Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ý tưởng làm giàu nơi bàn ăn

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 14:31
gửi bởi Zelda

Chiếc bàn ăn là biểu tượng trung tâm của mọi gia đình Mỹ. Đây là nơi mà những cô bé, cậu bé có được những bài học đầu đời về khát vọng, tự tin, sự sẵn sàng và tinh thần chiến đấu để vươn tới đỉnh cao.

Kể từ khi con người phát hiện ra lửa, chiếc bàn ăn vẫn là trung tâm của gia đình ở nhiều nền văn hóa trên thế giới. Bữa ăn chính trong gia đình là tiền đề cho các bữa ăn quan trọng ở những nơi khác. Bàn ăn là nơi mọi người cùng nhau cầu nguyện, nâng cốc, học cách ứng xử và thảo luận các vấn đề.

Tại đây, các cô bé, cậu bé lĩnh hội các bài học về cuộc sống và công việc có thể giúp chúng thành đạt trong sự nghiệp sau này. Cũng bên bàn ăn, người ta tìm hiểu, thương thảo và ký kết hợp đồng kinh doanh. Trong bữa ăn, mọi người trao đổi với nhau những hiểu biết, kinh nghiệm và câu chuyện của người đi trước.

Có hai thời điểm thể hiện cách ăn uống chuẩn mực: khi bạn dùng bữa với nhiều người và khi chỉ có một mình bạn. Dù là một bữa ăn gia đình, một cuộc họp hay một bữa tiệc ngoài trời, ăn cùng người khác luôn là biểu hiện của văn minh. Chiếc bàn ăn là nơi thiết lập quan hệ đối tác, vạch kế hoạch, đưa ra quyết định, trao đổi thông tin, thỏa thuận làm ăn. Qua cách cư xử của một người trong bữa ăn, chúng ta có thể hiểu hơn về người đó. Người đó có được giáo dục tốt, có lịch sự, có hài hước, có tinh ý hay có nghiêm túc không? Liệu người đó có khoan dung, tùy tiện, vụng về, thô lỗ không?

Ăn uống bất lịch sự là dấu hiệu của sự ích kỷ và thiếu tôn trọng mọi người. Điều này không có lợi cho bản thân. Do đó, ăn uống thiếu tế nhị là một sai lầm nghiêm trọng. Khi bạn ăn một mình cũng vậy, hãy tôn trọng bản thân mình như tôn trọng người khác. Trong suốt Chiến tranh thế giới thứ Hai, khi bị giam cầm trong trại tù binh, các tướng lĩnh quân đội Anh luôn cho rằng: binh lính mọi cấp bậc dù trong hoàn cảnh tồi tệ đến đâu cũng vẫn phải giữ cách ăn uống đúng mực. Sự khắt khe đó nhắc nhở họ về nhân phẩm và sự cao quý của tinh thần con người.

Việc dùng bữa một mình gợi lại bài phát biểu của Tổng thống John F. Kennedy năm 1962 khi tiếp đón những người Mỹ đoạt giải Nobel. Kennedy đã chào đón họ, những thành viên Quốc hội và những vị khách quý bằng câu nói: “Chưa bao giờ Nhà Trắng hội tụ đầy đủ cả tài năng, tri thức như lúc này, ngoại trừ khi Thomas Jefferson dùng bữa một mình”. Chắc chắn rằng khi Thomas Jefferson vĩ đại dùng bữa một mình, sự nghiêm trang không bị phá vỡ. Thomas Jefferson (1743 - 1826) là Tổng thống thứ 3 của Mỹ, nhiệm kỳ 1801 - 1809.

Có vô số nhân tố ảnh hưởng đến con đường trở thành CEO như thói quen làm việc, vận may, thời cơ, đối thủ cạnh tranh, tính cách, người ủng hộ, tài năng, hoàn cảnh... Lời khuyên của giới chuyên gia đưa ra là: Nếu bạn muốn bay cao thì đừng ngần ngại thuê một chiếc máy bay.

