Chủ tịch ADB Kuroda (ảnh: Q.Đ).
Bản dự thảo báo cáo này cũng là đề tài thảo luận trong phiên họp Hội đồng Thống đốc, gồm các bộ trưởng tài chính đến từ Bangladesh, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc và các Thứ trưởng đến từ Trung Quốc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật bản, Chủ tịch ADB Kuroda.
3 tỷ người có cuộc sống sung túc vào năm 2050
Theo bản dự thảo báo cáo, vào giữa thế kỷ này, có thêm 3 tỷ người dân châu Á có thể tận hưởng tiêu chuẩn cuộc sống tốt đẹp, nếu khu vực này vẫn duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay và giải quyết được những thách thức, nguy cơ kéo dài qua nhiều thời kỳ. Bản dự thảo báo cáo cho biết trọng tâm của nền kinh tế toàn cầu sẽ chuyển sang khu vực châu Á, một khu vực có thể đóng góp khoảng 50% vào kết quả đầu ra, thương mại và đầu tư toàn cầu vào năm 2050, gia tăng từ mức đóng góp 27% hiện nay.
Bản dự thảo báo cáo cũng so sánh những kết quả tiềm năng châu Á đạt được theo hai kịch bản: Thế kỷ của châu Á và bẫy thu nhập trung bình. Theo kịch bản lạc quan một thế kỷ châu Á, GDP của khu vực sẽ đạt 148 ngàn tỷ USD, chiếm 51% sản lượng toàn cầu. Theo cơ sở sức mua tương đương, GDP theo đầu người tại châu Á sẽ lên tới 38.600 USD, so với mức dự kiến trung bình năm 2050 của thế giới là 36.600 USD.
Kịch bản thứ hai giả định rằng những nền kinh tế lớn của châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình khi mức tăng trưởng chậm lại và sự trì trệ trong thu nhập của 5 hay 10 năm tới. Hơn nữa, không có một nền kinh tế tăng trưởng chậm nào của châu Á sẽ có thể thúc đẩy được tỉ lệ tăng trưởng trong kịch bản này. Nếu những dữ kiện này xảy ra, châu Á sẽ chỉ chiếm 32% hay đạt 61 ngàn tỷ USD so với sản lượng toàn cầu vào năm 2050. Theo cơ sở sức mua tương đương, GDP đầu người của khu vực sẽ đạt 20.300 USD, chỉ hơn một nửa so với kịch bản một thế kỷ châu Á.
Chủ tịch ADB Kuroda cho hay: “Hai kết quả dự kiến ở hai kịch bản là khác nhau; vì vậy, chi phí cơ hội nếu không thực hiện kịch bản một thế kỷ châu Á là rất lớn, đặc biệt là trên khía cạnh con người”. Theo kịch bản một thế kỷ châu Á, sẽ có thêm 3 tỷ người châu Á có thể tận hưởng thành quả của sự thịnh vượng ít nhất cũng sớm hơn 1 thế hệ so với kịch bản bẫy thu nhập.
Nguy cơ và thách thức
Tuy nhiên, trong con đường đi đến thịnh vượng vào giữa thế kỷ này, châu Á phải đối mặt với một loạt nguy cơ và thách thức. Khoảng trống về bất bình đẳng cần phải được thu hẹp đồng thời như một ngôi nhà chung cho hơn một nửa dân số thế giới châu Á phải đương đầu với làn sóng đô thị hóa và tình hình nhân khẩu học thay đổi liên tục.
Theo bản dự thảo báo cáo, tính cạnh tranh dài hạn của khu vực châu Á sẽ phụ thuộc phần lớn vào cách mà khu vực này kiểm soát sự đa dạng trong việc sử dụng nguồn lực bao gồm nguồn nước và lương thực, cũng như quản lý được khí các-bon. Mối quan tâm nhất ở châu Á là khuyến khích và đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ sạch nhằm duy trì đà tăng trưởng ấn tượng của mình.
Mặc dù vậy, các nước trong khu vực sẽ có nguy cơ về quản trị điều hành và năng lực thể chế - điểm yếu của hầu hết các nền kinh tế châu Á. Do đó, ADB khuyến cáo: Khu vực châu Á cần phải hiện đại hóa các hệ thống quản trị điều hành đồng thời tái thiết thể chế của mình nhằm đảm bảo tính minh bạch, tính trách nhiệm giải trình và nâng cao tính hiệu lực của quy định và luật lệ.
Những vấn đề này không của riêng quốc gia nào và có thể sẽ tác động lẫn nhau theo cách mà sự căng thẳng ở khu vực có thể gia tăng gấp bội; thậm chí có thể tạo ra những khó khăn mới có thể đe dọa đến sự tăng trưởng nhanh chóng của châu Á cũng như sự ổn định và an toàn của khu vực.
Nhằm giải quyết được những khó khăn trên, các nhà lãnh đạo cần phải đặt ra các chính sách quốc gia mang tính đột phá trong khi vẫn theo đuổi quan hệ hợp tác vùng và hợp tác toàn cầu nhằm kiểm soát thành công những thành quả của khu vực công, an ninh năng lượng, kết nối cơ sở hạ tầng, nguồn nước và lương thực với mục tiêu duy trì sự ổn định và hòa bình lâu dài trong khu vực.