giá.
Xe sang nhập vào Hong Kong hiện chịu thuế 100%. Những ai đã dám bỏ tiền mua xe cũng chẳng ngại ngần chi thêm một chút để tậu cho được chiếc biển ưng ý. Nắm bắt nhu cầu này, từ 2006 cơ quan chức năng Hong Kong bắt đầu tổ chức đấu giá biển số đẹp, quyên tiền cho các quỹ từ thiện của chính quyền. Nếu thích biển số nào, người ta có thể nộp đơn đề nghị mua và nộp ít nhất 645 USD. Người trả giá cao nhất trong cuộc đấu giá sẽ được sở hữu biển số mình mong ước.
Tùy vào mức độ hấp dẫn, độc đáo của từng biển mà giá cả được đưa ra rất khác nhau. Đầu tháng trước, hai biển mang dòng chữ "WELCOME" và "PERFECT" được bán đúng bằng giá khởi điểm. Trong khi đó, biển "FA" lại được mua với giá 18.000 USD bởi nhìn thấy nó ai cũng hiểu chủ xe là fan của bóng đá Anh. Tuy nhiên, có những chiếc biển nghe qua không thấy độc đáo nhưng giá đấu lại cao chót vót, chẳng hạn chiếc "STORAGE" có giá 12.000 USD.
Khủng hoảng kinh tế đã khiến người ta bớt chi tiêu cho những khoản xa xỉ, các cuộc đấu giá biển xe vì thế cũng bớt xôm hơn. Cả tháng một, cơ quan chức năng Hong Kong chỉ thu được 281.000 USD từ các cuộc đấu giá biển xe đẹp, giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phong trào chơi biển chữ độc mới rộ lên vài năm nay, còn biển số đã có từ lâu. Đầu thập niên 1990, một nhà tài phiệt Hong Kong đã chi ra 1,68 triệu USD để mua biển xe có duy nhất một số "9", phiên âm theo tiếng Trung có nghĩa là trường tồn.
* Ảnh biển xe độc tại Hong Kong |
Bên cạnh các cuộc đấu giá do chính quyền tổ chức, thị trường mua bán biển đẹp khá sôi động ở Hong Kong. Calvin Ng, người phụ trách mảng tài chính cá nhân của một ngân hàng đầu tư nước ngoài cho biết anh từng được mời mua biển "BOWLING" với giá 4.800 USD để gắn vào chiếc Audi thể thao của anh. Sau một hồi thượng, anh chỉ mất 645 USD cho chiếc biển mang tên một môn thể thao yêu thích thuở nhỏ.
Một vài doanh nghiệp Hong Kong cố gắng có được chiếc biển xe nói lên chiến lược kinh doanh hoặc kỳ vọng của mình. Chẳng hạn Cơ quan quản lý tiền tệ Hong Kong cấp cho giám đốc của mình chiếc xe mang biển "AM 78", dễ khiến người ta liên tưởng tới tỷ giá giữa đôla Hong Kong và đôla Mỹ (1 đôla Mỹ đổi được 7,8 đôla Hong Kong).
Vài năm trước, gia đình họ Wong, đang sở hữu tập đoàn giao thông công cộng AMS, đã trúng đấu giá một loạt biển đẹp, trong đó có chiếc mang số "77", là mã giao dịch của công ty tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong. AMS đang kinh doanh xe buýt công cộng, được thành lập những năm 70 thế kỷ trước. Vincent Wong, con trai của người sáng lập AMS, khẳng định những chiếc biển đẹp này đã giúp công ty nổi bật trước đối thủ cạnh tranh.
Bà Gladys Mak, thày phong thủy được nhiều người hâm mộ tại Hong Kong cũng vừa chi 16.000 đôla Hong Kong để mua chiếc biển "FUNG SHUI". Thực ra bà muốn có biển bang tên gọi của nghề mà bà đang theo (Feng Shui), nhưng do đã có người sở hữu nó, bà đành chọn từ FUNG SHUI, đọc chệch đi một chút so với từ Feng Shui. Bà Mak rất tự hào về chiếc xe Porsche màu bạc gắn biển FUNG SHUI, chỉ có điều phiền toái là nó quá dễ để nhận diện giữa đám đông, và cảnh sát cũng dễ dàng ghi nhớ. Bà cho biết phu quân của mình không thích lái chiếc xe này.
Một cặp uyên ương vừa chi 3.870 USD để mua biển xe mang 4 chữ cái "XXEE". Trong đó "XX" là chữ viết tắt cho từ "kiss, kiss" trong khi "EE" là chữ viết tắt của nickname "eagle eyes" mà Ricki Leung muốn gửi tặng bạn trai mình.
Sau khi tậu được chiếc biển XXEE từ cuộc đấu giá tháng trước, Leung đang tìm mua một chiếc xe mới, có thể là chiếc Mercedes hoặc Land Rover.
Song Linh (theo The Wall Street Journal)