Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Quảng cáo Việt Nam ngày càng gây chú ý

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 14:21
gửi bởi Zelda

Đoạn phim quảng cáo The Quest của bia Tiger đang chiếu ở VN và các nước trong khu vực đã khiến mọi người chú ý đến quảng cáo của nước ta. Đây là lần đầu tiên VN xuất khẩu được một ý tưởng quảng cáo.

Hiện nay, các doanh nghiệp làm dịch vụ quảng cáo cạnh tranh nhau khá mạnh để bán các sản phẩm hữu hình như làm panô, làm phim; chỉnh sửa quảng cáo từ nước ngoài đưa vào như lồng tiếng, sửa logo... Dịch vụ này làm tăng doanh thu đáng kể và các nhà làm kinh doanh dự báo doanh thu năm 2002 sẽ tiếp tục tăng không dưới 20% so với năm trước.

Việc tăng doanh số của ngành quảng cáo cho thấy các doanh nghiệp ngày càng cần đến quảng cáo nhưng việc chi tiền cho quảng cáo đang diễn ra như thế nào, đã tạo hiệu quả thật sự? Việc này phụ thuộc vào cả nhà quảng cáo và doanh nghiệp - khách hàng của họ.

Vừa qua, nhãn hiệu điện tử Việt Nam Vitek-TB đã cho phát phim quảng cáo Vitek-VTB với giấc mơ tuổi thơ và bóng đá thế giới. Đây là bộ phim do công ty Nguyễn Văn Vinh thực hiện. Ông Lê Văn Chính, giám đốc công ty Vitek-VTB cho biết, công ty chọn thời điểm World Cup để phát phim này là dựa trên kết quả của các công ty nghiên cứu thị trường: doanh số bán hàng điện tử tăng 160% vào dịp France 98. Ông Chính phân tích thêm về ý tưởng: "Chúng tôi đã mời các thành viên của đội bóng đá thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt vừa đoạt cúp vàng vô địch tại Thái Lan. Vitek-VTB đưa người thật lên phim quảng cáo thay vì sử dụng các diễn viên chuyên nghiệp. Tổng chi phí làm bộ phim quảng cáo 200 triệu đồng. Phim được lên kế hoạch phát sóng 1.028 lần trên các đài truyền hình, kể cả đài ở tỉnh.

Song không phải doanh nghiệp nào cũng chi tiền quảng cáo có tính toán như vậy. Ông Lâm Thanh Bình, Giám đốc truyền thông công ty quảng cáo Viên Minh (VMC) phân tích cụ thể một mẫu quảng cáo của công ty Việt Nam liên tục phát trên đài truyền hình nhưng không gây được hiệu quả. Chẳng hạn, sản phẩm cho phụ nữ tuổi trung niên bổ sung thêm khoáng chất, phát trên HTV vào lúc 18 giờ. Theo số liệu nghiên cứu của VMC, đây là thời gian những bà nội trợ thường tranh thủ giữa 2 tập phim để không xem quảng cáo mà đi nhặt rau, bắc bếp, nấu cơm... Một sản phẩm dinh dưỡng của công ty khác, quảng cáo với tất cả hình ảnh người già, tuổi trung niên, tuổi thanh niên và cả em bé, nhà kinh doanh đã không chú ý đến yếu tố sở thích, thị hiếu và khẩu vị của mỗi lứa tuổi khác nhau nên rút cục không tạo được dấu ấn cho nhóm khách hàng nào cả!

Những điểm yếu của quảng cáo trong nước

Theo bà Trần Thị Thanh Mai, giám đốc công ty quảng cáo Mai Thanh, một trong các lý do ngành quảng cáo Việt Nam chưa phát triển là do các cơ sở kinh doanh chỉ chú ý khai thác phần đuôi của quảng cáo là chuyển tải nội dung theo công thức, "thương hiệu = sản phẩm+ nhận thức người tiêu dùng". Thế mạnh của việc tạo dựng hình ảnh, ấn tượng về sản phẩm vẫn thuộc về các công ty quảng cáo nước ngoài.

Về các khách hàng của mình, ông Lâm Thanh Bình cho rằng nhiều công ty sẵn sàng chi hàng tỷ đồng cho việc phát quảng cáo trên báo, đài, nhưng thiếu mạnh dạn và tự tin để bỏ tiền mua những ý tưởng quảng cáo mới. Đó là một cách lãng phí.

Về vấn đề làm phim quảng cáo, nhà quay phim Phạm Hoàng Nam cho hay việc nghĩ ra ý tưởng đã khó, thực hiện ý tưởng ấy lại càng khó hơn. Nhạc sĩ Bảo Phúc cho rằng việc viết nhạc cho phim quảng cáo cũng rất khó và nhiều phim quảng cáo chỉ lồng nhạc cho có. Nhiều đạo diễn phim quảng cáo đều xác nhận rằng, các khách hàng chỉ có nhu cầu quảng cáo chứ chưa ý thức được việc quảng cáo sẽ đem lại những lợi ích gì. Đó là lý do khiến có không ít phim quảng cáo không hay, thậm chí không được dư luận đồng tình, bị phản ứng.

Một vấn đề nữa, các doanh nghiệp Việt Nam thường đặt câu hỏi với những người làm quảng cáo: phim hết bao nhiêu tiền? Nhưng các khách hàng nước ngoài lại đặt vấn đề khác: cho tôi xem ý tưởng, tôi sẽ quyết định kinh phí.

Theo Hiệp hội quảng cáo Việt Nam, hiện có khoảng 700 công ty kinh doanh trong lĩnh vực quảng cáo. Số doanh nghiệp làm quảng cáo tuy lớn, nhưng cũng có nhiều nơi chỉ thực hiện các dịch vụ đơn giản như làm bảng hiệu, hộp đèn, tạo mẫu vi tính... Số tiền mà các doanh nghiệp (cả Việt Nam và nước ngoài) đổ vào quảng cáo đã tăng lên con số hàng trăm triệu USD mỗi năm. Sự xuất hiện của các công ty quảng cáo nước ngoài khiến các nhà quảng cáo Việt Nam phải "tự hoàn thiện" để đủ sức đứng vững trên thị trường cạnh tranh ngày càng sôi động. Hiện có 15 công ty quảng cáo toàn cầu đã có văn phòng đại diện hoặc văn phòng tư vấn tạo mẫu 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)

Sưu tầm từ vnexpress