Nhạc sĩ Đức Trí: Đã cưới là không có bỏ!

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức về Ý tưởng và Sáng tạo trong lĩnh vực Giải trí

Nhạc sĩ Đức Trí: Đã cưới là không có bỏ!

Gửi bàigửi bởi Theme Hunter » 16 Tháng 7 2010, 13:08

Đức Trí được rất nhiều cô gái đôi mươi quả quyết: Anh ấy thực sự là hay và đẹp trai toàn phần. Câu chuyện về người đàn ông tuổi Quý Sửu tuy không cao nhưng "đẹp trai toàn phần", là chuyện anh chàng đi từ Trí "mén" đến Trí "hit" và từ Trí "hit" đến đích cuối cùng: Trí Producer.

Học đàn bầu từ nhỏ, rời bỏ nó cùng các nhạc cụ dân tộc khác năm 13 tuổi vì một cơn "phẫn chí", 16 tuổi anh tập tành làm nhạc trong phòng thu, từ đấy nghiên cứu, học hỏi không ngừng trong nghề nghiệp: tự học keyboard, nghe hết mọi thể loại nhạc, viết ca khúc mày mò hòa âm.

Tốt nghiệp nhạc viện khoa lý luận phê bình nhưng cương quyết không viết một bài nào dính đến phê bình, chỉ đi về nghiên cứu lý luận vì "làm phê bình phải có lập trường và chính kiến, mà điều ấy các nhà sáng tác ở mình không ưa, đã không ưa thì họ không để mình sống vui vẻ thoải mái".

Năm 1992, cùng ban nhạc Đen Trắng đoạt giải nhất liên hoan pop-rock Sài Gòn. 1993 đoạt giải nhì về keyboard tại liên hoan nhạc nhẹ toàn quốc. 1996 ca khúc đầu tiên anh đưa ra công chúng Ta chẳng còn ai qua giọng hát Phương Thanh lập tức trở thành bài "hít" được ưa thích suốt cả năm, mở đầu cho một loạt các "hit" tiếp theo, đến mức có người ngồi tỉ mẩn thống kê: hơn 2/3 ca khúc của Đức Trí là bài "hit"! Trí "mén" thành Trí "hit" bắt đầu từ đây.

Tên tuổi, công việc làm ăn đang hồi vừa đặt lên bệ phóng anh đột ngột "rút" đi Mỹ học ngành Biên soạn và sản xuất âm nhạc đương đại trong 4 năm. Anh chuyên tâm vào học, không thấy có một hoạt động âm nhạc nào, ngoại trừ cuộc chia tay với ca sĩ Thanh Thảo quá sức tốn kém giấy mực của giới báo chí.

Ôm tấm bằng Professonal Diploma về nước, anh bắt tay vào hoạt động âm nhạc trở lại với tâm thế: "Trong tôi có sự thay đổi hoàn toàn về tư duy hòa âm phối khí"...

Tôi sống theo "chủ nghĩa số trời"

Đức Trí đến với cuộc hẹn của chúng tôi bằng xe ôm. Xe ôm và taxi, đó là hai phương tiện di chuyển hằng ngày của anh. Hỏi sao không tự chạy xe, anh bảo: "Chạy xe máy thì với cái đầu lúc nào cũng bơ bơ thế này, mình không tông người ta thì người ta cũng tông mình. Mua xe hơi và mướn tài xế thì tiền chưa có".

Anh làm gì mà để tôi gặp ai đang làm việc với anh cũng nghe họ than thở: chạy theo Đức Trí như chạy theo chụp bóng mình, anh ấy luôn trễ và luôn giải quyết cái hẹn này bằng một... cái hẹn kế tiếp?

Trời ơi, tôi cũng khổ lắm. Tôi bị họ dí chạy thấy thương, bạn xem này, trong di động tôi toàn tin nhắn đòi nợ thôi. ("Anh ơi, nói ra thì em sợ anh giận, mà không nói ra thì kẹt cho em, bản thu đó đến thứ sáu này phải xong để em cầm đi Mỹ rồi...", đấy là tin nhắn của Đức Tuấn).

Sức làm việc của tôi chỉ từ 6-7 tiếng một ngày, "vắt" nữa thì không đảm bảo chất lượng như mình yêu cầu, mà công việc nhận vào mình lại luôn quá tải, do phải giữ quan hệ, do nể nang, do bị "hăm dọa tình cảm". Thế cho nên họ cứ rượt tôi, còn tôi thì vừa chạy vòng vòng vừa... khất.

"Hoàn cảnh" nhỉ! Chứ không phải là Trí lười như người ta kể tội sao?

