Dự án sinh viên viết xong để đó

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức về Ý tưởng và Sáng tạo trong lĩnh vực Kinh doanh - Kinh tế

Dự án sinh viên viết xong để đó

Gửi bàigửi bởi Zelda » 16 Tháng 7 2010, 14:25

'Em có một ý tưởng kinh doanh và đã làm đề án xin được vay vốn từ phía gia đình, song không được tin tưởng, ủng hộ. Do quá quyết tâm thực hiện nên mọi người cho rằng thần kinh em đang có vấn đề và cười vào bản đề án mà em đã dày công viết'.

gfá
Từ dự án đến thực tiễn là một quãng đường rất xa. (Ảnh minh hoạ)

Đó là tâm sự của một nam sinh viên trường Đại học Bách Khoa đang gây xôn xao trên Diễn đàn sinh viên suốt mấy ngày qua. Những dòng chữ toát lên khao khát cháy bỏng của sinh viên mong được gia đình, và các doanh nghiệp ủng hộ, rót vốn đầu tư để dự án được đưa vào hoạt động.

Trong vài năm gần đây, các cuộc thi về khởi nghiệp kinh doanh dành cho sinh viên được tổ chức ngày một nhiều. Hầu hết đều bắt nguồn từ một mục đích tốt đẹp là tạo một sân chơi cho sinh viên phát huy tinh thần sáng tạo và ý chí tự lập, áp dụng những kiến thức đã lĩnh hội để lập ra những dự án khởi nghiệp có tính khả thi. Những sinh viên khi quyết định tham gia thi đều mong sẽ có ngày, dự án mình được đầu tư để đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, theo khảo sát của VnExpress, phần lớn các dự án đoạt giải sau đó rơi vào tình trạng bị quên lãng, thậm chí bị "bỏ xó".

Các cuộc thi như "Thắp sáng tài năng kinh doanh", "Ý tưởng phát triển thủ đô", "Ý tưởng kinh doanh sáng tạo"... được tổ chức nhiều năm nay. Trong số hàng trăm dự án đoạt giải, số lượng dự án được đầu tư chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cuộc thi "Ý tưởng kinh doanh sáng tạo" do trường Đại học Ngoại thương tổ chức đã 4 năm, nhưng phải đến năm nay mới có 2 dự án được nhà đầu tư rót vốn.

Các doanh nghiệp từng tham gia tài trợ cho những cuộc thi như trên lý giải tính thực tiễn của dự án không cao, ý tưởng sinh viên viết ra nhiều khi "xa vời đâu đâu". "Thông thường các em viết dự án dựa trên lý thuyết, tất cả các con số tính toán đưa ra đều chỉ là dựa trên cơ sở những gì đã được học tại trường mà không có kinh nghiệm thực tế. Vì thế, phần lớn dự án, có thể khi thẩm định tại chỗ thấy rất khả thi, khi bắt tay vào triển khai mới thấy không hợp lý", giám đốc một doanh nghiệp tâm sự.  

Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) Phạm Văn Thiệt cho biết, ông chưa bao giờ có ý định nuôi dưỡng một ý tưởng hay đề tài nào của những người đạt giải qua các cuộc thi để đưa vào ứng dụng cho công ty. Sinh viên sau khi ra trường muốn vào làm việc ở ACB trước hết phải qua các khóa đào tạo riêng để tiếp cận với môi trường làm việc thực tế. Đối với ACB, khi muốn đưa ra một dịch vụ mới, ngân hàng phải điều động một đội ngũ nhân viên đi khảo sát thực tế. Sau đó, ứng dụng thực tiễn trong một thời gian nhất định. Nếu kết quả khả quan thì mới đem vào áp dụng. "Chúng tôi vẫn có thể sử dụng ý tưởng của sinh viên, nhưng nó chỉ phát sinh khi các sinh viên đó được nhận vào làm việc tại ACB. Họ có thể đề xuất ý tưởng của mình khi công tác tại đây", ông Thiệt nói.

Lợi ích giữa sinh viên và doanh nghiệp chưa được cân bằng cũng là trở ngại khi hai bên muốn bắt tay nhau để hợp tác. Một cán bộ trong ban tổ chức cuộc thi "Sinh viên khởi nghiệp" của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cho biết, các sinh viên có dự án đoạt giải không phải là không được quan tâm, nhưng trong khi doanh nghiệp muốn nắm quyền kiểm soát toàn bộ dự án, thì sinh viên cũng muốn được làm chủ và không chịu sự chi phối của doanh nghiệp. "Doanh nghiệp không thể "nuốt chửng" sinh viên kiểu như vậy, nhưng sinh viên cũng không thể đứng ra nắm quyền kiểm soát, vì kinh nghiệm chưa có. Chắc chắn hai bên không ai muốn chịu thiệt trong việc làm này. Cách duy nhất là phải thương lượng với nhau. Khi nào lợi ích chưa cân bằng, dự án còn bị "tắc", vị cán bộ trên chia sẻ.