Hôm đó là thứ bảy, mọi văn phòng đều đóng cửa nghỉ cuối tuần, người duy nhất còn làm việc là Guiseppe Italo. Ông phải phân loại và phân phát thư từ của công ty. Lẽ ra, Guiseppe không phải làm việc vào chiều hôm đó. Nhưng ông rất yêu quý công ty và thích làm việc ở văn phòng. Ông đã làm lái xe, nhân viên giúp việc vặt như trang trí, quét dọn, lau chùi văn phòng cho công ty được 30 năm.

Ông là nhân viên duy nhất thấy hãnh diện khi mặc áo đồng phục có thêu tên trên túi của công ty. Joe (tên thân mật của Guiseppe) là người đã chứng kiến tất cả những thăng trầm của công ty. Ông đã nghe rất nhiều, chứng kiến rất nhiều và ông chưa từng làm gì phương hại đến công ty. Joe đã thấy nhiều người đến rồi đi, đã dõi theo những người trẻ tuổi nhiệt tình và chăm chỉ tiến bộ từ khi được đào tạo đến khi trở thành chủ tịch. Thực tế, cho đến giờ, ông đã làm việc dưới quyền của một trong những người thành công như thế.

Joe yêu mến con người này, người luôn gọi ông với lòng kính trọng và chân thành hỏi han về công việc của ông. Giám đốc trẻ tuổi đó đã từng thưởng cho ông 500 đôla với mẩu giấy viết: “Joe, chú không cần làm như vậy nhưng rất cảm ơn chú vì đã luôn đặt lợi ích của công ty lên trên lợi ích của bản thân. Ký tên”. Mẩu giấy đó được đặt trân trọng trong một phong thư.

Vào một buổi chiều thứ bảy, Joe nghe thấy tiếng điện thoại reo ở đâu đó trong phòng làm việc. Ban đầu, ông không để ý đến tiếng điện thoại. Sau đó, ông nhận ra cuộc gọi đã chuyển qua tổng đài và đang đổ chuông ở đường dây trực tiếp của ai đó. Joe đi tìm chiếc điện thoại đang reo. Nó vẫn đổ chuông. Ông tự nói với mình: “Tiếng chuông điện thoại nghe có vẻ tuyệt vọng.” Ông đã tìm thấy nó sau 25-30 lần đổ chuông.

“Tôi có thể giúp gì cho quý khách?”, Joe hỏi.

“Tôi rất vui vì ông nhấc máy. Công việc của chúng tôi sắp bị đình lại. Chúng tôi cần được giúp đỡ”, người gọi điện nói.

“Vâng, có chuyện gì vậy?”

“Chúng tôi sẽ hết sạch sản phẩm của công ty ngài trong khoảng 3 giờ tới và như vậy, dây chuyền sản xuất của chúng tôi sẽ bị ngưng trệ. Nếu vậy, chúng tôi sẽ mất đi hàng trăm nghìn đôla một giờ, hơn nữa tôi và ông chủ sẽ gặp rắc rối lớn. Sản phẩm mà chúng tôi cần là mặt hàng BRF1984 của công ty ngài. Chúng tôi có thể đặt mua được chứ?”

“Hình như chúng tôi có một vài hàng mẫu, một số thiết bị dùng để đào tạo. Tôi không thể hứa chắc chắn nhưng chúng tôi sẽ cố.”

Joe đã có tên, số điện thoại, địa chỉ của người gọi đến và số lượng sản phẩm họ cần.

Joe gọi đến gặp giám đốc trẻ để báo cáo vấn đề. Ông nói, ông đã đi khắp công ty và tìm kiếm sản phẩm từ phòng của giám đốc sản xuất, phòng thí nghiệm đến bộ phận đóng gói.

“Joe, tôi chưa bao giờ nghe đến tên công ty nào ở thị trấn Factory, New York. Nó ở đâu vậy?”