Trước đây, khi mới vào nghề, tôi từng làm việc trên 12 tiếng một ngày, bước ra khỏi phòng thu là lảo đảo, nằm vật ra. Hôm sau lại lao vào làm việc y như thế. Kéo dài một thời gian, sức khỏe xuống dốc, nhìn lại những bản hòa âm, tôi sực tỉnh, phải điều chỉnh lại thôi. Tôi làm công việc sáng tạo mà cày như nông dân thế này, thì chẳng mấy chốc cạn nguồn. Thế nên, bây giờ dù cho ai có phiền trách, thì tôi vẫn cứ phải giữ nếp sống của tôi thôi. Phải thông cảm cho tôi chứ, bên cạnh "vắt" tôi còn phải "nuôi nguồn sáng tạo" tôi nữa chứ.

Thần tượng của anh, nhà sản xuất âm nhạc David Foster, ông ta làm việc như thế nào?

Tuyệt vời. Ông ta là người đã tạo nên Celine Dion, Mariah Carey và bản nhạc rock Chicago... Còn giờ giấc, chắc là không phải chỉ 6-7 tiếng như tôi, bởi vậy đó mới là David Foster!

Đã chuyên gia làm trễ, lại còn lấy giá rất mắc nữa, gấp ba, bốn lần giá của các nhạc sĩ hòa âm khác. Còn ca khúc của Đức Trí, thì ca sĩ phải cắn răng mà mua. Lý do gì khiến anh "làm vua một cõi" vậy?

Bạn nói đúng rồi, giá mắc đấy. Ngày xưa tôi lấy giá rẻ và làm nhiều, giờ tôi lấy giá mắc và làm ít. Tôi lấy giá đắt để thỏa mãn được cả hai điều: đủ tiền để sống và bảo đảm chất lượng. Tôi không kén đầu vào, chỉ sàng lọc khe khắt đầu ra, không sản xuất đại trà nữa.

Lấy giá đắt như vậy, công việc lại làm quanh năm suốt tháng không xuể, thế nghĩa là anh giàu hoặc sắp sửa giàu?

Cách đây hai hôm má tôi hỏi: "Trí, con làm nhiều như vậy tiền để đâu cho hết?". Trời, má tôi còn hỏi như vậy trách gì thiên hạ không... ngưỡng mộ tôi. Tôi trả lời: "Con mà có tiền thì đã mua xe và mua nhà chớ đâu có đi xe ôm, ở nhà thuê như vầy".

Dạo mới vào nghề, anh có nói "Âm nhạc là một nghề nghiêm túc, thậm chí kiếm được tiền". Giờ đã thành công về danh tiếng như vậy mà vẫn đi xe ôm ở nhà thuê, anh có muốn điều chỉnh chút gì trong lời phát biểu ấy không?

Tôi rất hạnh phúc với công việc của mình nhưng phải nói thật một điều: Đây quả thực là một nghề nhưng nghề này không thể giàu.

Chuẩn giàu của anh là như thế nào?

Giàu tức là dư. Mình không dư nhưng cũng không nghèo, vì có thể sống thoải mái, đầy đủ. Đấy là thu nhập của tôi đến từ nhiều nguồn: hòa âm, tác quyền ca khúc, ăn chia với ca sĩ tiền bán đĩa (15%), tiền làm chương trình. Chứ nếu chỉ làm nhạc sĩ sáng tác không thì chắc là... nguy kịch.

Đấy có phải là lý do khiến anh chọn làm producer và nhất mực chối "sáng tác chỉ là công việc tay trái, không phải chuyên môn của tôi"?

Ồ không đâu. Không ai chọn được nghề hết, nghề chọn mình chứ. Trong các vai trò đã thử qua, thì tôi làm tốt nhất công việc producer, tôi thích hợp nhất với nó và tôi hứng thú nhất với nó. Đó không phải nghề chọn mình là gì? Còn sáng tác, tôi không thể tiến hành thường xuyên, đều đặn, không đưa vào danh mục "đơn đặt hàng" như các nhạc sĩ khác được. Tôi không thể "chuyên môn hóa" nó được, chỉ có thể viết khi có ý tưởng, cảm xúc và cảm hứng, mà hai cái này thì khi đến khi không.

À, chuyện sáng tác. Phương Thanh, khi được hỏi có quay lại hát nhạc Đức Trí không khi ca khúc của anh hết bị Hà "chiếm" trọn, bảo "Tôi chỉ hát nhạc Trí khi Trí buồn, vì khi đó anh sáng tác hay nhất". Vụ chia tay của anh với Hà có giúp anh "thu hoạch" được nhạc phẩm nào không?

Gần đây có viết rất nhiều.

Nhiều là bao nhiêu?

