Cơ duyên nào đưa chị đến với vai Ló trong “Ma làng”?
Vai diễn này đến với tôi quả thật khá bất ngờ và thú vị. Đó là lần tôi ngồi nói chuyện với quay phim Phạm Quang Minh, anh có nói rằng đạo diễn phim Ma làng đang tìm kiếm một diễn viên cho nhân vật Ló. Nghe anh nói qua về tính cách nhân vật tôi đã hào hứng lắm và mượn kịch bản về đọc thử. Sau rồi thấy thú vị và quyết định “đi xin” vai diễn này.
Bộ phim dài tới 19 tập, địa điểm quay ở nhiều nơi như Hòa Bình, Ninh Bình. Đây là điều không đơn giản cho diễn viên đã có gia đình như chị. Tại sao chị vẫn chấp nhận đóng bộ phim này?
Phải nói rằng Ma làng là bộ phim mà tôi rất thích, mà khi đã thích rồi thì… “chấp tất”. Khi người diễn viên xác định được mục tiêu của mình, được hóa thân vào vai diễn mà mình tâm đắc và được cống hiến cho nhân vật ấy là điều hạnh phúc nhất. Hơn nữa, tôi lựa chọn bộ phim này vì rất ưng ý với kịch bản, với ê kíp làm phim nữa. Cũng không phải là không vất vả nhưng những thành quả có được làm tôi chẳng thấy mệt mỏi gì.
Tuy nhiên, nói không ảnh hưởng đến chuyện chăm sóc gia đình cũng không đúng, nhưng nghề diễn viên là cái nghề tập thể, mà đã làm tập thể thì phải theo cái guồng ấy, không thể vì mình mà ảnh hưởng tới người khác. Tôi phải cố gắng khắc phục, cứ khi nào có cảnh quay thì tôi lại lên, sau đó “đoàn cử người cho tôi đi nhờ xe về”. Nhưng với tôi những điều đó không đáng kể, vì quan trọng là mình tìm thấy được nhân vật mình yêu thích. Không có gì thành công mà không phải trả giá, không phải chịu vất vả.
Từ trước tới nay, rất nhiều bộ phim lấy bối cảnh và đề tài nông thôn làm chủ đạo. Lối mòn này khiến cho độc giả đôi khi nhàm chán. Tuy nhiên, "Ma làng" lại thành công cũng chính nhờ đề tài này. Theo chị, bộ phim chiến thắng ở những điểm gì?
Tôi cho rằng điều quan trọng nhất để đến được với thành công ngày hôm nay của Ma Làng là sự… giỏi đồng bộ.(Cười). Tức là đạo diễn giỏi, ê kíp làm phim giỏi, diễn viên cũng… rất giỏi. Vậy thì chẳng có cớ gì mà phim không thành công được. Giới làm phim chúng tôi hay trêu nhau là sợ nhất đi làm phim mà bị “xa lệch chênh”, tức là có thể đạo diễn thì rất tốt nhưng diễn viên lại không được như thế chẳng hạn. Không phải là tôi tự làm tự khen đoàn làm phim, nhưng tôi thấy thành công của Ma làng là hoàn toàn xứng đáng với những gì chúng tôi cống hiến.
Như thế, chị tự đánh giá mình là diễn viên “giỏi”, và vai Ló ấy chỉ có thể dành cho mình?
Không hẳn là như thế. Nếu một ai đó vào vai diễn ấy, họ có thể diễn bình thường hơn tôi, diễn tốt hơn tôi, và thành công ở mức độ nào đó khác tôi. Nhưng tôi thì thấy rằng khi vào vai trong bộ phim này, tôi đã làm được những gì mình muốn, thể hiện những gì mà nội tâm nhân vật Ló phải thể hiện và điều quan trọng nhất là đạo diễn rất hài lòng. Đó mới là cái thành công.
Không chỉ riêng nhân vật này, tôi sẵn sàng vào vai bất cứ nhân vật phụ nào trong bộ phim mà mình thích, và chỉ cần đóng đạt được vai đó cũng là sự thành công lớn rồi. Cái quan trọng ở người diễn viên là biết đánh giá và chọn lựa vai diễn cho chính mình. Điều này được gọi là sự sáng suốt của người nghệ sĩ đấy.
Kim Oanh (phải) trong một cảnh phim của Ma làng
Sau vai Mây trong “ Sóng ở đáy sông”, chị đánh giá thế nào về mức độ nổi tiếng và sức sống của nhân vật cô Ló trong lòng công chúng?
Mỗi bộ phim qua nhiều giai đoạn đều có mức độ và sức sống của riêng nó. Tôi cho rằng mình thành công vì đã gây ấn tượng rất tốt trong lòng khán giả. Tất nhiên, ở thời điểm này thành công của Ma làng ở trong một mức độ nào đó. Nhưng vài năm sau, có thể là vài chục năm sau, bộ phim sẽ vẫn được nhắc tới như một bức tranh chân thưc về thời đại. Và cô Ló vẫn sẽ là cái tên quen thuộc. Đáng tin tưởng và chờ đợi đấy chứ? Tôi tin vào điều đó.
