Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Định vị qua slogan: Không dễ!

Gửi bàiĐã gửi: 20 Tháng 2 2011, 09:01
gửi bởi YTSTNews
(Dân trí) - Chỉ vài từ ngắn gọn nhưng slogan là một thông điệp nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng, và kích thích họ hành động. Nhưng không dễ định vị sản phẩm qua slogan dù có tốn một đống tiền để tổ chức các cuộc thi bình chọn.

Câu chuyện từ ngành du lịch

Cuối cùng, thì Tổng cục du lịch Việt Nam (TCDL) cũng đã chọn được người thắng cuộc cho slogan mới cho ngành du lịch Việt Nam: A Different Orient- Sự khác biệt Á Đông. Liệu slogan mới của ngành du lịch sẽ hiệu quả trong việc thu hút thêm du khách đến Việt Nam?
 
Slogan mới sẽ thêm sức thu hút du khách đến Việt Nam?
 
Công ty Cowan- tác giả của logo và slogan mới của ngành du lịch Việt Nam giải thích đó là sự khác biệt của nước ta với các nước khác ở châu Á và thế giới, cũng như ‘vị trí chiến lược đặc biệt’ của Việt Nam. Nhưng slogan mới này sẽ truyền thông tới ai, và họ quan tâm tới tính độc đáo (thậm chí độc nhất) nào của sản phẩm?
 
Theo báo cáo của TCDL, số du khách tới Việt Nam năm 2010 khoảng 5 triệu lượt nhưng thực tế người đến vì mục tiêu du lịch chỉ khoảng 3,1 triệu lượt, chủ yếu đến từ các nước châu Á. Cụ thể khách từ Trung quốc là 905.000 lượt người, Hàn quốc là 496.000 lượt người, Nhật Bản là 442.000 lượt người…
 
Như vậy, khách hàng mục tiêu của du lịch Việt Nam phần lớn từ Châu Á. Đây cũng là đối tượng mà chiến lược truyền thông của du lịch Việt Nam cần hướng tới.
 
Ông Ngô Trọng Thanh, chuyên gia marketing hàng đầu Việt Nam cho rằng, slogan ‘Sự khác biệt Á đông’ này sẽ có sức thu hút hơn với du khách từ châu Âu, châu Mỹ- những nước phát triển mong muốn khám phá sự khác biệt về chiều sâu văn hóa, về cuộc sống cộng đồng và về cảnh quan thiên nhiên khác lạ của vùng đất Á Châu huyền bí. Nhưng thực tế họ không phải là đối tượng tiềm năng nhất của du lịch Việt Nam trong thời gian gần.
 
Tại những nước lân cận, với kinh nghiệm và cách làm chuyên nghiệp, khẩu ngữ thương mại của họ thực sự ấn tượng, góp phần vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp không khói như: Amazing Thailand, Uniquely Singapore, Incredible India, Wow Philippines...
 
Nhằm thu hút khách từ Châu Á- nguồn khách chủ yếu của tất cả các nước, những khẩu ngữ này, thay vì tập trung vào nét Á châu, đã khơi gợi cảm xúc du khách, hứa hẹn những trải nghiệm độc đáo tại mỗi quốc gia.
 
Truly Asia là một slogan thành công dù phần lớn khách du lịch của Malaysia cũng đến từ các nước châu Á. Điều này đến từ chiến lược thông minh nhằm cạnh tranh với Thái Lan- cường quốc du lịch trong vùng. Họ đã rất thành công khi đã đón 24 triệu lượt du khách, vượt xa con số 14,5 triệu của Thái Lan trong năm 2010.
 
Tới câu chuyện slogan của doanh nghiệp
 
Cho dù địa danh đã được nhiều thế hệ người tiêu dùng biết đến, nhưng sữa tươi Mộc Châu lại ra đời khá muộn so với các đại gia trong ngành. Sinh sau đẻ muộn, lại không có ngân sách lớn như các đối thủ khác, Mộc Châu đã tìm cách tiếp cận tới người tiêu dùng một cách thông minh, bằng cách nhấn mạnh vào vùng nguyên liệu lâu đời và nổi tiếng của mình.
 
“Thảo nguyên xanh, sữa mát lành’ được chuyên gia nhận định là một slogan tốt, vừa phát huy được ưu thế của nguồn gốc và truyền thống của sản phẩm, vừa nhấn mạnh đến tính thiên nhiên của sản phẩm- điều mà người tiêu dùng hiện nay đang ngày một quan tâm.
 
VietMac, nhà cung cấp bữa ăn trưa kiểu mới cho giới văn phòng với sản phẩm bánh cơm ép về khẩu vị hoàn toàn truyền thống của Việt Nam đã chọn một slogan trực tiếp: “Đã nhanh, lại lành”. VietMac định vị bản thân mình như một nhà cung cấp có dịch vụ cung ứng rất nhanh- điều mà giới công chức văn phòng luôn mong chờ vào khoảng thời gian nghỉ trưa ngắn ngủi.
 
Rõ ràng, chỉ vài từ ngắn gọn nhưng slogan là một thông điệp nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng và kích thích họ hành động. Hiện nay, đã có khá nhiều doanh nghiệp nhận thức rõ tầm quan trọng của slogan trong xây dựng thương hiệu và đã đầu tư đến nơi đến chốn cho nhiệm vụ này.
 
Tuy nhiên, theo phần lớn các chuyên gia, một slogan ấn tượng, rộng hơn nữa, là một chiến lược quảng bá thương hiệu tốt không hẳn luôn đến từ những nơi có nhiều tiền, như sữa Mộc Châu hay cơm văn phòng VietMac là những ví dụ điển hình.
 
Nó chỉ đến từ những con người, những tổ chức thực sự nghiêm túc trong việc đầu tư nghiên cứu thị trường, thấu hiểu nhu cầu của khách hàng để sáng tạo ra cách truyền thông hiệu quả và phù hợp.
 
Nhiều chuyên gia khẳng định, 1 slogan hiệu quả về mặt truyền thông phải hướng tới khách hàng tiềm năng của chính sản phẩm đó.
 
Lan Hương
Sưu tầm từ dantri