Sinh ra trong một gia đình hoạt động nghệ thuật nhưng dường như cô ca sĩ có giọng hát trong trẻo này không cần "núp bóng" mà chọn lối đi riêng độc lập, sáng tạo. 8 năm học ở Nhạc viện HN, 5 năm theo nghiệp diễn, "Họa mi" giờ đây đã trưởng thành với giọng hát ngày càng đầy đặn và quyến rũ hơn.
Trong đêm nhạc Phạm Duy vừa qua tại TPHCM, Khánh Linh đã trở thành một phát hiện mới của Phương
Lợi thế hơn nhiều đồng nghiệp - sinh ra và lớn lên trong môi trường nghệ thuật của gia đình lại có anh trai là nhạc sĩ nổi tiếng từng nâng đỡ khá nhiều ca sĩ trẻ. Vậy nhưng, Khánh Linh vẫn chọn con đường gian nan như nhiều ca sĩ Hà Nội: Khổ luyện, tìm đến các cuộc thi để khẳng định mình. Khánh Linh thấy được và mất gì trong sự lựa chọn này?
16 tuổi, tôi bước vào nghề ca hát, mẹ tôi bảo rằng phải thực sự say mê mới theo được nghề. Còn bố khuyên tôi phải khổ luyện, đeo đuổi nghề đến nơi đến chốn, chứ không phải chỉ làm việc giải trí đơn thuần. Anh trai - nhạc sĩ Ngọc Châu, thì bảo, sáng tạo là điều cốt yếu.
Gia đình luôn là cái gương để tôi tự soi vào sau mỗi lần hát, để tôi xem mình đã hát như thế nào, và phải điều chỉnh ra sao. Tôi nghĩ rằng, sẽ không bao giờ tự lập được cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trong nghệ thuật nếu không khổ công theo học ở trường, tôi được nhiều thứ.
Các cuộc thi chỉ là nơi khám phá khả năng của mình, tôi không lấy danh hiệu ra để dán vào sự nghiệp ca hát. Năm năm hát trước công chúng, dành được nhiều thiện cảm từ khán thính giả nhưng nghiêm túc mà nói, tôi vẫn xem đó là quãng đường thử nghiệm chính mình.
Những khám phá đã đưa tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Có những cái tôi không theo đuổi nữa như Nhật thực của Ngọc Đại. Nhưng cũng có những khám phá làm tôi thú vị như nhạc Phạm Duy.
Thế hệ Linh, thể loại nhạc pop đã bắt đầu bão hòa. Còn nhạc thính phòng thì ca sĩ trẻ ít chọn, dòng dân gian đương đại đang thịnh hành. Tại sao Linh lại chọn semi classic-bán cổ điển?
Tôi có một giọng soprano nữ tính bay và nhẹ, nên không kén ca khúc và dòng nhạc. Học hát cổ điển 8 năm ở Nhạc viện Quốc gia Hà Nội, tôi cảm thấy vững vàng hơn rất nhiều để hát những thể loại khác, nhưng tôi không muốn mình "cổ điển" hoàn toàn mà muốn hát nhạc nhẹ bằng kỹ thuật cổ điển, điều này rất khó vì còn phụ thuộc vào yếu tố như ca khúc, phối khí...
Dù có một thời gian gián đoạn vì lập gia đình Khánh Linh cũng đã làm được nhiều việc: ra 3 album, một liveshow khá dày dặn và đẳng cấp tại Nhà hát lớn Hà Nội. Trong một phần không nhỏ các sản phẩm đó, Linh đã hát về một gia đình yên ấm. Tiếng hát Khánh Linh là tiếng hát của hạnh phúc?
Ai chẳng ước rằng mình làm, phấn đấu tất cả cũng vì hạnh phúc, tô điểm cho hạnh phúc và mang lại cho người khác cảm giác hạnh phúc. Bài hát đầu tiên tôi hát trước công chúng cũng là một giấc mơ trong trẻo về hạnh phúc gia đình.
Những ca khúc sau này góp phần làm nên tên tuổi Khánh Linh, cũng có bóng dáng những tình cảm yêu thương gia đình trong đó. Anh Châu, chú Dương Thụ hay một số các nhạc sĩ khác viết về tình cảm gia đình.