3 bài trong 3 tháng. Với tôi như vậy là nhiều lắm, trước đây mỗi năm chỉ viết được vài bài (anh phân bua khi thấy tôi nhìn anh cười... nghi hoặc). Phương Thanh sẽ chọn một bài, Sẽ không trở lại.

Sẽ không trở lại, nghe như một lời... đe dọa ấy. Không trở lại với ai đó, với điều gì, nhưng anh sẽ vẫn trở lại với tình yêu chứ?

Chắc phải vậy thôi. Bi kịch lớn nhất của tôi là 34 tuổi mà tôi chưa có vợ. Bi kịch này còn lớn hơn nữa với má tôi, bà rên rẩm hối thúc hoài. Cũng buồn, giờ lại phải xây dựng tình cảm lại từ đầu. Vài lần đổ vỡ, giờ tôi sống theo "chủ nghĩa số trời".

Anh có thiếu điều kiện gì để lấy vợ nữa đâu nhỉ?

Hình mẫu người vợ tôi mong muốn không phải là ai trong những người tôi yêu hết. Khuôn mẫu tôi muốn một đằng, mà do môi trường công việc, người tôi yêu lại một nẻo. Trong khi đó, với tôi đã cưới là không có bỏ. Tôi rất sợ để khổ cho con cái.

Anh cần một tình yêu tinh thần trong một thể xác quyến rũ và một tâm tính ngoan hiền, để có thể trở thành vợ anh chứ gì?

Trên đời có chuyện như vậy sao? Có thật là có người ấy không?

Hỏa tiễn ra đi, bệ phóng ở lại

Anh bảo công việc chính của anh là producer, nên anh theo tất cả các dòng nhạc trừ... techno. Có sự "kỳ thị" gì ở đây vậy?

Với tôi, techno và nhạc dance nói chung không phải là âm nhạc để thưởng thức mà là công cụ để phục vụ cho việc nhảy, nó không phải là sáng tác và vì thế không cần nhạc sĩ để làm. Nhưng như vậy không có nghĩa là tôi không làm những bài phối trên nền techno.

Có ý kiến cho rằng, sở dĩ ở ta, những cuộc chia tay của mối tình ông bầu - ca sĩ, trong đó có cuộc chia tay của anh với Hồ Ngọc Hà, thường đến sớm hơn dự kiến nhiều là vì trò tiếp thu nhanh quá mà thầy thì hết vốn sớm quá (vì ít vốn quá). Là người trong nghề, anh thấy thế nào?

Đó là một cái nhìn phiến diện. Chỉ là luật đào thải. Ca sĩ ký một hợp đồng với nhà sản xuất, họ có thể ký một giai đoạn hay là suốt đời. Và khi có những cuộc "thay ngựa giữa dòng", thì không phải vì người kia dở mà người ta muốn thay đổi đường hướng, họ sẽ tìm đến một người có thế mạnh họ cần. Riêng quan hệ thầy - trò, vẫn thường có tâm lý trò nghĩ mình đã được học nhiều rồi, đã đi một mình vững rồi và thầy đã hết cái dạy họ rồi, mà không biết, những gì họ chưa biết ở thầy là vô cùng. Trò có nhìn nhận ra được điều ấy hay không là may mắn của riêng người đó.

Còn tôi quan niệm, mọi thứ rồi sẽ qua đi, nhưng thành quả thì giữ lại. Đã từng gắn bó nhưng vì lý do gì đó mà họ ra đi, thì mình chấp nhận vậy và trân trọng, giữ lại giá trị một thời, không hối tiếc.

Producer như bệ phóng còn nghệ sĩ là hỏa tiễn. Khi anh đã đặt trái hỏa tiễn vào bệ và phóng đi, thì anh cũng phải chấp nhận việc nó sẽ... phóng đi luôn và không quay trở lại. Đó có phải là "thân phận" tất yếu của những người làm công việc như anh?

Ở một chừng mực nào đó thì hình ảnh này đúng. Một cái là bệ phóng, một cái là hỏa tiễn, bệ phóng luôn nằm lại đó, hỏa tiễn thì bay đi. Nhưng hỏa tiễn này bay đi thì rồi hỏa tiễn khác lại đến, có gì đâu mà thở than.

Thường trong những "ca" khác, khi chuyện tình cảm đổ vỡ thì một loạt những mối quan hệ hợp tác cũng xô nhau đổ theo. Anh và Hà không vậy. Bằng cách nào anh vượt qua được tâm lý "đã đổ thì xô cho đổ tất" này?

Đó là cố gắng của cả hai. Và mọi hành động đều phải xuất phát từ cái tâm "cái gì giữ được thì cố mà giữ".

