Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Họa sỹ Đỗ Phấn: “Làm nghệ thuật khổ quá, gian nan quá!”

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 13:46
gửi bởi Zelda
(Dân trí) - Con nhà "gia thế", được đào tạo bài bản ở "lò" mỹ thuật Yết Kiêu, từng là giảng viên của khoa Kiến trúc trường Đại học Xây dựng, rồi bỏ ngang để làm người tự do… Đỗ Phấn được bạn bè nhắc đến như một người đầy cá tính, một hoạ sĩ nhiều đam mê...

Không chỉ có vậy, nhắc đến Đỗ Phấn nhiều người còn biết đến anh với tư cách là một người viết văn, viết báo rất thiện nghệ.

Tháng giêng, gặp anh đang rong ruổi tận sông Thao, chúng tôi đã chúc năm mới anh bằng một cuộc chuyện trò ngắn.

 

Ý thức đầy đau đớn về bản sắc trong sáng tạo

 

Ngày đầu năm mới đã gặp anh ở xa Hà Nội thế này, có vẻ điều mọi người nói về anh rất đúng: Ham chơi?

 

(Cười). Chuyện đi, chuyện chơi của tôi thì... Rừng này, đảo nọ, bản kia, trong nước, ngoài nước... bỏ tiền mà đi thôi, thích lắm.

 

Hình như anh có lý do riêng để "chơi"...

 

Bệnh ham chơi của tôi là bệnh nghề nghiệp đấy. Làm hội hoạ phải quan sát nhiều, phải có nhiều kiến thức về hình ảnh, tôi luôn thèm khát được nhìn thấy  những hình ảnh mới lạ, thế là vác tiền đi chơi, lọ mọ khắp nơi "từ đồng bằng cho tới biển xa". Chơi là một kênh cho ta nhiều kiến thức xã hội quan trọng lắm bạn ạ. Có những điều cũng không thật cần để làm gì, nhưng có nó vẫn hơn không có gì.

 

Thế ấn tượng của những chuyến đi ra nước ngoài của anh là gì vậy?

 

Là ý thức đầy đau đớn về bản sắc riêng trong sáng tạo. Là nỗi thèm khát đến tuyệt vọng bản sắc cá nhân, bản sắc dân tộc trong mình. Sau nhiều chuyến đi như thế, tôi nhớ tới những hoạ sĩ như Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng... Những người đã có ý thức rất mạnh mẽ về việc hình thành một nền mỹ thuật nói được câu chuyện của người Việt với thế giới. Ông Nguyễn Sáng đã suốt đời gắn bó với đề tài kháng chiến, còn ông Dương Bích Liên thì một đời chỉ vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh... Tôi ngẫm nghĩ về một thế hệ tài năng của hội hoạ Việt Nam đã không được đi ra thế giới một lần nào trong suốt cuộc đời, phải vẽ tranh chợ để kiếm sống, tài năng không được dùng vào việc gì...

 

 

 

Nếu còn trẻ, tôi sẽ đi buôn

 

Anh có thể nói đôi câu về hội hoạ thế giới và hội hoạ Việt Nam theo cách nhìn của anh không?

 

Hội hoạ thế giới nửa thế kỷ qua không có phát hiện nào đáng kể, Installation, Performance, Land Art, Body Art... là những phát hiện với tham vọng phổ cập, đưa hội hoạ tới gần công chúng hơn, nhưng thực tế nó chỉ tới được với lượng người xem không đáng kể, vài trăm người là cùng. Còn hội hoạ Việt Nam thì... có lẽ rất lâu nữa mới hoà nhập được vào mặt bằng của hội hoạ thế giới. Giá các bức tranh của các hoạ sĩ Việt Nam ở các galery ngoại quốc là giá của hàng souvenir, của quà tặng, chưa phải giá của tác phẩm. Chúng ta chỉ mới có sản phẩm của hội hoạ chứ chưa có tác phẩm hội họa.

 

Với cách nhìn ấy, anh tự thấy bản thân mình thế nào?

 

Vô cùng thất vọng. Tôi đã cố gắng hết sức, tốn bao thời gian công sức hy vọng có thể đưa các "sản phẩm" của mình tới gần hơn với "tác phẩm", nhưng chẳng ăn thua gì.

 

Nhưng nhìn bề ngoài, anh có vẻ rất ung dung tự tại...?

 

Tôi là người hạnh phúc vì được làm cái việc mình thích. Tôi dám vứt đi những thứ "tài sản" mình được hưởng và sống bằng chính sức lực của mình. Tôi không loay hoay xác định mình là ai, tôi chỉ xác định mình muốn làm cái gì.  Tôi nghĩ đó là căn nguyên của cái vẻ ngoài mà bạn vừa nói nếu có!

 

Vậy nếu bây giờ anh mới 20 tuổi, anh sẽ làm gì?

 

Tôi sẽ đi buôn. Làm nghệ thuật khổ quá, gian nan quá. Thể hiện được bản sắc của mình đã khó, lại còn phải gắn với một cái gì đó trong cội nguồn, quá khó!

 

 

 

Để làm được một thứ thôi cũng phải mất cả đời

 

Anh hãy chia sẻ với lớp trẻ hôm nay một điều gì đi!

 

Nghệ thuật cần tri thức, nhưng nghệ thuật cũng cần sự từng trải, cần tích luỹ, và nghiền ngẫm, đừng nôn nóng, kẻo gây ra hệ luỵ về sau lại mất thời gian chấn chỉnh. Tuổi trẻ muốn làm và nghĩ là sẽ làm được nhiều thứ, ai vào thời tuổi trẻ cũng đều vậy, nhưng phải sống lâu mới biết đôi khi để làm được một thứ thôi cũng phải mất cả cuộc đời rồi.

 

Một điều gì đó độc đáo hơn nữa, được không anh?

 

(Cười). Được! Đây là điều tôi tâm đắc: nghệ thuật chỉ nên bắt đầu từ chính mình, không nên bắt đầu từ đâu cả. Hãy là chính mình một cách thật hay, thật xác đáng, để có cái mà bắt đầu! Đơn giản thế thôi.

 

Xin cám ơn anh!

 

Nga Li thực hiện

Sưu tầm từ dantri