Địa phương cần chủ động trong thu chi ngân sách
Trong phần thảo luận tại hội trường về việc phân bổ ngân sách nhà nước hôm qua, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều kêu địa phương mình được phân quá ít và muốn nhận thêm nhiều nữa. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, đã đến lúc lãnh đạo các địa phương phải ý thức hơn nữa về vai trò chủ động, sáng tạo của mình trong xử lý nguồn thu, chi ngân sách.
Trao đổi với VnExpress tại hành lang Quốc hội chiều qua, đại biểu Huỳnh Văn Chính đề xuất: "Vai trò của người lãnh đạo hết sức quan trọng. Mỗi nơi có một cách nghĩ, một sáng tạo giúp giải quyết bức xúc cho Chính phủ. Một vài đại biểu kêu Chính phủ giúp đỡ, nhưng các vị hãy tự nghĩ vai trò lãnh đạo của mình tại địa phương, rằng vấn đề đó có thể tự giải quyết được, không cần phải đưa ra quốc hội". Theo ông, chính lãnh đạo là yếu tố làm ra sự khác biệt giữa những địa phương có cùng điều kiện kinh tế, xã hội như nhau. "Họ có thể vận dụng sáng tạo những gì pháp luật không cấm. Từ đó, tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, có những bước vượt rào để tạo cú hích phát triển", ông đề nghị.
Cùng chung quan điểm này, đại biểu Đặng Ngọc Tùng đề nghị Chính phủ khen tặng những tỉnh nhỏ, song đã bắt đầu có điều tiết ngân sách về trung ương. "Trước đây, chúng ta thay nhau xin xã nghèo, huyện nghèo, thì bây giờ, đã đến lúc các đồng chí lãnh đạo cũng phải biết suy nghĩ, tính toán thế nào để không cần ngân sách trung ương mà địa phương cũng có thể tự túc được", ông nói.
Hai ông thừa nhận, làm Chính phủ thật khó bởi các đại biểu cứ phát biểu trên bình diện của mình, ở một góc hẹp. "Trong khi đó, Chính phủ cũng khó mà biết được cùng một đồng vốn đó, phân sang tỉnh nào sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn", ông Chính tâm sự.
Tuy nhiên cũng giống như nhiều đại biểu khác, cả hai ông Chính và Tùng đều cho rằng, cần phải phân bổ ngân sách theo một phương cách nào đó đảm bảo sự công bằng đối với mọi đối tượng, nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Riêng ông Chính, trên cương vị Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đã ví von chuyện phân bổ ngân sách giống như phân bổ hạn ngạch dệt may đi Mỹ. "Cơ chế của nhà nước phải làm thế nào để có được một củ cà rốt dành cho một số địa phương khó khăn. Hãy dành một tỷ lệ ngân sách nhất định cho các vùng khó khăn để họ lập trung tâm công nghiệp, cải thiện chính sách đầu tư", ông nói.
Trong khi nhiều đại biểu bàn về chuyện làm thế nào để phân bổ hợp lý nguồn ngân sách hạn hẹp của nhà nước thì ông Nguyễn Lân Dũng lại đề nghị phải làm cho chiếc bánh ngân sách to ra. Ông đề xuất, phải tìm cách thu tiền của những người bán quyền sử dụng đất. "Nếu quản lý chặt và thu hồi được khoản này, tiền thu về cho chiếc bánh gatô của quốc gia to lắm", ông dí dỏm nói. Để tăng thu ngân sách, giáo sư cũng đề nghị nhà nước kê khai tài sản của các cán bộ đảng viên, qua đó thu lại những tài sản chênh lệch quá đáng so với mức thu nhập chính đáng của họ.
Song Linh