Hôm qua (13/9), đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 21 đã có thêm một chiếc huy chương đồng khá đặc biệt. VĐV giành được nó là một người không bình thường. Anh bị câm.
Lẽ ra, chiếc huy chương môn bi sắt đó phải có màu khác bởi kỹ thuật của Tuấn tỏ ra vượt mọi đối thủ. VĐV Thái Lan thắng Tuấn ở vòng bán kết cũng chính là người mà Tuấn đã hạ rất dễ dàng ở vòng đấu loại trước đó. Tuấn bật khóc sau khi đánh mất cơ hội nghìn năm có một. Đồng đội, người xem và cả đối thủ (các VĐV Lào) cũng tiếc cho Tuấn. Nhưng làm sao an ủi khi anh không nói mà cũng chẳng nghe được gì. Khi Tuấn tranh HC đồng với một đối thủ hoàn toàn không fair-play (rất hay chơi tiểu xảo), đồng đội đã liên tục nhảy cẫng bên ngoài, phất quốc kỳ và gào khản cổ để ủng hộ. Cuối cùng, sự cổ vũ của họ đã không trở nên uổng phí.
Hiếm ở đâu có tình đồng đội sâu sắc và đáng nể phục như tình cảm các VĐV bi sắt dành cho Tuấn, bởi không ai có thể áp dụng những quy tắc xử sự thông thường đối với một anh nhà nghèo, vừa câm vừa điếc, lại không biết chữ. Nó láu lỉnh lắm, không biết nói nhưng trò ma mãnh nào cũng rành cả, VĐV Đỗ Khắc Diệu, người ở chung phòng với Tuấn, kể lại. Chúng tôi đành nhường nhịn hết. Nhịn để nó đánh cho tốt. Suy cho cùng thì cũng là nhịn vì tổ quốc. Được Diệu săn sóc, giúp lau mồ hôi trong lúc thi đấu, thế mà Tuấn còn ra hiệu: Lau mạnh thế. Đi tập mặc đồ nào, thi đấu mặc đồ nào, lên bục lãnh huy chương ra sao, Tuấn luôn được mọi người xúm vào lo cho từng ly từng tí. Do ở cùng phòng với Tuấn nên Diệu thường xuyên lâm vào cảnh... bị nhốt. Hắn có nghe thấy gì đâu". Diệu còn bật mí thêm: Có khi còn bị hắn chiếm dụng phòng tắm hàng giờ. Nhiều khi thời gian cấp bách, đành phải nhường, cũng bởi hắn không nghe. Chuyện vui về Tuấn thì nhiều lắm, kể mãi không hết....
Cũng vì chịu nhịn và biết rõ bản tính chàng câm, Diệu đã xung phong thay HLV Bùi Công Phú chỉ đạo Tuấn trong trận tranh hạng ba. Chỉ đạo hắn có nghĩa là... đừng chỉ đạo gì hết, chỉ làm mỗi việc trấn an và động viên tinh thần. Càng hướng dẫn nhiều về chuyên môn hắn càng đâm hoảng.
Tuấn năm nay 30 tuổi, chơi bi sắt theo kiểu giang hồ được khoảng 5 năm, nhưng tập luyện bài bản thì mới vài tháng (kể từ khi có chủ trương cử đội bi sắt thi đấu tại SEA Games).
Một bác sĩ sau khi có dịp tiếp xúc với Tuấn đã khẳng định: Anh ấy không hoàn toàn câm. Lẽ ra, bệnh không nói được của Tuấn có thể chữa dứt nếu anh đừng sinh ra dưới ngôi sao xấu là cái phận nghèo. Cũng có vẻ hợp lý, bởi Tuấn đã bập bẹ nói được vài tiếng liên quan đến bi sắt kể từ khi say mê môn này.
(Theo Thể Thao TP HCM)