Thương hiệu là tài sản vô hình của doanh nghiệp, cũng là tài sản quốc gia trong hội nhập quốc tế. " - nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khẳng định như vậy tại cuộc phát động Chương trình sáng tạo vì thương hiệu Việt do báo Thanh Niên và Công ty Cà phê Trung Nguyên tổ chức chiều qua tại Hà Nội.
Theo ông Kiệt, trong khi trên thế giới, nhiều nước đã kịp xây dựng cho mình nhiều thương hiệu có trị giá hàng chục triệu đôla thì ở ta, vấn đề này còn bị coi nhẹ. Thời gian qua, thương hiệu Việt Nam mới chỉ có một số sản phẩm nổi tiếng trong nước gắn với tên một số địa phương như chè Tân Cương, nước mắm Phú Quốc, lụa Hà Đông... Ngoài ra, trong 10 năm đổi mới, một số thương hiệu như Trung Nguyên, Bitis, Thái Tuấn, Đồng Tâm... đã nổi lên, nhưng chưa có những thương hiệu giá trị cao trên thế giới.
Nội dung chương trình có 7 điểm quan trọng: Quảng bá thương hiệu qua các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước; Xây dựng website www.thuonghieuviet.net; Tọa đàm trên truyền hình về thương hiệu; Tổ chức cuộc thi sáng tạo thương hiệu Việt; Thông báo các hình ảnh, tờ rơi của các công ty trong hệ thống mạng lưới hoạt động của chương trình; Tổ chức các cuộc giao lưu, diễn thuyết với sinh viên các trường đại học trên toàn quốc về thương hiệu Việt; Chương trình văn nghệ cổ động vì thương hiệu Việt. Thời gian hoạt động của chương trình từ tháng 1 đến hết tháng 8/2003.
Theo Thứ trưởng Mai Văn Dâu, xây dựng thương hiệu phải đi đôi với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa. Điều cốt lõi trong việc này là phải sản xuất cho được những mặt hàng có chất lượng cao. Ông Dâu nhận định, việc này VN làm chậm, nhưng vẫn chưa muộn. Mặc dù Bộ Thương mại chưa được giao nhiệm vụ chỉ đạo công việc này, nhưng chúng tôi ý thức được rằng, việc xây dựng thương hiệu, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho Việt Nam là việc của Bộ Thương mại. Vì vậy tất cả các doanh nghiệp, những ai quan tâm đến sự phát triển kinh tế đất nước đều phải làm.
Trần Ngọc Kha