Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Chuyên gia kinh tế “khen” Bộ trưởng Huệ điểm huyệt chính xác

Gửi bàiĐã gửi: 26 Tháng 2 2012, 14:01
gửi bởi Zelda
TS.Nguyễn Minh Phong từ Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội cho rằng “hiệu triệu” tiết giảm chi phí của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ là bước tiến trong quản lý các doanh nghiệp nhà nước 2012.
 >> Sau tiết giảm, các “ông lớn“ hành động để tăng niềm tin

Dưới đây là bài viết của TS.Nguyễn Minh Phong:

 

Tiếp theo lệnh tiết kiệm 10% chi thường xuyên trong các năm ngân sách 2011 và trước đó đối với các đơn vị hành chính-sự nghiệp, mới đây Bộ Tài chính đã đề nghị các tập đoàn và tổng công ty nhà nước phát huy vai trò chủ đạo, gương mẫu của mình, phát động phong trào thi đua tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm đến từng cán bộ, công nhân viên và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành của các đơn vị năm 2012.

 

Đặc biệt, không chỉ vận động suông, Bộ Tài chính đã “áp khoán” buộc các đơn vị này phải tìm mọi cách  tiết giảm 5-10% chi phí quản lý sản xuất kinh doanh ngay trong năm 2012.
 

TS Phong ( bên trái) cho rằng hiệu quả trước mắt của cú điểm huyệt chính xác, thiết thực, và vừa mềm  mỏng vừa khá “rắn” này-như tính cách của Bộ Trưởng Tài chính Vương Đình Huệ mà nhiều người khá hâm mộ - đã được ghi nhận đầy ấn tượng.

 

Bộ Tài chính ngày 21/2 đã có công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp trong việc thực hiện tiết giảm 5-10% chi phí quản lý, giảm giá thành sản phẩm của các NHTM nhà nước và NHTMCP Nhà nước nắm cổ phần chi phối.

Hiệu quả trước mắt của một cú điểm huyệt chính xác, thiết thực, và vừa mềm  mỏng vừa khá “rắn” này-như tính cách của Bộ Trưởng Tài chính Vương Đình Huệ mà nhiều người khá hâm mộ - đã được ghi nhận đầy ấn tượng. Hy vọng, với đà này kết quả sẽ đáng khích lệ hơn,bởi theo lộ trình đến hết quý I/2012, tất cả ngót 100 các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ có kế hoạch báo cáo Bộ Tài chính để Bộ tổng hợp và báo cáo với Chính phủ.

   

Việc cắt giảm tối thiểu từ 5-10% phí tài chính của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước là yêu cầu bắt buộc thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong năm 2012. Đồng thời, cần nhấn mạnh rằng, đây là giải pháp căn cơ và lâu dài cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

 

Chủ trương tiết giảm chi phí trong hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước là cần thiết và đúng đắn, bởi tiết kiệm chi phí sản xuất nói chung, chi phí tài chính nói riêng là yêu cầu và cách thức để nâng cao nâng cao năng lực quản trị, sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh lạm phát và chi phí vốn còn cao, ngày càng mở rộng toàn cầu hóa, hội nhập và cạnh tranh thị trường gay gắt hơn.

 

Đối với các DNNN, việc áp khoán hàng năm theo chỉ tiêu định lượng  tài chính cụ thể và phù hợp đã và sẽ có tác dụng giảm chi phí quản lý, giá thành, cũng như làm tăng niềm tin cho các cổ đông của các tập đoàn, tổng công ty và đem lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp và xã hội, cũng như nâng cao trách nhiệm xã hội của các DNNN tương xứng với vai trò của khu vực này trong nền kinh tế đất nước.

 

Thực tế cho thấy, hiện tượng lãng phí trong chi tiêu và đầu tư công ở khu vực kinh tế Nhà nước đã và đang diễn ra ngày càng nặng nề, bất chấp các quy luật kinh tế và quy định pháp lý chung. Các tập đoàn, TCT và DNNN còn nhiều dư địa cho chủ trương tiết kiệm chi phí tài chính, gắn với sự cồng kềnh của bộ máy, sự lãng phí trong đầu tư và chi tiêu, lợi thế về vốn, đất đai, độc quyền về lĩnh vực kinh doanh, cùng nhiều kẽ hở trong quản lý tài chính vĩ mô và vi mô, cả từ phía Nhà nước, cũng như từ phía doanh nghiệp.

