Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ý tưởng là tài nguyên quốc gia

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 19:21
gửi bởi YTSTNews

TTCT - Trong vòng 5 phút được ban tổ chức sàn giao dịch ý tưởng VN cho phép, Hidehiko Nakagawa đến từ Nhật đã thu hút sự lắng nghe của khán giả về mình một cách đầy ấn tượng.

Anh hiện là giám đốc một công ty chuyên về Internet của Nhật, là người thành công nhờ biến ý tưởng của mình thành hiện thực cách nay tám năm.

* Tám năm trước, anh đã làm sao để người Nhật tin vào ý tưởng của mình?

- Ý tưởng đó bình thường, giản dị thôi nhưng nhờ trời (cười), nó đã thành công. Công việc lúc đó của tôi là giảng dạy tin học. Tôi thấy người già đọc sách tin học thì khó hiểu, trẻ em 3-4 tuổi thì không biết chữ để học. Như vậy chỉ còn có ký hiệu. Tôi dùng hình tròn màu vàng dán vào “enter”, màu đỏ vào “shift”... Theo nguyên tắc đó, đưa họ dần dần vào thế giới tin học một cách lý thú.

* Ý tưởng của anh thật đơn giản?

- Nhiều người đã nói như vậy, họ còn bảo “cái đó ai chả biết, ai chả làm được”. Nhưng quan trọng là ai đã nói lên điều đơn giản đó và ứng dụng nó vào thực tiễn như thế nào. Tôi đã bán bản quyền cho 100 kênh truyền hình Nhật. Hiện tôi đang ở VN, nhưng hằng tuần hình ảnh của tôi vẫn xuất hiện trên truyền hình Nhật trong các chương trình “Vẽ tranh trên máy tính cho trẻ em” hay “Học tin học thật là vui”, lợi nhuận thu về nếu tính theo tiền Việt khoảng 5 tỉ rưỡi mỗi năm đấy.

Nhưng thích thú nhất là khi tôi bắt đầu những nét vẽ trên máy tính, các bé theo dõi say mê, bé này tưởng tượng cái này, bé kia tưởng tượng cái kia, phát huy trí tưởng tượng phong phú của chúng. Biết đâu nhờ trí tưởng tượng đó mà mai mốt chúng trở thành những ý tưởng gia, giúp ích cho đất nước. Và một niềm vui nữa, có những bữa tôi ăn cơm trong quán, nhiều cậu bé cô bé chạy tới chỉ trỏ “ông này dạy vi tính trên tivi”, vậy là tôi khó có thể trở thành người xấu được.

* Theo anh, ý tưởng quan trọng như thế nào?

- Đất nước Nhật không có tài nguyên, than đá, dầu hỏa... như các nước khác. Người Nhật suy nghĩ ý tưởng của con người là tài nguyên vô giá.

Phát minh xe hơi không phải là của nước Nhật. Nhưng người Nhật nghĩ ra những phát minh về phụ tùng xe hơi. Và cuối cùng, về lĩnh vực này, Nhật đã trở thành nước lớn nhất thế giới. Người Nhật rất tôn trọng phát minh nên chỉ cần học lớp 1 là đã có đại hội ý tưởng dành cho họ rồi.

* Năm mấy tuổi anh có sáng tạo đầu tiên?

- Chà, để tôi nhớ nhé. Học trò nước Nhật từ nhỏ khi đi học phải mang theo những dụng cụ cần thiết như cơm trưa, nón mũ... Mùa mưa ở Nhật thường kéo dài. Học trò tay che dù đi bộ trên đường phố, tay kia thì mang đủ thứ: cặp, cơm, nước... Tôi nghĩ ra những cái móc đính vào cây dù để móc các thứ ấy vào khỏi phải xách. Ở Nhật, người ta coi trọng ý tưởng trong từng việc nhỏ nhất như vậy.

Năm 1945, khi Nhật còn là một đất nước nghèo, người ta thấy rằng cây viết xài xong quăng đi thì phí nên đã nghĩ ra việc sản xuất ruột bút bi thay thế. Ý tưởng này đã được thế giới chấp nhận và thu về lợi nhuận cao cho nước Nhật. Theo tôi, không phải to lớn vĩ đại mới ra ý tưởng. Những ý tưởng đặc biệt như “Hai Lúa chế tạo máy bay” để giúp ích cho mùa màng thì chính phủ không cấm mà đặc biệt quan tâm, đi cùng với nhà nông để tìm ra cách thức hợp lý, kích thích sự sáng tạo.