Vào vai người đàn bà đanh đá chua ngoa sống bằng nghề trộm cắp, chị gặp những khó khăn gì?
Tôi thấy không khó khăn nhiều khi hóa thân vào một nhân vật như vậy. Với nghề diễn viên, đó là điều phải làm được, luôn phải tìm cách để làm được. Tôi vào trường điện ảnh từ năm 1995, tới nay là gần 15 năm rồi. Mười năm năm chỉ để tiếp thu, để quan sát và tư duy “bắt chước”, biến cái của cuộc sống, của mỗi cá nhân thành cái của mình. Tôi thấy óc quan sát của ngưòi diễn viên rất quan trọng, cần không ngừng tưởng tượng và phát huy chính mình. Tôi luôn cố gắng làm điều đó.
Thế còn những kỷ niệm của những ngày tháng “ ăn ngủ cùng ma làng” thì sao?
Đừng hỏi tôi về kỷ niệm. Tôi luôn cảm thấy khó khăn khi nói những điều ấy với báo giới, vì cảm thấy khi đưa đến độc giả thì không biết cách nào truyền đạt những nỗi buồn niềm vui mà chỉ khi anh em nghệ sĩ ngồi với nhau, thấm thía với nhau những cực nhọc, những vui buồn mới hiểu hết được. Đó cũng là quy tắc của riêng tôi. Mà con người tôi cũng thế. Lạ lắm. Chẳng bao giờ tôi muốn nói ra những nỗi buồn của riêng mình. Chỉ có niềm vui là muốn phơi ra trọn vẹn với bạn bè. Nhiều người bạn cứ bảo tôi có lẽ tôi không phải tên là Oanh, mà là Hoa mới phải. Vì tôi lúc nào cũng tươi “như hoa”, lúc nào cũng cười được.
Không còn là người phụ nữ đanh đá chua ngoa và bốp chát, Kim Oanh ngoài đời dường như hơi nhiều nguyên tắc quá. Như thế thì mệt mỏi lắm, chị nghĩ sao?
Tôi đâu có mệt mỏi. Tôi có những nguyên tắc riêng của mình. Nhiều em trẻ trong lớp cứ gọi tôi là “gái già”, nhưng thiếu những nguyên tắc đó là mất vui đấy. Bởi vì nó sẽ lung tung hết cả, như thế chẳng mệt mỏi hơn sao?
Sao cứ diễn mãi những vai đanh đá như thế, chị chưa chán sao?
Chán thì tất nhiên là không, nhưng tôi cũng rất muốn tìm kiếm những vai nào hiền lành dễ thương một chút để chứng tỏ mình. Không phải lúc nào cũng đanh đá, cũng ghê gớm đâu nhé. Là diễn viên, tôi cũng rất sợ bị đóng khung hình ảnh.
Diễn viên phải như con kỳ nhông ấy, không ngừng biến hóa và sáng tạo. Chỉ tiếc là cứ có vai nào đanh đá thì các đạo diễn mới nghĩ đến tôi thôi. Cho nên đối với người diễn viên làm thế nào để bộc lộ mình ở tất cả các thể loại là rất hiếm có. Như một diễn viên mà tôi rất hâm mộ là Củng Lợi, nếu không có đạo diễn Trần Khải Ca giúp cô ấy, có lẽ cô ấy đã không được như ngày hôm nay rồi.
Thế nghĩa là, đối với người diễn viên, làm thế nào để được thử sức với tất cả mọi loại vai diễn là điều không hề dễ dàng. Điều đó còn tùy thuộc rất nhiều vào may mắn. Vâng, cần cả may mắn nữa.
Phải chăng vì chính những điều đó thôi thúc nên chị quyết rẽ sang nghiệp đạo diễn không vậy?
Điều này cũng có lý do của nó. Tôi vừa chuyển sang Đài truyền hình làm ở ban Văn nghệ, nên đi học là hợp lý thôi. Vả lại tôi nghĩ nếu chỉ làm diễn viên là hơi… phí nên muốn thay đổi để phá dần “những bức tường” trong con người mình. Mà tôi cũng thuộc tuýp người thích chạy nhảy, không thích gò bó, không nghĩ ra cái để làm thì mệt lắm.
Làm diễn viên rồi bây giờ lại học đạo diễn, chị gặp những khó khăn gì?
Có nhiều cái cũng cần phải rèn luyện và cố gắng. Tôi là con người nhạy cảm, sôi nổi và khó điều tiết cảm xúc. Mà người đạo diễn thì phải lạnh lùng một chút, phải biết dừng đúng chỗ. Cho nên cái này phải khắc phục dần dần, và tôi cũng có nhiều thời gian để rèn luyện mà.
Theo Ngôi Sao