(Dân trí) - Không gian âm nhạc truyền thống lần đầu xuất hiện tập trung tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam, số 2 Hoa Lư, Vân Hồ (Hà Nội) trong một chương trình có tên Triển lãm nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam.
Đến với triển lãm nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng những nét đẹp của sự tìm tòi khám phá, sự sáng tạo hết sức độc đáo của các nghệ nhân xưa. Khu trưng bày có diện tích 800m2, các hiện vật, nhạc cụ được trưng bày theo các nội dung: Khái quát chung về văn hóa và âm nhạc tộc người, Nhạc cụ truyền thống các vùng văn hóa, Giới thiệu các loại nhạc cụ truyền thống đã qua cải tiến và nhạc cụ mới, Khu trưng bày của các tỉnh, thành phố, Triển lãm ảnh nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam.
Vùng núi cao phía Bắc, nổi bật với những nhạc cụ độc đáo như đàn tính sử dụng trong âm nhạc và nghi lễ tôn giáo của người Tày; trống tang sành của người Sán Chay; khèn bè của các tộc người Thái, Lào, Lự; thanh la, não bạt, trống, kèn, chuông lắc, khèn, sáo, nhạc sóc, não bạt, chuông lắc, lềnh phài... của các tộc người Tày, Mông, Dao, Lô Lô...
Phần trưng bày thể hiện hình tượng tháp Chăm, không gian lễ hội Ka tê, biểu tượng Linga - Yoni, trưng bày các loại nhạc cụ điển hình: Trống Paranưng, trống Ghi-năng, kèn Saranai... chính là điểm nhấn của các tộc người vùng duyên hải miền Trung Việt Nam. Nhắc đến, vùng đất đại ngàn với cây lá, nắng gió Tây Nguyên, người ta lại nghĩ ngay đến không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên với những nhạc cụ điển hình vẫn là cồng, chiêng, trống, sáo đinh năm, kèn sừng trâu, đàn t'rưng...
Ngoài chương trình trưng bày những nhạc cụ dân gian, triển lãm còn có một số hoạt động ngoài lề hết sức ý nghĩa và thu hút sự tham gia đông đảo của các nghệ nhân và công chúng. Đó là chương trình biểu diễn nhạc cụ truyền thống chào mừng 80 năm ngày thành lập Ðảng được tổ chức tại Nhà hát Lớn, Hà Nội vào 19 giờ 30 phút ngày 1/2 với sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật đến từ các tỉnh, thành phố và cuộc thi biểu diễn nhạc cụ truyền thống dành cho thiếu niên.
Triển lãm nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam được tổ chức nhằm mục đích mừng Đảng, mừng Xuân, hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nó càng có ý nghĩa hơn trong sự nghiệp giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc, khi mà trong những năm gần đây, các giá trị văn hóa tinh thần của nước ta luôn được UNESCO đánh giá cao, và liên tiếp trở thành những di sản của nhận loại.
Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.