Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

EVN thời Chủ tịch Đào Văn Hưng: Những sự kiện tiếng tăm

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 2 2012, 10:12
gửi bởi YTSTNews
Từ năm 2007 trở lại đây, EVN dưới thời chủ tịch Đào Văn Hưng luôn gây nóng dư luận bằng nhiều vụ việc, ý tưởng và cả hành động. Có cái vui, cái buồn nhưng tất cả đều làm nên những tiếng tăm đáng nhớ.
 >>  Khoản lỗ hơn 10 nghìn tỷ đồng của EVN là... chưa tính hết
 >>  Miễn nhiệm chức Chủ tịch EVN của ông Đào Văn Hưng

Thủy điện Sơn La hoàn thành vượt tiến độ

 

Với những người của ngành điện và dân chúng, có lẽ, dấu ấn tốt đẹp nhất về EVN thời chủ tịch Đào Văn Hưng là sự thành công của dự án nhà máy Thủy điện Sơn La.

 

Đây là công trình trọng điểm quốc gia, dự án thủy điện lớn nhất từ trước đến nay của đất nước với công suất 2.400MW, sản lượng điện 10,2 tỷ kWh/năm. So với thủy điện Hòa Bình thì thủy điện Sơn La có công suất thiết kế cao hơn 500MW. Cho đến nay, dự án vẫn trong giai đoạn hoàn thiện, nhưng chỉ với 4/6 tổ máy đã đi vào vận hàng, năm 2011 Thủy điện Sơn La đã phát lên lưới điện quốc gia được 5,2 tỷ kWh.

 

Ngày 19/12/2011, tổ máy số 4 Nhà máy Thủy điện Sơn La đã hòa thành công vào hệ thống điện lưới quốc gia. Dự kiến tổ máy số 5 sẽ phát điện vào cuối tháng 4/2012. Tổ máy số 6 sẽ hoàn thành vào tháng 8/2012.

 

Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2015 nhưng hiện, EVN đã và đang phấn đấu về đích sớm 3 năm, hoàn thành trong năm 2012 này. Nếu vậy, dự án có thể tiết kiệm tới 1,5 tỷ USD.

 

Sau Thủy điện Hòa Bình (từng là công trình số 1 Đông Nam Á), thủy điện Sơn La sẽ hoàn thành trên bậc thang cắt lũ sông Đà, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đồng thời thắp sáng văn hóa cho khu vực Tây Bắc vốn có nhiều khó khăn.

 

Hơn thế, sau Sơn La, thủy điện Lai Châu cũng đã được khởi động để hoàn tất các bậc thang thủy điện trên sông Đà. Thêm một công trình mới được khởi công với khí thế và tiến độ của Sơn La hẳn sẽ mang lại nhiều kỳ vọng.
 

 

Trả lại Chính phủ 13 dự án nhiệt điện

 

Năm 2008, EVN có văn bản xin "trả" lại Chính phủ tới 13 dự án nhiệt điện than do không thu xếp được vốn. Tại thời điểm này, EVN vẫn là Tập đoàn độc quyền về nguồn điện.

 

Điều đáng nói là, với tổng công suất của 13 dự án lên tới 13.800MW, số các dự án nhiệt điện này chiếm hơn 1/3 số dự án điện mà EVN phải đảm nhiệm trong Quy hoạch 6. Đây đều là các dự án trọng điểm cần đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2006-2015 của Quy hoạch điện 6.

 

Lúc này, EVN chịu trách nhiệm thực hiện 40 dự án với nhu cầu vốn tới 43.000 tỷ đồng nhưng tập đoàn này chỉ thu xếp được 36.000 tỷ đồng. Một nguyên nhân khách quan khác là do giá điện thấp, lạm phát cao, EVN rơi vào tình cảnh không vay nổi vốn, nhiều ngân hàng quay lưng từ chối cho EVN vay tiền.

 

Trong khi đó, suất đầu tư trung bình của nhiệt điện than luôn thuộc diện cao, dao động từ 1,2- 1,4 tỷ USD/1000MW, tổng vốn đầu tư của số các dự án này sẽ là con số kỷ lục vào khoảng 300 nghìn tỷ đồng. Để cấp nhiên liệu than cho 13 dự án này, cũng là 1 bài toán nan giải vì sẽ phải nhập than bên ngoài và lâu dài cho cả đời dự án.

