Lễ hội rước thần cá có từ xa xưa, nhưng đã có một thời gian dài bị mai một. Từ năm 2009, các ban ngành chức năng huyện Cẩm Thủy và tỉnh Thanh Hóa đã phục dựng lại theo nguyện vọng của nhân dân. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày mùng 8 và mùng 9 tháng giêng, nhưng việc chuẩn bị cho lễ hội phải làm trước đó cả tháng. Ngoài việc tập luyện các trò chơi, trò diễn dân gian, thì gần đến ngày tổ chức lễ hội, các gia đình trong làng tự nguyện mang các sản vật đến đóng góp để làm các mâm lễ dâng lên thần.
Từ đó đến nay, hàng năm cứ vào dịp đầu xuân, nhân dân trong vùng thành kính tổ chức lễ hội nhằm bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Mường. Qua lễ hội này, nhân dân làng Ngọc bày tỏ lòng thành kính đối với các vị thần linh, cầu mong các vị thần linh phù hộ độ trì cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tươi tốt, dân bản ấm no hạnh phúc.
Lễ hội thường được chia làm hai phần: Phần lễ và phần hội, mở đầu là lễ bắt cá tế thần rồi đến lễ rước thần cá từ suối Ngọc nằm dưới chân núi Trường Sinh về sân vận động của bản để làm lễ khai mạc, báo công với thành hoàng về một năm lao động sản xuất của đồng bào địa phương và những ước nguyện trong năm mới.
Trong đoàn rước kiệu, đi đầu là phường bùa, sau đó đến kiệu long đình và đội ngũ các cụ cao niên trong làng. Lễ vật tế thần của làng Ngọc gồm 10 mâm cỗ, trong đó có 3 mâm hoa quả, còn lại 7 mâm cỗ mặn bao gồm: Xôi đỏ, xôi trắng, xôi tím, thịt gà, thịt lợn, thịt trâu. Ngoài cỗ của làng, các gia đình cũng sắm cỗ riêng để thể hiện lòng thành kính đối với các vị thần linh.
Trong lễ hội rước cá thần, ngoài phần Lễ trang nghiêm thành kính là phần Hội sôi nổi với những trò chơi dân gian như: Ném còn, chọi gà, bóng chuyền, kéo co, bắn nỏ, đi cà kheo, dệt vải...Trong lễ hội Khai hạ này không thể thiếu được phần diễn tấu của phường bùa. Tiếng cồng chiêng âm vang trong lễ hội Khai hạ đầu năm như thúc giục tinh thần hăng say lao động sản xuất, xây dựng bản làng giàu đẹp của người dân làng Ngọc.
Hồ Điệp - Duy Tuyên