“Nó cách văn phòng của chúng ta khoảng 170 dặm theo đường chim bay. Rất xa nếu đi theo đường bộ.”

“Chúng ta không thể chuyển hàng đến đó kịp giờ.”

“Tôi có ý tưởng này.”

“Chú hãy nói xem!”

“Chúng ta sẽ thuê máy bay.”

Chỉ hai giờ sau, một chiếc trực thăng đã hạ cánh trước cổng công ty ở thị trấn Factory, New York.

Joe đã kể hết cho mọi người nghe. Đến 9 giờ sáng thứ hai, câu chuyện về chiếc máy bay đến tai giám đốc điều hành và chủ tịch. Chủ tịch là người tốt nhưng lại có tiếng là keo kiệt. Ông không thích tiêu tiền, huống chi là tiêu bừa bãi. 9h10, vị giám đốc trẻ tuổi được gọi đến phòng chủ tịch.

“Có phải anh đã cho phép Joe thuê trực thăng để bay từ đây đến tận New York không?”, chủ tịch hỏi.

“Vâng”

“Đã tốn mất bao nhiêu?”

“Tôi không biết.”

“Anh không biết? Ý của anh là gì vậy?”

“Tôi bảo với Joe rằng chúng ta sẽ trả tiền.”

“Chúng ta sẽ trả tiền ư?”

Lúc đó, người trợ lý lâu năm của chủ tịch bước vào và nói với ông rằng có một cuộc gọi quan trọng. Vị chủ tịch nhấc máy và ngạc nhiên khi người gọi nói: “Thưa ngài chủ tịch! Tên tôi là… Tôi là chủ tịch của... Tôi nghe nói một nhân viên của quý công ty đã giúp chúng tôi khỏi mất trắng hàng triệu đôla. Hình như tên ông ấy là Joe Italo. Chúng tôi sẽ thanh toán tiền vận chuyển và chúng tôi sẽ không bao giờ quên ơn quý công ty.”

“Cảm ơn ông rất nhiều.”

“Không, chúng tôi phải cảm ơn ông chứ”.

Vị chủ tịch nhìn lên trần và tự hỏi: “Guiseppe, tại sao ông ấy lại có mặt tại công ty vào chiều thứ bảy đó?” Ông quay về phía người trợ lý và nói: “Ông hãy mời Joe lên văn phòng tôi nhé?” Ông nói với vị giám đốc: “Theo như tôi biết về Joe, ông ấy sẽ xúc động cho mà xem. Theo anh thì nên làm gì nhỉ?”

“Xin hãy hỏi Joe về chiếc trực thăng. Ông ấy đã bay đi bay lại trên chiếc trực thăng đó”, giám đốc nói.

Vị chủ tịch tròn mắt với vẻ ngạc nhiên.

Thuê một chiếc máy bay để cứu một khách hàng có thể tạo nên một sự nghiệp. Thuê một chiếc máy bay để ghé thăm sòng bạc có thể làm tiêu tan một sự nghiệp. Hãy thuê một chiếc máy bay nếu bạn muốn bay cao.

Những người mẹ đi làm thật sự vất vả, họ giống như phải làm hai việc. Những người mẹ độc thân đi làm lại càng vất vả hơn. Giống như độ Richter để đo mức độ chấn động của những trận động đất, họ càng có nhiều con thì họ càng vất vả. Cho dù chức vụ hay trách nhiệm của họ ở văn phòng là gì thì những người mẹ độc thân luôn là “giám đốc điều hành” trong gia đình (Trên thực tế, trong số hơn 98% gia đình, dù độc thân hay không, thì người mẹ luôn là “giám đốc điều hành”). Với vai trò này, trong một tuần, người mẹ phải làm nhiều việc hơn, đưa ra nhiều quyết định, giải quyết nhiều vấn đề và đối mặt với nhiều khó khăn hơn so với một giám đốc điều hành siêng năng nhất, giàu kinh nghiệm nhất của một công ty trong suốt thời gian tại vị.