* Những câu lạc bộ ý tưởng của Nhật hoạt động như thế nào?

- Ở Nhật, các câu lạc bộ ý tưởng do chính phủ khởi xướng và quản lý. 47 tỉnh của nước Nhật, mỗi tỉnh đều có câu lạc bộ ý tưởng. Cứ ba tháng một lần mỗi tỉnh đều tổ chức chương trình giống sàn giao dịch ý tưởng VN vậy, một lần có 100-200 ý tưởng gia tham dự. Hằng năm vào tháng hai, nước Nhật có đại hội ý tưởng, mỗi tỉnh sẽ có bốn sản phẩm xuất sắc được chọn để giới thiệu, thảo luận, nhà đầu tư tham gia rất đông để đặt hàng ý tưởng hay sản phẩm mới.

* Anh nói chính phủ khởi xướng, quản lý ý tưởng. Điều đó kích thích hay là rào cản?

- Chính phủ Nhật quản lý là để kích thích. Chính sách của nhà quản lý là: ví dụ có một người đưa ra ý tưởng của mình và muốn thực hiện với 1 tỉ đồng chẳng hạn, chính phủ sẵn sàng bỏ ra 500 triệu đồng để người đó làm. Quan niệm của chính phủ là một ý tưởng mới chưa nói đến lợi nhuận cũng sẽ quảng bá hình ảnh cho đất nước, làm cho nhiều nước khác biết. Như vậy chính là đem lại lợi ích vô hình cho quốc gia. Thêm nữa, việc quản lý cũng nhằm đưa ra các biện pháp bảo hộ bản quyền cho các ý tưởng gia một cách hệ thống và an toàn.

* Ở Mỹ có Thung lũng Silicon, ở Nhật có cái gì tương đương?

- Ở Nhật không có thung lũng lớn như Silicon nhưng ở mỗi tỉnh đều có những thung lũng ý tưởng qui mô vừa vừa nhưng ý nghĩa lớn. Ở từng tỉnh, người ta bỏ ra số tiền khổng lồ để những ai có ý tưởng phát minh nhưng không có tiền, không có dụng cụ, không có tiền thuê nhà đến các thung lũng đó để nghiên cứu. Không phải ai vào đó cũng được, những ai có phát minh trình bày thuyết phục ban giám khảo sẽ được vào. Trong vòng một năm nếu chưa hoàn thành thì ra khỏi nơi đó. Tôi đã từng ăn dầm nằm dề gần một năm ở Osaka, một trong những thung lũng ý tưởng như vậy và ra đời sản phẩm như đã nói ở trên.

* Ý tưởng là một thị trường. Anh có công nhận như vậy không?

- Thị trường là đúng. Nhưng nói hợp tác có lẽ đúng hơn. Vì một người coi sản phẩm ý tưởng là đứa con của mình thì ít đem bán như ở chợ mà tìm người phát triển chung ý tưởng với mình. Cách làm của sàn giao dịch ý tưởng VN rất tuyệt vời khi làm cầu nối cho sự kết hợp giữa doanh nghiệp với người làm ý tưởng. Các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên mới ra trường, nhìn thấy tầm quan trọng của ý tưởng nên họ sẽ hi vọng, tin tưởng vào tương lai đất nước. Tôi nghĩ nền kinh tế VN có nhiều người suy nghĩ như vậy thì trong tương lai sẽ phát triển tốt.

* Từ ý tưởng sang thực tế đầy khó khăn, vậy theo anh chìa khóa nằm ở đâu?

- Thứ nhất, ý tưởng là quan trọng. Thứ hai, không được từ bỏ ý tưởng. Ý tưởng là ước mơ. Thứ ba, luôn đặt niềm tin vào mình (và người khác). Chủ Tập đoàn Honda cũng vậy đó. Khi ông chế ra chiếc xe máy, người Nhật nói “khùng quá, suy nghĩ cái đó chắc chắn không ai mua đâu vì mắc quá”, nhưng ông trả lời “không, tôi sẽ thành công”. Nếu như ông không tin tưởng vào chính mình mà chỉ nghe người khác nói rồi từ bỏ ước mơ của mình, thì có lẽ bây giờ chúng ta không được đi xe máy.

ĐẶNG TƯƠI thực hiện

Sưu tầm từ tuoitre