(Dân trí) - Nếu tập trung đầu tư cho giao thông, có chiến lược xây dựng hợp lý các khu vực cảng ở cả ba miền thì với vị trí đắc địa của mình, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một "con hổ" của thế giới về kinh tế biển.
>> Thái tử Bỉ cùng 300 doanh nhân đến Việt Nam
>> Thu hút đầu tư FDI của Bỉ vào giao thông
>> Thái tử Bỉ cùng 300 doanh nhân đến Việt Nam
>> Thu hút đầu tư FDI của Bỉ vào giao thông
Việc lựa chọn một vị trí quyền phân phối hàng hóa Việt Nam là một yếu tố quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam(Ảnh: Bích Diệp).
Sáng nay (12/3), trong khuôn khổ chuyến thăm của đoàn kinh tế Vương quốc Bỉ đến Việt Nam, đã diễn ra Hội thảo “Giới thiệu công nghệ của Bỉ trong phát triển cảng, hạ tầng giao thông và các dịch vụ hậu cần”.
Nhờ thế mạnh vị trí của mình với 4 cảng biển lớn và mạng lưới đường thủy nội địa dày đặc, Bỉ có khả năng phát triển rất tốt về kỹ thuật hàng hải và đường thủy nội địa, kinh tế, tiếp vận, môi trường và giới thiệu công nghệ.
Hợp tác giữa Flanders và Việt Nam bắt đầu từ tháng 2/1995 bằng thỏa thuận hữu nghị giữa hai phía. Mục đích của thỏa thuận này là hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau liên quan đến hàng hải và đường thủy nội địa cũng như phát triển cảng.
Đánh giá về triển vọng trước mắt, bà Claire Tillekaerts- Quyền Chủ tịch FIT Cục Xúc tiến Đầu tư & Thương mại vùng Flanders nói, “Chúng tôi rất ấn tượng bởi sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong vài năm qua và tham vọng của Việt Nam để cải thiện cơ sở hạ tầng bao gồm: cảng, sân bay, đường bộ, đường sắt… Chúng tôi cũng hiểu rất rõ rằng cảng biển lớn hơn sẽ làm giảm hoặc loại bỏ sự cần thiết phải trung chuyển hàng xuất khẩu của Việt Nam, khôi phục lại lợi thế so sánh của lực lượng lao động giả rẻ của Việt Nam và được đào tạo cơ bản”.
Theo đó, phía Bắc Việt Nam, cảng được cải thiện sẽ thuận tiện cho hàng hóa xuất khẩu sang phía Tây Trung Quốc, xâm nhập thị trường nhanh hơn và rẻ hơn. Đồng thời sẽ cho phép Việt Nam để trở thành một trung chuyển và điểm hợp nhất đối với hàng hóa đến và ra khỏi Trung Quốc.
Một cảng nước sâu ở miền Trung sẽ cho phép vận chuyển hàng hóa ra khỏi miền Bắc Thái Lan, Lào, và Myanmar cũng như giúp Việt Nam xuất khẩu dầu dễ dàng hơn.
Cảng tốt hơn cũng sẽ cho phép Việt Nam thực hiện đầy đủ tiềm năng sản xuất trong nước ở miền Nam, trở thành một trung tâm vận chuyển chính cho Campuchia, miền Nam Thái Lan và khu vực Đông Nam Á.
“Tất cả các cải tiến của hệ thống cảng này sẽ góp phần giúp Việt Nam trở thành một “con hổ” của các nước về biển. Ngoài ra, việc lựa chọn một vị trí quyền phân phối hàng hóa Việt Nam là một yếu tố quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam” – theo bà Claire.
Cần 40 tỷ USD đến 2015 cho cơ sở hạ tầng giao thông
Về phía Việt Nam, ông Phạm Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, Việt Nam cần khoảng 800 nghìn tỷ đồng, tương đương 40 tỷ USD để phát triển các dự án.
Trong đó, dự án đường cao tốc Quảng Ngãi – Quy Nhơn cần 1,75 tỷ USD, Quy Nhơn – Nha Trang cần 1,5 tỷ USD và đường vành đai 4 Hà Nội cần 3,25 tỷ USD.
Trong lĩnh vực hàng không, sân bay quốc tế Chu Lai cần 1,9 tỷ USD, sân bay Long Thành cần 5,15 tỷ USD.
Lĩnh vực đường sắt, dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu cần 0,75 tỷ USD, đường sắt khai thác bô xít Đắc Nông – Bình Thuận cần 0,725 tỷ USD và đường sắt TPHCM – Cần Thơ cần 1,4 tỷ USD.
Ở lĩnh vực cảng biển, các dự án xây dựng 2 bên cảng ở Cái Mép – Thị Vải, cụm cảng phức hợp Bà Rịa – Vũng Tàu có quy mô đâu tư dưới 100 triệu USD, cảng quốc tế Đà Nẵng và cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong được dành ưu tiên cho các nhà đầu tư tư nhân bằng các hình thức tư doanh và nhà nước kết hợp.
Trao đổi bên lề hội thảo với Dân trí, Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Ngô Thịnh Đức cho biết, dịp này, Bộ sẽ đàm phán với đối tác Bỉ dành nhiều hơn nguồn viện trợ ODA cho các dự án giao thông ở Việt Nam, tăng cường hoạt động chuyển giao công nghệ. Ông đồng thời cũng khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có khả năng tiếp cận với những công nghệ mới, hiện đại nếu như phía Bỉ sẵn sàng hỗ trợ.
Bỉ được xem là cửa ngõ của châu Âu, nằm ở trung tâm của "Banana Blue" nơi được coi là khu vực trung tâm kinh tế của châu Âu, với diện tích chiếm 10% và sản lượng công nghiệp chiếm 50% của toàn khối châu Âu. Vị trí của Bỉ ở ngã tư của mạng lưới đường bộ, đường sắt và cảng nội địa dày đặc. Chính điều đó đảm bảo hiệu quả của việc kết nối nội địa, tích hợp với khu cảng biển sâu, biển ngắn, vận chuyển nội địa, đường bộ và đường sắt. Trong vận tải đa phương thức, Bỉ đang cố gắng để chuyển nhanh từ hình thức vận tải từ đường bộ sang đường thủy nội địa để tránh tắc nghẽn đường và giảm tác động xấu tới môi trường. Vùng Flanders có diện tích chỉ chiếm 13.000 km² trong tổng số 33.000km2 của Bỉ, song đã đạt được con số ấn tượng về cơ sở hạ tầng giao thông vận tải đường biển nội địa với 590 km sông tự nhiên, 827 km kênh mương nhân tạo và trong số 1.417 km đường thủy thì đã có tới 1.076 km được sử dụng cho mục đích thương mại. Với mật độ là 7,9 km/100 km², Flanders đứng thứ 2 trên thế giới về mật độ đường thủy thương mại. Cơ sở hạ tầng dọc theo những tuyến đường thủy bao gồm 104 cầu di động, 129 cổng xả nước và 36 đập. Tất cả những điều này chứng minh rằng đầu tư là cần thiết, đã và đang được thực hiện để đảm bảo năng suất và hiệu quả của mạng lưới đường thủy. |
Bích Diệp
Sưu tầm từ dantri