Sau vai Lý Chiêu Hoàng, vai mẹ Kíu trong 15 tập phim “Con đường sáng” của đạo diễn Phạm Việt Thanh là lần thứ hai chị vào vai một nhân vật có thật. Cảm xúc của chị như thế nào?
Tôi lại vào vai một nhân vật nữa có thật trong đời sống, sau vai Lý Chiêu Hoàng. Bà Lý Chiêu Hoàng từng là người bằng xương, bằng thịt và mẹ Kíu cũng vậy. Mẹ Kíu sinh ra trong một gia đình tư sản, gốc Hà Nội, nhà ở Hàng Ngang, Hàng Đào. Mẹ Kíu có một cái xưởng gia truyền làm bánh kẹo. Bằng quan hệ của mình, nhân vật chính trong phim - ông Đào Phúc Lộc (Xuân Bắc thủ vai) coi mẹ Kíu như người chị nuôi của mình.
Người phụ nữ ấy đã cống hiến, hi sinh một cách thầm lặng cho cách mạng. Bà không nghĩ đến chuyện riêng tư khi tuổi đời còn rất trẻ. Bà nhận nuôi con ông Đào Phúc Lộc và những đứa trẻ khác để bố mẹ chúng yên tâm hoạt động cách mạng. Không một ai xung quanh biết đến sự hi sinh của bà. Bà trở thành nhân vật hi sinh của lịch sử: bị tịch thu tài sản, bị quy là tư sản bóc lột, chịu đựng mọi bi kịch của cuộc chiến…
NSND Lê Khanh trong vai mẹ Kíu - phim Con đường sáng
Với cá nhân tôi, mức độ khó khăn ở vai diễn này không nhiều lắm. Rất may là mình vẫn tìm được những bối cảnh, những ngôi nhà Hà Nội cũ. May mắn thứ hai là tôi xuất thân ở Hà Nội cho nên có sự gần gũi với nhân vật mẹ Kíu. Giữa tôi và nhân vật ít có khoảng cách, thậm chí, tôi không phải diễn nhiều, thậm chí tôi phải cố kiềm chế cảm xúc.
Có thể coi đấy là những khó khăn hoặc những kỷ niệm của đoàn làm phim khi thực hiện về bộ phim này cũng được. Chưa bao giờ, một bộ phim truyền hình lại huy động nhiều diễn viên đến thế - 144 nhân vật trong phim bước ra từ lịch sử.
Bộ phim thời gian kéo dài, kinh phí rất tốn kém. Chúng tôi đã phải kêu gọi, dạm ngõ tất cả các cửa để ngỏ lời giúp đỡ. Từ quê hương của ông Đào Phúc Lộc, đến những nơi bước chân ông đi qua, chúng tôi phải xin sự giúp đỡ của địa phương, ít nhất là một căn nhà mình quay không mất tiền, ủng hộ đoàn phim bằng một đám đông sinh viên để quay cảnh biểu tình…
Lần đầu tiên đóng phim nhưng phong cách của Đan Lê rất chuyên nghiệp
(Cười) Chưa hài lòng vì đây là phim về ông Lộc chứ không phải phim về mẹ Kíu. Khi tôi nói ra như thế này là cảm xúc của một người trong cuộc được chứng kiến chứ thực ra số lượng hình ảnh khán giả truyền hình nhìn thấy rất ít. Cả một cuộc chiến dài như vậy làm sao có thể dành sự ưu tiên cho một nhân vật nào dù nhân vật ấy rất quan trọng với cuộc đời ông Lộc. Nếu anh Khánh có nói thế thì chắc là cảm xúc riêng của anh, còn thật sự hình ảnh của tôi trên phim không đáng kể.
Có người cho rằng, chọn diễn viên hài Xuân Bắc vào vai người anh hùng có cuộc đời gần như huyền thoại - người trưởng phòng tình báo đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam có vẻ chưa được “hợp vai” cho lắm. Với tư cách là một trong những người đề cử và bảo vệ quyết liệt cho Xuân Bắc vào vai này, chị có thể nói điều gì?
Tôi đã nghĩ đến Xuân Bắc trước khi vào vai diễn. Tôi rất ấn tượng với nhân vật Núi trong phim Sóng ở đáy sông dù lúc đó Bắc chưa bước chân vào con đường diễn viên chuyên nghiệp. Sau này, Bắc trở thành diễn viên chuyên nghiệp, rồi, chuyển sang thể loại khác là hài.
Tôi là một diễn viên trong nghề, tôi nhìn thấy khả năng của những người đóng hài. Ấn tượng diễn viên là do khán giả đặt ra cho diễn viên, áp đặt cho diễn viên, “trói” loại vai cho diễn viên chứ không phải lỗi của họ. Quan điểm của tôi để bảo vệ Bắc vào vai này là như thế.
Một quan điểm nữa của tôi là, mình làm phim anh hùng thì anh hùng cũng là con người bằng xương bằng thịt. Vào đúng thời điểm thì người ta trở thành anh hùng chứ không phải sinh ra đã là… anh hùng. Mình phải khai thác nhân vật Lộc từ nhỏ, cũng có khi háu ăn, láu cá, nói bậy và đánh bạn… Tức là mình khai thác ở bản chất con người này chứ không phải khai thác phần anh hùng trước.
Có một lý do khác rất quan trọng là người diễn viên phải có tài hoá thân rất nhanh. Đặc thù của nghề tình báo, họ đâu có chân dung? Có người đã chết mà người ta không biết “chân dung” thật là gì. Người này gặp thì ông là một thầy giáo, người khác gặp thì ông là người đánh giầy… Bắc có khả năng hoá thân và biên độ hoá thân của Bắc lợi thế hơn nhiều diễn viên khác.
Rất tuyệt! Trong phim, Đan Lê vào vai Minh Phụng - vợ ông Đào Phúc Lộc (Xuân Bắc thủ vai). Khi nhân vật Minh Phụng xuất hiện từ những cảnh đầu tiên đã khiến ê kíp sáng tạo ý tưởng rất hài lòng và yên tâm. Gương mặt Đan Lê thanh tú, vừa thon nhỏ vừa phảng phất nét xưa. Lần đầu tiên đóng phim nên ở Lê có nét mộc mạc rất hợp với nhân vật. Đan Lê có phong cách làm việc rất chuyên nghiệp, thông minh, thuộc lời thoại rất nhanh.
Việc phát hiện ra Đan Lê rất tình cờ. Trong quá trình đi tìm diễn viên, một lần xem chương trình dự báo thời tiết, anh Thanh nhà tôi thấy Đan Lê và có ý “thử” cô bé này xem sao. Quay cảnh đầu tiên với Đan Lê, anh Thanh gật đầu ngay.
Chị nhận xét thế nào về các cảnh diễn của “vợ chồng” Đan Lê - Xuân Bắc?
Xuân Bắc và Đan Lê là những diễn viên trẻ, thông minh, làm việc nghiêm túc. Họ diễn với nhau rất… ngọt. Lên phim, hai người rất đẹp đôi. Đạo diễn rất hài lòng về hai nhân vật chính này.
Thu Nguyên