Tôi xây dựng Anh Khoa trên cái nền sẵn có

Người kế nhiệm Hà trong âm nhạc là Phạm Anh Khoa. Thế chiến lược của anh với Khoa rock là gì?

Có ông tướng nào trước khi ra trận lại cho đăng báo chiến lược quân sự của mình không nhỉ? Với Anh Khoa, tôi chỉ có thể nói được về cách khai thác. Khoa là một ca sĩ hát rock, chỉ có thể khai thác rock cho anh ta thôi. Điều khó khăn nhất là làm sao để Khoa không mất lòng rock fan thứ thiệt nhưng vẫn được những khán giả khác chấp nhận. Đấy là việc rất khó, trên thế giới chỉ có U2 làm được. Từ một rock-band, họ đã làm được điều phi thường: viện hàn lâm nghệ thuật chấp nhận, khán giả chấp nhận, rock fan chấp nhận. Tiền lệ đó cho tôi một hy vọng.

Đặc điểm nào ở Khoa khiến anh hy vọng?

Khoa là học trò cưng của nhạc sĩ Tuấn Khanh. Đó là một giọng hát tràn đầy lửa và sáng sân khấu. Khi anh ta bước lên sân khấu, thì khán đài nóng lên hết, bừng lên hết. No style No star (không có phong cách, không có ngôi sao). Anh Khoa có style. Khán giả của Khoa có phổ rộng hơn nhiều ca sĩ mới khác. Giải thưởng nào cũng có yếu tố chuyên môn tốt, nhưng có chinh phục được công chúng hay không mới là vấn đề. Vấn đề đó thuộc về nhiệm vụ của nhà sản xuất và ca sĩ.

Ngoài ra, anh có gặp khó khăn nào với anh chàng "tràn đầy lửa" này không?

Hơn ai hết, tôi biết rõ không ai "gò" được Khoa đâu. Đó là một người rất bản năng, sẽ khó làm việc nếu ai đó muốn gò Khoa vào nếp, ép vào kỷ luật. Tôi chỉ có thể xây dựng anh trên một cái nền có sẵn chứ không thể tạo dựng từ đầu.

Anh chuyên về những bản ballad sâu lắng với sự phong phú về tiết tấu, âm sắc và gọn ghẽ về khúc thức, ca từ tình cảm, da diết, dễ đánh vào vùng trũng cảm xúc của người nghe. Với đặc điểm âm nhạc ấy, thì anh sẽ phát huy vai trò nhạc sĩ như thế nào cho Anh Khoa rock?

Công việc chính của Đức Trí không phải là sáng tác, mà là sản xuất chương trình. Tôi xây dựng đường hướng, chọn bài hát, chọn người phối phù hợp nhất cho anh ta chứ không có nghĩa bài nào Đức Trí cũng viết hết, phối hết. Hồ Ngọc Hà thành công vì định hướng tôi chọn đúng chứ không phải vì hát bài của Đức Trí, mọi người cứ hay nhầm lẫn điều này.

Bộ phận xuất bản của Music Faces có nguồn cung cấp ca khúc cho Khoa. Hiện tôi đã mời Võ Thiện Thanh, Tuấn Khanh, Dũng Đà Lạt (một rock sống ở Lâm Đồng, chuyên về rock) giúp sức cho Anh Khoa và album P.A.K.1. Tôi rất tin vào chất lượng và hiệu quả của album này.

Anh Khoa không "kích" được anh thử chuyển đổi phong cách âm nhạc để viết bài cho cậu ấy sao?

Thú thật là tôi đã có viết thử, nhưng lời hát kiểu của tôi không hợp với Khoa. Tôi đã mang đi nhờ người sửa nhưng rồi cũng không được, biết ngay là phải mời anh Tuấn Khanh nhập cuộc thôi. Khi đã làm nghề này phải tỉnh táo, để không chỉ nhìn rõ ưu khuyết của ca sĩ mà của cả chính mình nữa.

Cuối buổi trò chuyện, Đức Trí lôi từ trong túi ra khoe niềm say mê mới của anh: chiếc máy ảnh mới tinh khôi, thân máy đẹp mỹ miều. Tạm thời, niềm say mê ấy là một sự bù khuyết cho sự vắng bóng của Hồ Ngọc Hà trong đời sống tình cảm của anh chăng?

Video Các bài hát của Nhạc sĩ được tìm bởi - Baamboo.com

Theo Hải Miên
Thanh Niên Tuần San

Sưu tầm từ dantri
Hình đại diện của thành viên
Theme Hunter
 
Bài viết: 120
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2007, 23:45


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST về Giải trí, Thể thao

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến105 khách


cron