“Sóng nước Ngọc Tuyền” vỗ “Trên đỉnh Trường Sơn”
Sự ra đi của ông là một đại tang của làng âm nhạc Việt Nam trước kỉ niệm 50 năm ngày thành lập của Hội Nhạc sỹ Việt Nam.
82 tuổi đời, 60 năm gắn bó với âm nhạc, Huy Du đã dâng hiến cho giai điệu cuộc đời một chữ Tình chứa chan và lai láng của một nghệ sỹ tài năng không ngừng sáng tạo. Nếu Văn Cao là âm nhạc trời cho, Đỗ Nhuận là đời cho, Nguyễn Xuân Khoát là người cho, Lưu Hữu Phước là thời cho, Hoàng Việt là nghiệp cho thì Huy Du là tình cho.
Từ sáng tác đầu tay “Sóng nước Ngọc Tuyền”, một ca khúc trữ tình viết bên dòng sông Đáy được lấy cảm hứng từ bản “Thiên thai” của nhạc sỹ Văn Cao cho đến những sáng tác sau này như “Chợ Chờ em vẫn chờ ai” (thơ Phạm Tiến Duật), “Khát vọng mùa xuân” (thơ Huy Cừ), “Chiều không em” (thơ Nguyễn Thuỵ Kha), “Đường chân trời” (thơ Hoàng Trần Cương)… đều chứa chan tình trong mỗi cung bậc cảm hứng. Ông đã vẽ cái tình của mình trên những khung tranh khoáng đạt và gợi cảm của giai điệu.
Nhạc sỹ Huy Du sinh ngày 1/12/1926 tại xã Tiên Chi, Tiên Du, Bắc Ninh. Tổng thư ký Hội Nhạc sỹ Việt Ông từ trần tối 17/12/2007. Tang lễ của nhạc sỹ Huy Du sẽ được cử hành ngày 21/12/2007 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội). Lễ viếng bắt đầu từ 11 giờ 30, lễ truy điệu bắt đầu từ 14 giờ 15 cùng ngày. |
Trong cái tình bảng lảng của một tâm hồn nghệ sỹ, Huy Du vẫn mãnh liệt một tình yêu Tổ quốc. Viết về Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đình Thi có “Người Hà Nội”, Lương Ngọc Trác có “Thủ đô huyết thệ”, “Mơ đời chiến sỹ” thì Huy Du có “Sẽ về Thủ đô”. Tác phẩm này từng được dàn dựng cho một dàn hợp xướng với đoạn mở đầu tha thiết nhớ thương “Ai về Thủ đô cho tôi gửi vài lời - Tây Hồ mờ xa là nhà tôi đó…”.
Viết về những miền quê bị tàn phá trong chiến tranh, nếu Văn Cao có “Làng tôi”, Nguyễn Xuân Khoát có “Tiếng chuông nhà thờ” thì Huy Du có “Những gác chuông giáo đường” (thơ Hữu Loan). Đi dọc những hùng ca của người nghệ sỹ chiến sỹ vẫn là một Huy Du nồng nàn, ấm áp với những cung bậc trữ tình thầm kín và lôi cuốn. Ông đã trải hồn mình vào những câu thơ xanh mướt hi vọng của người lính Giải phóng quân Hồ Ngọc Sơn: “Khi chiếc lá xa cành/ Lá không còn màu xanh mà sao em xa anh/ Đời vẫn xanh rời rợi…” (Tình em - thơ Hồ Ngọc Sơn). Cùng với “Tình ca” của Hoàng Việt, “Tình em” của Huy Du là hai đỉnh cao về tình ca Việt Nam thời đạn lửa.
Chiến tranh chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt là lúc ông đang cùng Đoàn văn công Tổng cục chính trị biểu diễn ở Trung Quốc. Nghe tin máy bay Mỹ bắn phá Miền Bắc, Huy Du đã thét lên một chính ca: “Thề chết bảo vệ Tổ Quốc” chất ngất một tinh thần Sát thát khi xưa của cha ông.
Các tác phẩm “Anh vẫn hành quân” (thơ Trần Hữu Thung), “Tiếng kèn cứu nước”, “Tiếng hát pháo binh”… đều sục sôi một tinh thần yêu nước, căm thù giặc. Khi ra đảo Bạch Long Vỹ, cùng chịu chung những trận oanh tạc của không quân Mỹ với quân dân trên đảo, ông lại viết “Bạch Long Vỹ đảo quê hương” một ca khúc trữ tình với lời lẽ thiết tha: “Bạch Long Vỹ đảo quê hương - Em đứng trên biển Đông - Thôn xanh phù Thuỷ Châu - Mênh mang sóng bạc đầu - Trúc anh đào xanh bóng…”.
Khi cuộc chiến tranh chống Mỹ được “di cư” vào Trường Sơn thì âm nhạc của Huy Du cũng “chuyển” vào đây và chính mảng đề tài Trường Sơn đã đưa Huy Du đạt đến đỉnh cao sáng tạo. Với “Đêm Trường Sơn” trầm hùng, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” phơi phới, “Nổi lửa lên em” chứa chan và da diết, “Bài ca Đường chín” hào sảng và thúc giục thì trên hết là trập trùng giai điệu “Đường chúng ta đi” như khúc khải hoàn ca xuân Mậu Thân và trở thành bản chính ca từ ngày Hiệp định Pari được ký kết.
Trường Sơn đã tạo nên một nhà thơ Phạm Tiến Duật và Trường Sơn đã khẳng định đỉnh cao sáng tạo của nhạc sỹ Huy Du. Có phải vì thế không mà chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng (4/12 - 17/12/2007), hai nghệ sỹ lớn của Trường Sơn rủ nhau khuất núi. Trong những ngày khô khát, hanh hao của “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây”, những cánh rừng vẫn xanh, “những chiếc lá vẫn xanh” như “đời vẫn xanh rời rợi”.
“Sóng nước Ngọc Tuyền” vẫn vỗ “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”.
Xin vĩnh biệt ông!
Nguyễn Thuỵ Kha