WTO: Cạnh tranh là lẽ sống, phá sản là sáng tạo
TS. Lê Đăng Doanh - Ảnh Tuổi Trẻ |
Sẽ vẽ lại bản đồ thế giới
"Gia nhập WTO: Thuận lợi, thách thức và vai trò của Quốc hội" - Hội nghị do Văn phòng QH tổ chức ngày 13 và 14-11, ngay sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy là ngày nghỉ của các đại biểu QH nhân Tuần lễ Cấp cao APEC, song, đã có trên 100 đại biểu trong và ngoài nước tham dự hội nghị.
Nói về thách thức và cơ hội khi Việt Nam trở thành thành viên WTO, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, thắng - thua trước hết là tại mình chứ không phải do WTO vì cho đến nay, chưa có nước nào vì WTO mà khánh tận, phá sản. Và cũng chưa có nước thành viên nào phải nộp đơn xin rút khỏi tổ chức này. Vì vậy, ông kiến nghị, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải bình tĩnh, tỉnh táo phân tích những cơ hội, thách thức do WTO mang lại, nhất thiết không được hoảng hốt, mất tinh thần.
Nói như TS. Lê Đăng Doanh, lợi thế lớn nhất khi vào WTO là mọi DN đều phải cạnh tranh, coi cạnh tranh là nguyên lý, là lẽ sống. Cạnh tranh sẽ gây áp lực để mỗi DN nâng cao hiệu quả, giảm bớt giá thành. Cạnh tranh có thể dẫn đến phá sản hàng loạt DN, song, theo ông, phá sản DN không phải như cháy nhà hay lũ lụt, phá sản DN thì người lao động, máy móc vẫn còn, chỉ có ông chủ phải thay đổi.
Do vậy, "phá sản" được coi là "một sự tàn phá sáng tạo", chứ không phải là tàn phá tuyệt đối. Phá sản là sự sàng lọc khắc nghiệt nhưng làm lành mạnh nền kinh tế.
"Tôi cho rằng DN Việt Nam cần thay đổi cách tư duy, nhìn nhận việc gia nhập WTO trên khía cạnh hợp tác và phát triển chứ không phải "đối đầu". Đây không phải là cuộc múa võ vườn hoang mà thực sự là vẽ lại bản đồ thị trường thế giới, giành giật thị phần từ những đối thủ khác như đã diễn ra đối với dệt may, da giày, gạo... ", ông nói.
TS. Lê Đăng Doanh nhận xét, cũng không nên lo ngại DN nước ngoài vào Việt Nam như đại hồng thủy. Họ vào nước ta để kiếm lợi nhuận, nếu chưa thấy lợi họ sẽ không vào. Ông dẫn chứng hãng bánh mì kẹp thịt của Mỹ là Mc Donald's dự định đầu tư vào Việt Nam cách nay 5 năm, nhưng khi ông hỏi liệu bánh mì kẹp thịt có cạnh tranh được với bún và phở không thì họ chịu.
Ngoài việc thúc đẩy cạnh tranh, TS. Lê Đăng Doanh hy vọng khi Việt Nam vào WTO sẽ thúc đẩy cải cách hành chính có hiệu quả hơn. Lâu nay chúng ta nói nhiều về cải cách hành chính, nhưng giữa kết quả làm được với sự cảm nhận của người dân và DN còn khoảng cách rất xa. Có TP báo cáo 99% dân số hài lòng với dịch vụ công và cải cách hành chính, thực tế quốc tế đánh giá việc cải cách hành chính ở việt Nam rất chậm. Theo ông, không nên để cơ quan hành chính tự khen mình mà hãy nghe người dân, DN đánh giá về công cuộc cải cách hành chính.
Ông Steve Parker, Giám đốc Dự án Star Việt Nam, thì nhìn nhận, WTO yêu cầu cao hơn khi thực thi BTA (Hiệp định Tự do thương mại) với Hoa Kỳ, như giảm thuế XNK; bỏ trợ cấp xuất khẩu; tự do dịch vụ sâu, nhanh và rộng hơn, yêu cầu minh bạch công khai; cải cách luật pháp và thể chế...
Tuy nhiên, tác đông trực tiếp của WTO đối với Việt Nam sẽ hạn chế vì các thành viên WTO không gảm thuế đối với hàng hoá Việt Nam. Việc thay đổi toàn diện về luật và chính sách của Việt Nam theo yêu cầu của WTO cũng sẽ đem lai nhiều lợi ích trung và dài hạn, đặc biệt trong việc cải thiện môi trường đầu tư với các DN vừa và nhỏ, bỏ hạn chế đối với đầu tư nhiều hàng hoá, dịch vụ... hệ thống pháp luật được củng cố.
Nhiều việc phải làm
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của QH, ông Đặng Văn Thanh, cho biết, việc đầu tiên của QH trong kỳ họp thứ 10, QH khoá XI này là tiến hành xem xét, đánh giá lại toàn bộ quá trình đàm phán cũng như là các cam kết mà chúng ta đã đạt được. Trên cơ sở đó, QH tiến hành phê chuẩn nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập WTO. Thứ hai, QH bằng nghị quyết, hoặc cũng trong nghị quyết phê chuẩn này, sẽ giao nhiệm vụ cho Chính phủ trong việc triển khai các chương trình hành động nhằm đảm bảo Việt Nam gia nhập WTO có hiệu quả cao nhất, vừa là tôn trọng các điều khoản đã cam kết, vừa là đảm bảo lợi ích tối đa của Nhà nước.
"QH sẽ phải giám sát, triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có việc chúng ta đã là thành viên WTO, làm sao để đất nước tiếp tục phát triển và phát triển bình thường", ông Thanh nói.
Tất nhiên, liên quan đến chuyện WTO, ông Thanh nói rằng có cam kết chúng ta phải thực hiện ngay, có những điều theo lộ trình, cần rà soát lại. Do vậy, QH yêu cầu Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý. Điều đáng mừng là trong quá trình đàm phán, chúng ta đã tiến hành gấp việc hoàn thiện, kể cả nội luật hoá các quy định mang tính quốc tế vào Việt Nam.
Theo TS. Ngô Đức Mạnh, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện và Nghiên cứu Khoa học (Văn phòng QH), khó khăn của việc nội luật hoá là phải tiến hành một khối lượng công việc xây dựng pháp luật lớn và tốn kém trong thời gian ngắn. Cụ thể, phải điều chỉnh lại Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của QH năm 2007 để ưu tiên cho các văn bản phục vụ chuyển hoá các quy định của Nghị định thư gia nhập WTO.
Dưới góc độ một chuyên gia quốc tế, ông Steve Parker nhận định, có rất nhiều việc liên quan đến pháp luật mà Việt Nam phải thực hiện. Đó là tiếp tục cải cách pháp luật nhằm thực hiện đầy đủ các cam kết của WTO. Đó là ban hành các văn bản thực thi cho các luật và pháp lệnh được phê duyệt gần đây, hiệu chỉnh một số luật và pháp lệnh mới ban hành nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của WTO và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Theo VietNamNet