Hàng loạt mẫu xe mới. Nước chủ nhà nổi bật với những thiết kế đặc biệt sáng tạo. Lãnh đạo GM, Renault, Nissan dự định đàm phán về kế hoạch liên doanh. Tất cả sẽ thu hút khoảng 10.000 nhà báo và hơn 1,5 triệu người tới tham dự Paris Motor Show năm nay, khai mạc vào ngày mai, 29/9.
Thông thường, sức mạnh của nền công nghiệp ôtô của một nước thể hiện rõ nhất qua triển lãm diễn ra tại đó. Giàu công nghệ cao, lắm hãng sản xuất phụ trợ cùng những tên tuổi lớn và lâu đời biến Frankfurt, Đức, trở nên đồ sộ với không dưới 1.000 công ty tham dự. Chiến lược sản xuất sản phẩm tiết kiệm nhiên liệu của các hãng Nhật lại tạo ra một Tokyo tràn ngập các ý tưởng công nghệ sạch, xe sạch. Triển lãm Detroit, Mỹ, không bao giờ mất các mẫu xe siêu tưởng, thể hiện cho sức sáng tạo và làm chủ công nghệ của các ông lớn vốn chẳng ngại ngần đổ hàng đống tiền cho công nghiệp thiết kế.
Triển lãm Paris năm 1933. Ảnh: Topedge. |
Chỉ riêng Thụy Sĩ là không có ngành công nghiệp ôtô nhưng do đóng vai trò là cửa ngõ vào châu Âu và diễn ra vào đầu năm nên Geneva được những người khổng lồ Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc quan tâm và xếp vào hãng ngũ Top 5.
Còn tại Pháp, những hãng như Renault, Citroen, Peugeot từng một thời làm mưa làm gió nay về quy ẩn trong thị trường châu Âu. Không lớn bằng các hãng anh em nhưng tính lịch sử, phong cách thiết kế lãng mạn, công nghệ an toàn cao cấp khiến Paris Motor Show vẫn là "Ngũ đại gia" trong làng triển lãm ôtô thế giới.
CL 63 mới của Mercedes trình làng tại Paris Motor Show. Ảnh: WCF. |
Paris Motor Show, tiếng Pháp là "Mondial de lAutomobile", vinh dự là triển lãm xe hơi đầu tiên thế giới, do một nhóm những người trong câu lạc bộ xe hơi Pháp, đứng đầu là Albert de Dion sáng lập năm 1898. Ban đầu, hội chợ được Albert de Dion, ông tổ của ngành công nghiệp ôtô Pháp, đặt cái tên "Salon de lAutomobile". Triển lãm lần thứ nhất diễn ra ngoài trời, trong vườn Tuilleries, Paris và các thành viên đã phải lái xe của mình từ Versaille để thu hút sự chú ý.
Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, Salon de lAutomobile trở nên hoành tráng và uy tín hơn nhờ những sáng tạo công nghệ giới thiệu ở đây. Các giải pháp kỹ thuật ghi dấu ấn đậm nhất tại Salon d l'Automobile gồm hệ thống đánh lửa bằng điện năm 1902, tay lái gắn bên trái năm 1905 và hệ truyền động dùng cardan năm 1906. Thậm chí, số lượng xe và yêu cầu cập nhật công nghệ nhanh tới mức ban tổ chức phải tổ chức hai lần mỗi năm, vào tháng 1 và tháng 10.
Citroen C4 Picasso, xe đa dụng đúng nghĩa. Ảnh: WCF. |
"Salon de lAutomobile" được duy trì đều đặn và sau khó khăn của hai kỳ thế chiến, nó bắt đầu lại vào 1948 với vài ba mẫu mới của các hãng xe Pháp. Biến động về giá dầu cùng sự bành trướng của xe Mỹ dần làm "Salon de lAutomobile" không còn thu hút như trước, điển hình là sự vắng mặt của nhiều nhà sản xuất lừng danh. Tới 1988, "Salon de lAutomobile" chính thức được đổi tên thành "Mondial de lAutomobile" diễn ra hai năm một lần.
Tại triển lãm trước, 2004, Paris Motor Show thu hút hơn 500 công ty, đến từ 30 quốc gia trên thế giới. Hơn 11.000 nhà báo từ 98 quốc gia cùng 1,46 triệu khách tham quan đã đến đưa tin về triển lãm giàu lịch sử này.
Cơ cấu mở cửa đặc biệt trên Renault Nepta. Ảnh: WCF. |
Paris Motor Show 2006, như mọi khi, vẫn là nơi để các hãng xe Pháp trình diễn sản phẩm mới. Renault công bố chiếc concept khả thi Nepta dựa trên triết lý thiết kế hiện đại, công nghệ tân tiến và những giải pháp kỹ thuật lạ lẫm. Ấn tượng đậm nhất trên Nepta là cơ cấu mở cửa kiểu cánh chim "gullwing" nhưng có bản lề gắn ở nắp ca-pô và khoang chứa đồ.
Citroen dồn công sức trong hai năm để trình làng mẫu concept C-Metisse, C4 Picasso và bản xe đua C4 WRC. Yếu tố chính mà Citroen nhắm tới vẫn là thiết kế trang nhã, nhẹ nhàng nhưng tiềm ẩn sức mạnh sáng tạo, bên cạnh công nghệ tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường. Hãng xe Pháp còn lại, Peugeot mang tới concept siêu tưởng thứ tư Peugeot 4002 và mẫu xe đua 908 RC trang bị động cơ 5,5 lít V12, công suất lên tới 700 mã lực.
Honda CR-V hoàn toàn mới sẽ ra mắt tại Paris. Ảnh: WCF. |
Bên cạnh những ý tưởng bay bổng của các hãng chủ nhà, đa phần sản phẩm còn lại xuất hiện tại Paris là thế hệ xe mới, nhằm chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh 2007 ở thị trường châu Âu. Trong số đó, nổi bật là Honda CR-V 2007, Ford Mondeo mới, Mini Cooper 2007, VW Touran, Volvo C30, Porsche 911 Targa, Mitsubishi Pajero 2007, Mercedes CL-class 2007, Nissan Quashqai
Không chỉ có xe hơi mà Paris năm nay còn nóng bỏng bởi quá trình đàm phán giữa Chủ tịch General Motors, Rick Wagoner và Carlos Ghosn, Giám đốc điều hành Renault và Nissan. Thương vụ này giống năm 1998 khi lãnh đạo của Daimler-Benz AG và Chrysler gặp nhau tại Geneva để sau đó cho ra đời tập đoàn DaimlerChrysler lớn thứ năm thế giới. Nếu thành công, liên minh giữa General Motors, vốn đang rơi vào khó khăn, cùng hai tên tuổi đang ăn nên làm ra Renault và Nissan, sẽ là thứ quyền lực mới, ảnh hưởng sâu rộng đến nền công nghiệp ôtô thế giới.
Paris Motor Show năm nay chỉ còn chờ ngày khai mạc 29/9 cho báo chí và 30/9 cho công chúng.
Trọng Nghiệp