Cũng có thể, giọng của tôi có chút gì đó ngọt ngào, nên sẽ hát được, nói lên được những cảm xúc như vậy chăng?
Hà Nội có nhiều giọng hát rất đẹp, thực tài nhưng trong thời khắc nào đó vừa tỏa sáng lại chìm dần giữa thị trường âm nhạc. Khánh Linh có nhận xét gì về vấn đề này, cũng như thường xuyên phải làm mới mình như thế nào để vẫn mãi là một "hoạ mi" luôn... không cũ?
Cái này rất khó nói, đó là duyên của mỗi người về nghề. Đồng thời cũng có thể họ không có những ca khúc để lại ấn tượng.
Nhưng tôi nghĩ mọi thứ bề ngoài sẽ qua đi rất nhanh nếu ta không đối xử với chính ta như một khách quý để luôn kỹ tính hơn trong công việc, nhiệt huyết và kiên trì với công việc mà mình theo đuổi.
Có lần Linh nói: Hãy nghe tôi hát, đừng bận tâm đến việc tôi mặc gì. Điều đó có thể không sai. Tuy nhiên, một ca sĩ nữ, cũng nên có quan điểm về thời trang cho riêng mình chứ?
Tôi không thuộc tuýp phụ nữ thường xuyên son phấn, nếu không muốn nói là chỉ khi lên sân khấu và một vài trường hợp thật đặc biệt. Tính tôi mộc mạc nên sự mộc mạc về hình thức cũng là sự lựa chọn của tôi.
Trong đêm nhạc Phạm Duy - Con đường tình ta đi vừa qua tại Nhà hát Hoà Bình, nghe Linh hát "Em lễ chùa này" và "Cành hoa trắng", nhiều khán giả đã tán thưởng. Linh có nghĩ đến khả năng "tấn công" thị trường âm nhạc phương
Sau chương trình này tôi cảm thấy rất vui vì lần đầu tiên cộng tác với Phương Nam Film và đã để lại thiện cảm trong lòng công chúng miền
Nhạc Phạm Duy có một mảng trong trẻo, dễ thương, thánh thiện mà lại đang thiếu những giọng ca phù hợp. Khánh Linh có thử sức mình không, trong những CD riêng chẳng hạn?
Tôi cũng có nghĩ đến điều đó. Sắp tới tôi làm DVD "Khánh Linh hát", khái quát một chặng đường hoạt động âm nhạc 5 năm. Sau album này, tôi muốn bắt tay vào những dự án mới của mình. Và có thể, album nhạc Phạm Duy nằm trong những dự án đó.
Nhiều việc để làm như vậy, thì sự chăm sóc con trai có bị ảnh hưởng gì không?
Tôi phải cậy nhờ đến ông bà ngoại trông giùm thôi. Tôi yêu con trai mình hơn tất cả mọi thứ. Bé thuộc gần hết những bài mẹ hát. Ngoài những lúc bận rộn, tôi tự tay chăm sóc con, thấy rất thú vị với những khả năng mới của con.
Tôi muốn mình như một chiếc camera quay lại những thước phim cuộc đời mình. Trong đó có một tình yêu dành cho gia đình và sự nghiệp.
Nhưng công bằng mà nói, con 2 tuổi, bắt đầu tập cho con cuộc sống xa mẹ trong chừng mực nào đó chứ yêu thương con không nhất thiết là ôm khư khư nó. Điều này không phải là tôi bao biện cho mình đâu. Thời chiến tranh, cha mẹ tôi phải gửi con để vào chiến trường mà anh em tôi vẫn trưởng thành đó thôi.
Cái chính là xa nhưng không để con thiếu thốn tình cảm và dạy cho con biết tự lập từ nhỏ hơn là nuông chiều nó quá mà quên luôn cả bản thân, thành một cái bóng của con mình. Tôi muốn làm nhiều thứ hơn cho con, ít nhất là một tấm gương lao động miệt mài để con soi vào. Và quan trọng, làm sao để con tự hào về mẹ nó.
Theo Phụ Nữ