Lớn lên cùng mẹ, quan sát mẹ làm việc, nhớ về những vất vả mẹ đã trải qua còn đáng giá hơn hàng trăm lời khen khi nhận được tấm bằng tốt nghiệp của một trường kinh doanh có tiếng. Danh sách công việc phải làm hàng tuần của một người mẹ (mỗi công việc lại tăng lên theo số con cái) gồm có: kiếm tiền, trả hóa đơn, chuẩn bị bữa ăn, mua sắm, nấu ăn, chuẩn bị đồ ăn trưa, chọn quần áo, giặt quần áo, kiểm tra bài tập, tắm rửa cho con, đánh răng, xếp lịch, dọn giường, phân công việc nhà, họp phụ huynh… và nhiều việc khác nữa.

Những người mẹ độc thân còn hơn cả một “giám đốc điều hành” của gia đình. Họ là người bán hàng, phân công các con rửa bát, đổ rác, làm bài tập. Khi những đứa trẻ lau dọn phòng của chúng thì người mẹ lại tạm ngừng mọi việc. Đó là tình trạng trì trệ. Giống như một giám đốc kinh doanh cầm chiếc ô Kevlar để bảo vệ nhân viên khỏi những thứ rác rưởi rơi từ trên xuống, người mẹ phải kiếm tiền để con cái họ không phải bận tâm về hoàn cảnh khó khăn của chúng. Họ là những cán bộ tài chính chủ chốt thường xuyên phải cân bằng sổ sách và xem xét thời gian trả hóa đơn. Họ là những giám đốc nhân sự giúp đỡ con cái trong việc học, khuyên bảo chúng cách cư xử với bạn bè - kể cả những đứa bạn hay châm chọc; khuyến khích và giúp con có những lựa chọn sáng suốt khi chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học. Họ là những giám đốc điều hành khi đưa con đến sân bóng, đi học đàn và thể dục đúng giờ.

Việc nhà của người mẹ cũng giống như công việc của bất kỳ một tổ chức nào. Người mẹ độc thân giống như một nhân vật cùng lúc đóng nhiều vai, họ luôn phải ở trên sân khấu và không có một ngày nghỉ phép. Họ là trụ cột của gia đình, là người chỉ đạo, là người dạy dỗ, bác sĩ, y tá, là người đặt ra quy tắc, là huấn luyện viên, giáo viên, người bảo hộ, người khuyến khích…

Những người mẹ luôn là những nhân viên đáng giá. Họ thường làm thêm giờ vì biết rằng thỉnh thoảng họ phải chăm sóc con ốm, và không muốn để chuyện đó ảnh hưởng đến công việc. Hơn thế, họ còn là những chuyên gia hoàn thành công việc, luôn sát sao với công việc, luôn dàn xếp và đưa ra quyết định.

Để vươn tới đỉnh cao, hãy biết cách sắp xếp giống mẹ: Quản lý thời gian thật hợp lý. Lập danh sách. Sống có tổ chức. Nghiêm khắc với bản thân. Hoàn thành công việc hàng ngày. Lập kế hoạch cho mình. Luôn đúng giờ. Giữ sức khỏe. Không phàn nàn.

Hãy giống mẹ: Dù đau đớn đến đâu cũng không kêu ca. Giống như một người ở đỉnh cao thành công đã nói: “Trong suốt hơn 40 năm, mẹ tôi - một người mẹ độc thân, dù phải đối mặt với những khó khăn, đói nghèo hay bệnh tật thì điều duy nhất bà chưa từng làm là kêu ca. Chưa từng một lần.”