 

Điều đáng chú ý là ngay sau đó, Tập đoàn Dầu khí nhảy vào xin triển khai 13 dự án này. Nhưng sau đó, Chính phủ đã phân bổ các dự án này "đồng đều" hơn, chỉ giao PVN một số dự án, còn lại là Tập đoàn Than và kêu gọi đầu tư của nước ngoài và EVN vẫn phải đảm nhiệm 2 dự án trong số 13 dự án trên.

 

Siêu "công ty" mua bán điện

 

Với ý tưởng liên kết với 7 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước lớn mạnh nhất Việt Nam, năm 2007, EVN đã trình đề án thành lập Công ty Cổ phần mua bán điện.

 

Theo kế hoạch này, Công ty cổ phần mua bán điện sẽ có vốn điều lệ lên tới 1.000 tỉ đồng với 100 triệu cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần 10.000 đồng.

 

Trong đó, 7 doanh nghiệp góp 49% vốn điều lệ gồm Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn than - khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Tổng công ty lắp máy Việt Nam, Tổng công ty xi măng Việt Nam và Tổng công ty thép Việt Nam. Tập đoàn điện lực Việt Nam sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ.

 

Đáng chú ý là, trong 51% cổ phần này, sẽ có cả vốn góp của những nhà máy phát điện, công ty phân phối như Công ty Điện lực 1, Điện lực 2, Điện lực 3, Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại và Công ty Cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa.

 

EVN đã dự kiến lợi nhuận ở mức 5%-10% vốn điều lệ, tương đương 50-100 tỉ đồng/năm Đây cũng là giai đoạn, EVN vẫn đang có lãi và nếu tính từ năm 1995 đến 2007, EVN lãi 1.000-2.500 tỉ đồng/năm.

 

Ngay lập tức, dư luận phản ứng. Mô hình này sẽ biến Công ty mua bán điện trở thành siêu tổng công ty độc quyền một lĩnh vực hấp dẫn nhất của ngành điện, đó là phân phối bán buôn điện. Xung đột lợi ích có thể xảy ra, khi giá điện sẽ bị thao túng bởi chính các cổ đông đứng nhiều vai, vừa là các nhà phát điện, vừa lại là nhà quyết định giá bán điện. Các chuyên gia kinh tế và các tổ chức quốc tế cũng khuyến cáo mô hình này sẽ hạn chế các công ty điện khác gia nhập thị trường điện trong tương lai.

 

Rốt cục, đề án này cũng phá sản. Công ty mua bán điện sẽ phải thuộc Nhà nước và hiện, đang tạm thời trực thuộc EVN.

 

Tranh cãi PVN - EVN về điện khí

 

Năm 2009, trước nguy cơ bị thiếu điện do thiếu khí, EVN đã "tố" lên Bộ Công Thương về chuyện bị Tập đoàn dầu khí (PVN) cung cấp thiếu khí và "cảnh báo" sẽ bị thiếu hơn 1 tỷ kWh. Điều này quả đáng lo ngại vì nhiệt điện khí chiếm tới 40% tổng sản lượng điện hàng năm và thiếu 1 tỷ kWh vào mùa khô sẽ ảnh hưởng lớn tới cung ứng điện.

 

Tuy nhiên, ngay sau đó, PVN cũng tố ngược rằng, nguyên nhân là do EVN không chịu bao tiêu trọn bộ cả năm cho sản lượng khí cho cả năm, do nguồn khí mà PVN khai thác được còn phải đàm phán, thỏa thuận với nhà khai thác khí nước ngoài. Mặc dù PVN cố gắng phát công suất cao nhất nhưng chính EVN cũng giảm sản lượng mua điện của PVN.

 

Câu chuyện này còn tái diễn nhiều lần trong cả vấn đề sản lượng huy động điện khí của PVN. Đầu năm 2011, EVN lại giảm việc huy động mua điện khí của PVN tới 50% công suất để ưu tiên mua nguồn thủy điện ở các nhà máy trực thuộc mình.

 

Sau đó, cuối năm, PVN cũng kêu không thể đảm bảo đủ khí cho EVN trong năm 2012 vì đã trót ký hợp đồng dài hạn cho các hộ tiêu dùng khác.

