Khu danh thắng Tây Thiên thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 65 km về phía Tây Bắc. Với diện tích khoảng 148ha, quần thể di tích Tây Thiên nằm trong một vùng đa dạng sinh học với gần 500 loài thực vật và 300 loài động vật. Tây Thiên cũng là nơi hiếm hoi ở khu vực phía Bắc nơi du khách có thể trải nghiệm cả 4 mùa trong một ngày. Đặc biệt, những nét riêng của Tây Thiên như Thác Bạc đổ nước trắng xóa, đầm Sen ngát hương hoa nở bốn mùa, ao Dứa, núi Rùng Rình, khe Giải Oan với nhiều hòn đá hình dáng kỳ lạ… luôn đủ sức hút níu chân bất kì du khách nào.
Cùng với tín ngưỡng thờ Phật, Tây Thiên còn là chốn để du khách “về với Mẫu”. Tương truyền rằng vua Hùng Vương thứ 7 khi tới Tây Thiên thỉnh Phật đã gặp gỡ và kết duyên cùng thiếu nữ Lăng Thị Tiêu. Từ đó, Hùng Vương cùng hoàng phi đã dần mở mang bờ cõi, dạy dân trồng lúa, xây dựng đất nước thái bình thịnh trị. Với công lao đó, Hoàng phi được sắc phong là Quốc Mẫu Tây Thiên và thờ tự chính tại đền Thượng trên đỉnh núi Thạch Bàn. Bà chính là hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn (một trong Thánh Mẫu Tứ Phủ chuyên trách cai quản, sáng tạo vũ trụ). Hàng năm, cứ vào ngày 15/2 Âm lịch, hàng ngàn du khách không ngại vượt đường xa, vượt núi trèo đèo lên đền để mong được hưởng sự may mắn, chở che của Quốc Mẫu.
15/2 âm lịch mới khai hội Tây Thiên nhưng ngay từ giờ, để đáp ứng nhu cầu của du khách thập phương, nhiều dịch vụ đã được mở ra như hệ thống cáp treo sẽ chính thức đi vào hoạt động từ trung tuần tháng 2 năm 2012. Ngoài ra còn có các dịch vụ vận chuyển đồ; dịch vụ lưu trú thiết kế theo phong cách địa phương và phong cách tôn giáo nằm giữa thiên nhiên; dịch vụ chụp ảnh lưu động trên cáp treo từ độ cao 200m; quà tặng lưu niệm từ vật liệu địa phương... Người dân bản địa cũng chuẩn bị sẵn những đặc sản ẩm thực phục vụ du khách như: Rau diếp cá trên đền Thượng, món măng vầu đắng, món gà ri thơm ngon chắc thịt dọc đường từ đền Thỏng lên đền Thượng,…
Lễ hội Tây Thiên được tổ chức nhằm tưởng nhớ bà Quốc Mẫu Tây Thiên, kéo dài trong 3 ngày 15, 16 và 17/2 âm lịch. Phần tế lễ sẽ có rước kiệu, múa xênh tiền, hoạt cảnh chèo mô tả lại truyền thuyết về Quốc Mẫu Tây Thiên đánh đuổi giặc ngoại xâm thống nhất giang sơn; lễ dâng hương... Ngoài ra còn có những hoạt động vui hội như thi làm bánh chưng, bánh giầy, hội vật, hát chèo, hát văn…; các trò chơi dân gian: thi hát dân ca của người dân tộc thiểu số Sán Dìu, thi nấu cơm, thi Hú Đáo, làm bánh chưng, bánh dày và nhiều trò chơi kéo co, chọi gà, đu tiên, cờ người, vật cổ truyền.
Minh Anh