 

Vì vậy, chủ trương này là tín hiệu mới cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong xiết chặt và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các DNNN, nhằm tạo chuyển biến mạnh thực sự trong phát triển kinh tế đất nước theo con đường bền vững hơn. Thay vì kêu gọi chung chung và thuyết phục đạo đức kiểu “nước đổ đầu vịt”, đã đến lúc Chính phủ và các bộ chức năng cần lượng hóa các yêu cầu quản lý Nhà nước thành các chỉ tiêu định lượng tài chính bắt buộc và quy trách nhiệm cá nhân cụ thể, rõ ràng với các chế tài đủ mạnh và có hiệu lực trên thực tế trong quản lý Nhà nước nói chung, và đối với DNNN nói riêng.

 

Để thực hiện tốt chủ trương này (đăc biệt, với một số tập đoàn và TCT Nhà nước, hoàn toàn có thể nâng cao hơn tỷ lệ tiết kiệm trên 10%), mỗi tập đoàn, TCT và doanh nghiệp cần có phương án tổng thể và bước đi cụ thể, thích hợp với đơn vị mình; trong đó, cần chú ý những điểm nhấn sau:

 

Thứ nhất, tăng cường tái cấu trúc, trong đó có tái cấu trúc sản phẩm, thị trường, công nghệ và bộ máy  quản lý, tuân thủ các quy định chung về quản lý Nhà nước, đồng thời đáp ứng các nguyên tắc thị trường ngày càng đầy đủ hơn. Đặc biệt, đi sâu vào cải cách cơ chế quản trị tài chính và giảm chi phí thường xuyên, các chi phí phi sản xuất, cũng như các chi phí làm tăng giá thành.

 

Tính đến ngày hôm nay, 23/2/2012 đã có 6 tập đoàn, tổng công ty đưa ra cam kết thực hiện, với tổng số cam kết sẽ cắt giảm lên tới trên 3.000 tỷ đồng; mở đầu là Tập đoàn Bảo Việt cam kết cắt giảm 145 tỷ đồng, tiếp đó là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (178,6 tỷ đồng), Tập đoàn Nhà và Đô thị Việt Nam (125 tỷ đồng), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (105 tỷ đồng), Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN (1.800 tỷ đồng), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tiết kiệm bổ sung 250 tỷ đồng...

Thứ hai, tăng cường phân công trách nhiệm cá nhân rõ ràng trong các quy trình quản lý; áp dụng các chế độ khoán chi và kiểm soát chi tài chính vừa nghiêm ngặt, vừa mềm hóa, hướng đến kết quả coi trọng chất lượng sản phẩm cuối cùng và hiệu quả đầu ra; Đồng thời, tăng cường việc mua và sử dụng chung các tài sản và dịch vụ công trong nội bộ ngành, tập đoàn và TCty nhằm tiết kiệm chi phí và tăng thêm các ưu đãi trong mua sắm tài sản công, nhất là đối với đơn vị có hệ thống dọc từ trung ương xuống địa phương.

 

Thứ ba, tăng cường cập nhật, chính xác, minh bạch hóa và công khai hóa thông tin tài chính; nhất là các thông tin về chi tiêu thường xuyên của từng đơn vị, công đoạn, và quy trình hoạt đông và quản lý của doanh nghiệp. Xây dựng, công khai và kiểm soát áp dụng chặt chẽ các chế tài đủ nghiêm khắc nhằm hạn chế và xử lý kịp thời các quyết định đầu tư và chi tiêu vô trách nhiệm, thiếu hiệu quả và các hành vi tham nhũng, lãng phí tài chính các loại khác.

 

Thứ tư, đặc biệt, điều cần nhấn mạnh là các tập đoàn, TCT và DNNN phải bảo đảm để các quy định và hoạt động tiết kiệm đó là thực chất, tránh hình thức kiểu “được chỗ hà, ra chỗ hổng”, hoặc “đánh bùn sang ao”, tiết kiệm chỗ này lại lãng phí chỗ khác hoặc giảm chất lượng sản phẩm và dịch vụ…Vì vậy, điều cần làm trong thời gian tới là bổ sung quy định cụ thể những khoản nộp NSNN bắt buộc từ các khoản tiết kiệm trong quản lý NSNN nói riêng, cũng như thể chế hóa những tiêu chuẩn quản lý chất lượng trong quản lý Nhà nước nói chung.

 

 TS. Nguyễn Minh Phong

Theo Pháp Luật Việt Nam

Sưu tầm từ dantri