 

Các cuộc tranh cãi này đều chỉ dừng lại khi Bộ Công Thương nhảy vào cuộc can thiệp, làm trọng tài. Kết quả thường thấy là EVN và PVN đều nhận lệnh phải lo đủ khí, đủ điện cho quốc gia.
 

 

"Chúa chổm" ngàn tỷ

 

Cho đến nay, chưa có con số thống kê chính thức và đầy đủ về khoản nợ của EVN đối với các Tập đoàn khác trong nước. Theo thông báo từ PVN, năm 2011, EVN đã nợ Tập đoàn này tới 14.000 tỷ đồng, bao gồm cả 2.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. PVN đã liên tục gửi trát đòi nợ rồi nhờ cả Bộ Công Thương "can thiệp" mà không ăn thua.

 

Cũng do khó khăn tài chính, EVN cũng nợ Tập đoàn Than Khoáng sản tới gần 2000 tỷ đồng tiền điện và than và nợ cả tiền mua dầu của Tổng công ty xăng dầu Việt Nam. EVN cũng chây ỳ khoản nợ 40 triệu USD tiền mua điện của nhà máy điện Hiệp Phước vào đầu năm 2011.

 

Trước dư luận, EVN và cả Bộ Công Thương đã công bố không có khả năng trả nợ nếu như, không tăng được giá điện?!

 

Theo Kiểm toán Nhà nước công bố trước đó, nợ phải trả đến 31.12.2010 của EVN là 239.761 tỉ đồng (nợ ngắn hạn là 65.493 tỉ đồng, chiếm 27,31%; nợ dài hạn là 174.268 tỉ đồng, chiếm 72,69%). Tỉ lệ nợ phải trả/tổng nguồn vốn là 79,3%; tỉ lệ nợ phải trả/nguồn vốn chủ sở hữu là 4,22 lần.  EVN đã không bảo toàn được vốn chủ sở hữu.

 

Tăng giá và quyền tự định giá

 

Thời gian qua, EVN bước vào giai đoạn triển khai mạnh mẽ lộ trình thị trường hóa giá điện. Theo đó, từ năm 2007, giá điện cứ... đều đều tăng, mức tăng ngày càng lớn và tần suất tăng cũng ngày một dày hơn.

 

Ví dụ, năm 2007, giá bán lẻ điện bình quân tăng là 842 đồng/KWh so với 2006, áp dụng từ 1/1. Qua 1 năm rưỡi, ngày 1/7/2008, giá bán lẻ điện tăng tiếp lên 890 đồng/KWh. Sau đó, liên tiếp ngày 1/3 của 3 năm 2009-2010-2011, giá điện bán lẻ tiếp tục tăng 948 đồng/KWh, 1.058 đồng/KWh và 1.242 đồng/KWh. Và riêng năm 2011, khi gần hết năm thì giá điện lại tăng tiếp 5%, lên mức 1304 đồng/kWh bình quân.

 

Năm 2011, EVN đã được quyền tự định giá theo cơ chế biến đổi thông số đầu vào. Chỉ cần giá thành tăng trong 5%, EVN hoàn toàn có thể tự tăng giá trong phạm vi 5% mà không cần xin phép Thủ tướng. Chưa kể, thời gian tối đã tăng giá là 3 tháng, nghĩa là mỗi năm, EVN có thể tăng tới 4 lần với mức tăng tổng là 20%/năm.

 

Nếu tăng quá 5%, EVN mới phải cần tới sự thẩm định của Bộ Công Thương, Tài chính và Thủ tướng phê duyệt. Nói cách khác, cơ chế này,  EVN có quyền rất lớn và xét một các khách quan, EVN sẽ không dại gì xin tăng quá 5% để phải chờ đợi "thủ tục hành chính" .

 

Trong bối cảnh thua lỗ nặng nề, EVN còn được quyền phân bổ các khoản lỗ trong kinh doanh điện vào chính giá bán lẻ điện. Sự tính toán này đã cho EVN nghiêm nhiên sẽ được tăng giá điện gấp nhiều lần nữa trong tương lai, khi mà các khoản lỗ kinh doanh điện hàng chục nghìn tỷ đồng đã được xác nhận.

 

Theo Phạm Huyền

VEF

Sưu tầm từ dantri