Bạn Hoàng Đình Nguyên, Chủ tịch Câu lạc Nhà doanh nghiệp tương lai trường Đại học Ngoại thương thừa nhận, chính sinh viên đôi khi cũng làm mất lòng tin ở doanh nghiệp khi mang dự án đoạt giải của mình đi "tiếp thị" khắp nơi. Do quá khao khát được đầu tư, có sinh viên đã mang dự án đi "chào" gần chục công ty. Việc làm này có thể khiến doanh nghiệp không để tâm, vì không chắc mình có phải là người duy nhất biết đến dự án này hay không. Thực trạng trên vô hình trung đã làm doanh nghiệp không còn mấy hứng thú khi tiếp cận với các dự án của sinh viên nữa. Ngoài ra, không ít trường hợp, sinh viên tổng hợp tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau, rồi dựa vào kiến thức đã học để lập nên một dự án kinh doanh. Những dự án kiểu này thường có số liệu "ảo" với những mục đích không rõ ràng, và đương nhiên khó có thể thuyết phục được các doanh nghiệp vốn đã quá quen với những con số thực tế. 

Theo Nguyên, sinh viên không thể chỉ trách doanh nghiệp đã không mặn mà với việc đầu tư cho các dự án, mà trước tiên cần xem lại chính mình. "Chính doanh nghiệp là những người hỗ trợ rất nhiều để các cuộc thi có thể được diễn ra và đi đến thành công. Họ cũng chính là người góp phần đưa phong trào sinh viên khởi nghiệp trở nên sôi nổi hơn, giúp sinh viên - dù không triển khai được dự án - cũng học được không ít kinh nghiệm làm kinh doanh", Nguyên nói.

Nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ sinh viên làm quen với việc lập dự án kinh doanh, chỉnh sửa một số vấn đề mang tính thực tiễn mà sinh viên chưa có dịp tiếp xúc như đầu vào, đầu ra, vòng quay về tài chính, phương án bán hàng... Sau khi chỉnh sửa và hoàn thiện, doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho các bạn thành lập doanh nghiệp, nhất là vấn đề pháp lý, tạo chủ động về giao dịch trong kinh doanh.

Điều mà Nguyên và nhiều bạn sinh viên khác trăn trở là, các doanh nghiệp hứa hẹn quá nhiều tại các cuộc thi. Không ít doanh nghiệp đã đứng lên tuyên bố là sẽ đầu tư cho dự án này, dự án kia nhưng rồi lại lãng quên đi, hay biện minh rằng dự án không khả thi, không thu được lợi nhuận. "Doanh nghiệp có quyền từ chối rót tiền cho dự án của sinh viên bởi họ không thể mạo hiểm đầu tư hàng chục tỷ đồng cho một dự án mà lợi nhuận thu được không đáng là bao. Song, chúng em chỉ muốn họ đừng đưa ra những lời hứa suông, bởi như thế chúng em sẽ không còn tin họ nữa", một sinh viên nói.

Thực tế, đã có doanh nghiệp đón đầu các dự án của sinh viên, giúp các bạn biến ước mơ thành hiện thực. Mới đây Công ty Gia Tuệ quyết định chi 500 triệu đồng đầu tư cho dự án đoạt giải nhất và 300 triệu đồng cho dự án đoạt giải nhì cuộc thi "Ý tưởng kinh doanh 2005" do trường Đại học Ngoại thương tổ chức. Với tuổi đời còn rất trẻ thuộc thế hệ doanh nhân 8X, anh Trần Minh Hoàng, Giám đốc Gia Tuệ cho biết, anh quyết định đầu tư vào những dự án trên bởi nhận thấy nó phù hợp với ngành nghề công ty đang kinh doanh. Hơn nữa, cùng là thế hệ 8X, anh rất hiểu tâm tư của các bạn sinh viên và muốn hỗ trợ những con người trẻ tuổi này thực hiện ước mơ của mình. "Vẫn biết là mạo hiểm, nhưng chúng tôi hy vọng, với kinh nghiệm của mình, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho các em để dự án có thể thành công và đem lại lợi ích cho đôi bên", anh tâm sự.

Trong khi đó, một số sinh viên có dự án đoạt giải lại quyết định tạm gác chuyện kinh doanh để tiếp tục học tập. Bạn Phạm Thu Hằng, sinh viên năm thứ 3 trường đại học Ngoại thương - người từng đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi "Ý tưởng phát triển thủ đô" năm 2003 - là một ví dụ. Do còn vướng bận chuyện học hành, muốn có thời gian để phát triển thêm dự án và chờ đợi điều kiện thuận lợi hơn, Hằng dự định khi nào ra trường mới thực hiện chiến lược kêu gọi đầu tư.

Theo một số chuyên gia, để dự án có thể được đưa vào hoạt động, cách tốt nhất là sinh viên nên cố gắng học tập nhiều hơn để có thể viết được những dự án gần với thực tiễn hơn nữa. Ông Lương Ngọc Quy, Giám đốc Công ty xuất khẩu gốm sứ Bát Tràng tâm sự: Vốn chỉ là một phần của dự án, điều quan trọng là mình phải tìm được hướng đi, hay nói cách khác là mình phải biết thị trường đang cần gì, và khả năng của mình đáp ứng được đến đâu. Khi khởi nghiệp năm 1994 tôi chỉ có trong tay 20 triệu đồng. Qua một số năm làm trong lĩnh vực gốm sứ, tôi thấy người nước ngoài rất thích đồ gốm sứ thủ công của VN và nhận thấy đây là lĩnh vực mình có thể làm tốt. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, số vốn của công ty đã tăng gấp trăm lần, doanh thu của công ty trong những năm gần đây lên đến hàng triệu USD.

Hà Vy - Nguyễn Thuỳ

Ý kiến của bạn:

Sưu tầm từ vnexpress
Hình đại diện của thành viên
Zelda
 
Bài viết: 69
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2007, 02:35


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST về Kinh doanh - Kinh tế

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến113 khách


cron