Hãy là "Quý ông bên trong và quý ngài bên ngoài": Năm 1944, 1945 và 1946 là những năm huy hoàng của Army, đội bóng của trường huấn luyện quân đội Mỹ. Army chưa từng thất bại: 27 lần thắng và một lần hòa. Army là đội bóng đầy uy lực. Sức mạnh của đội là hai cầu thủ tuyệt vời, Felix “Doc” Blanchard và Glenn Davis. Họ đã đoạt cúp Heisman dành cho những cầu thủ chơi hay nhất ở các đội bóng trường đại học. Giới truyền thông gán cho họ biệt danh “Quý ông bên trong” và “Quý ngài bên ngoài”. Doc Blanchard, Quý ông bên trong, là một hậu vệ. Anh là một cầu thủ rất khỏe, thường chơi ở sân nhà, khu trung lộ và vượt tuyến. Glenn Davis, Quý ngài bên ngoài, là một trung vệ nhanh nhẹn, thường có những đường chuyền dài từ biên vào và qua mặt hàng hậu vệ đối phương. Hai cầu thủ này đều là thủ lĩnh: họ từng dẫn dắt đội bóng của mình đến chiến thắng và sau đó, họ trở thành lãnh đạo trong quân đội và kinh doanh.

Lãnh đạo của các công ty, các tổ chức chắc chắn phải là Quý ông/Quý bà bên trong và Quý ông/Quý bà bên ngoài. Bạn là Quý ông bên trong khi làm việc cùng đồng nghiệp trong công ty và là Quý ngài bên ngoài khi gặp gỡ khách hàng, nhà phân phối, người bán lẻ, cổ đông, nhà cung cấp và giới truyền thông.

Khi là Quý ông bên trong, bạn phải nhã nhặn, khiêm tốn, cương quyết, lịch sự, bình tĩnh, biết kiềm chế bản thân và cẩn thận. Bạn giúp người khác giải quyết rắc rối, dỡ bỏ rào cản và những vướng mắc cản trở công việc của họ. Đồng thời, bạn ghi nhận, khen ngợi và cảm ơn họ.

Khi bạn là Quý ngài bên ngoài, bạn là người vận động cho công ty. Bạn nâng cao vị thế, sản phẩm, dịch vụ và giá trị của công ty. Bạn không nên đề cao bản thân (trừ phi bạn là sản phẩm hay người giới thiệu sản phẩm đó). Bạn không nên đưa ảnh của mình lên bìa tạp chí, mà thay vào đó là ảnh của sản phẩm. Bạn là người bán hàng không biết mệt mỏi, không sợ sệt, nhiệt tình và đầy lạc quan của công ty. Bạn làm công việc bán hàng, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, thu hút nhà đầu tư, thu hút và giữ chân khách hàng, tác động lên đối tác.

Bên trong, bạn dẫn dắt từ trung tâm. Bạn là trục của bánh xe. Bạn bán hàng bên trong, thuyết phục nhân viên thay đổi, cải tiến, đổi mới, học hỏi và phục vụ khách hàng tốt hơn.

Bên ngoài, bạn là người dẫn đầu. Bạn giữ liên lạc với khách hàng. Bạn là tấm gương cho nhân viên khác, là con đường và người dẫn đường chỉ lối cho khách hàng, nhân viên.

Khi bạn là cả Quý ông bên trong và Quý ngài bên ngoài thì bạn là người lãnh đạo và là động lực thúc đẩy.

Bạn có thể bắt đầu làm việc chăm chỉ và nhanh chóng ngay khi gia nhập công ty. Hãy là Quý ông bên trong/Quý ngài bên ngoài ngay bây giờ. Bạn hãy nhập vào bên trong và bên ngoài tổ chức của bạn mà không cần quan tâm đến công việc, vị trí hay thâm niên. Đừng đợi đến khi bạn có một công việc lý tưởng hơn hay được thăng tiến, nếu không, có thể bạn sẽ phải đợi đến hết sự nghiệp của mình.

