Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang rậm rịch chuẩn bị cho ý tưởng chuyển Công ty Dịch vụ tiết kiệm Bưu điện thành Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện. Nếu ý tưởng đó thành hiện thực, nhà băng này có thể là một đối thủ khá nặng ký trên thị trường ngân hàng.
> Bưu điện lấn sân ngân hàng
Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện hoạt động từ tháng 5/1999, với chức năng ban đầu là huy động vốn từ dân cư và chuyển giao cho Quỹ Hỗ trợ phát triển để đầu tư cho các công trình trọng điểm của quốc gia. Đến tháng 6/2003, công ty bước đầu thực hiện dịch vụ thanh toán qua tài khoản tiết kiệm cá nhân.
Cuối năm ngoái, Chính phủ đã ban hành quyết định cho phép công ty cung ứng một số phương tiện thanh toán như séc rút tiền mặt, thẻ ATM, mở tài khoản, làm đại lý, nhận uỷ thác phát hành trái phiếu..., bên cạnh mảng dịch vụ tiết kiệm bưu điện truyền thống.
Tiết kiệm bưu điện được thừa hưởng mạng lưới rộng khắp của ngành bưu điện. ẢNh: VPSC. |
Ý tưởng lấn sâu vào thị trường ngân hàng trở nên khả thi khi Tổng công ty Bưu chính Viễn thông chuyển thành tập đoàn kinh tế, được phép kinh doanh đa ngành. Liên quan tới vấn đề này, mới đây, Bộ Bưu chính Viễn thông cũng đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ.
Trong Công văn 1312 ban hành hôm 25/8, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã đồng ý với việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức của VNPT. Tuy nhiên, việc chuyển Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện thành Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện sẽ được xem xét sau khi Chính phủ có quy định về các tiêu chí, chuẩn mực và điều kiện thành lập ngân hàng mới tại Việt Nam.
Hiện đề án thành lập ngân hàng cổ phần vẫn chưa được chuyển tới Ngân hàng Nhà nước. Một nguồn tin từ Ngân hàng Trung ương cho hay về mặt chủ trương, việc chuyển đổi mô hình từ Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện thành ngân hàng sẽ không bị phản đối. Bởi đơn vị này có lợi thế khá mạnh về hệ thống mạng lưới, tiềm lực tài chính (dự kiến vốn điều lệ sẽ trên dưới 1.000 tỷ đồng). Hơn nữa, xu hướng chuyển đổi tiết kiệm bưu điện thành ngân hàng khá phổ biến trên thế giới.
S.L.