Một ngày nào đó bạn muốn trở thành giám đốc điều hành, chủ tịch, tổng giám đốc, hay phó giám đốc kinh doanh, giám đốc sản xuất... của công ty. Vì một lý do chính đáng nào đó, bạn không phải là ứng viên thích hợp cho một trong các vị trí này. Không sao! Bạn có tham vọng nhưng cũng là người thực tế. Ngoài việc hoàn thành công việc, bạn luôn nghĩ cách phát triển công ty mình. Bạn không công khai chỉ trích phương thức quản lý, không tham gia các cuộc họp phê bình hay các tranh chấp trong công ty. Bạn làm việc. Bạn tư duy. Bạn luôn có tài liệu, sổ tay hoặc một cuốn sổ nhỏ ghi lại những ý tưởng bất chợt của mình. Lúc nào bạn cũng nghĩ: “Nếu trở thành giám đốc điều hành, mình sẽ làm gì để tăng doanh thu, lợi nhuận, giảm chi phí và đánh bại đối thủ cạnh tranh?” Bạn biết phải làm gì với những ý tưởng trên và tại sao. Bạn xem xét kỹ lưỡng tất cả những hậu quả có thể xảy ra, sự việc, con số và dữ liệu.

Một giám đốc điều hành mới được bổ nhiệm có thể biết hoặc không biết bạn. Sau khi vị giám đốc đó đã bắt nhịp với công việc được một ngày hoặc một tháng, bạn hãy gửi cho ông ta một bản ghi nhớ có tiêu đề: “Tôi sẽ làm gì trong 100 ngày đầu tiên, nếu tôi là giám đốc điều hành.” Bạn liệt kê tất cả các ý tưởng của mình, nhưng không bao gồm lý do hoặc phân tích. Hãy giữ lại lập luận và đề xuất nếu bạn có dịp gặp gỡ với vị giám đốc mới. Bản ghi nhớ của bạn phải thật lịch sự, không chỉ trích, không đề cập đến người khác. Bạn không mất gì mà còn thu được rất nhiều (Trong các công ty hoạt động tốt, thông tin truyền theo mọi hướng, bất chấp các quy tắc dù mọi quyết định đều được đưa ra theo một hướng). Bạn sẽ được giám đốc chú ý, sẽ được coi là nhân viên trung thành, sáng tạo và chu đáo. Có thể bạn sẽ được hỏi ý kiến, sẽ lọt vào danh sách những nhân viên có ảnh hưởng tới giám đốc và sẽ được đánh giá cao.

Danh sách của bạn có thể gồm những ý tưởng về sản phẩm mới, tên nhãn hiệu mới, những thay đổi và bổ sung mang tính chiến lược, sáp nhập hoặc chia tách, chính sách thưởng cho nhân viên bán hàng, phương thức giảm thiểu chi phí hoặc tăng sản lượng, tận dụng cơ sở vật chất sẵn có, thu hút, giữ chân đối tác và khách hàng chiến lược, giải pháp cho những vấn đề lớn, biện pháp kích thích bán hàng.

Các công ty tốt đề cao những ý tưởng hay. Nhưng những ý tưởng mang lại lợi nhuận, khả năng chi trả và khả thi còn quan trọng hơn. Các công ty cũng luôn muốn tìm được người có ảnh hưởng để có thể biến ý tưởng thành tiền. Bản ghi nhớ “100 ngày” sẽ giúp bạn lọt vào danh sách những nhân viên hiếm hoi có sáng kiến và luôn trăn trở để thực hiện những sáng kiến đó.

Để đạt đến đỉnh cao, bạn phải nghĩ mình đang ở đỉnh cao. Ưu tiên số một của bạn là hoàn thành xuất sắc công việc, làm cho tiền mặt lưu thông, đưa ra sáng kiến và cắt giảm những khoản chi không cần thiết.

Bạn sẽ là người duy nhất trong công ty gửi bản ghi nhớ “100 ngày”.

(Trích cuốn "Cách nghĩ để thành công" do Alpha Books phát hành)

Sưu tầm từ vnexpress