Việt Nam chưa có ngành công nghiệp sáng tạo!
Nhà tạo mẫu Ngô Thái Uyên - Ảnh: T.T.D |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
* Chị nói VN chưa có khái niệm về ngành công nghiệp sáng tạo. Có phải vì mình nghèo nên "cái khó bó cái khôn" không?
- Không phải. Quốc gia nào bắt đầu phát triển cũng có những khó khăn riêng. Xin đề cập đến riêng lĩnh vực may mặc thời trang của Uyên. Rất bất ngờ là Indonesia hay Malaysia (hai nước Hồi giáo) có ngành thời trang phát triển hơn mình rất nhiều. So sánh thì phụ nữ VN ăn diện hơn, nhưng văn hóa thời trang lại phát triển ở Indonesia từ lâu rồi, phân định rạch ròi thị hiếu người tiêu dùng và có định hướng của nhà nước.
Trong chuyến đi Uyên gặp các đồng nghiệp Indonesia. Họ ăn mặc không hề thời trang, nhưng khi họ đưa ra sản phẩm sáng tạo thì gây cho Uyên ngạc nhiên lớn từ cách phối màu rất hiện đại, như màu đỏ với xám. Indonesia đã có mạng lưới liên hệ giữa những người làm trong ngành này chứ không manh mún như ở VN.
Theo cuốn sách Sáng tạo Anh: Những tài năng mới cho nền kinh tế mới của Bộ Văn hóa - thể thao và truyền thông Anh xuất bản tháng 2-2008, định nghĩa về ngành công nghiệp sáng tạo là sự kết nối giữa các lĩnh vực quảng cáo, kiến trúc, thị trường nghệ thuật và đồ cổ, đồ thủ công, thiết kế và thiết kế thời trang, phim ảnh, các phần mềm giải trí, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản, truyền hình, phát thanh... Theo Businessweek, đầu thế kỷ 21, nền kinh tế thế giới có phần đóng góp rất lớn của ngành công nghiệp sáng tạo. Các nước không còn chú ý cạnh tranh nhau trong các thị trường truyền thống như sản xuất nữa, mà coi lĩnh vực sáng tạo là một thành phần trọng tâm của nền kinh tế tri thức. Hiện tại và tương lai, các ý tưởng và sáng kiến đang là tài sản giá trị nhất cho một quốc gia. Trang web về du học Singapore đầu năm 2008 trích lời của giáo sư Robert Ely - hiệu trưởng Học viện Nghệ thuật LASALLE Singapore - khi tới tìm hiểu ngành công nghiệp sáng tạo VN: "Để có được một phần trong chiếc bánh của nền công nghiệp sáng tạo, VN cần có một đội ngũ các nghệ sĩ, doanh nhân và các nhà sáng chế được đào tạo bài bản". Ông cho biết doanh thu ngành công nghiệp sáng tạo trên toàn thế giới vào khoảng 3.000 tỉ USD. |
* Vậy bắt đầu từ đâu để VN có ngành công nghiệp sáng tạo?
- Bắt đầu từ chính những người làm ngành này, hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến thẩm mỹ có doanh thu cao. Nếu họ không nhìn nhận thẩm mỹ là bước đường lâu dài, mà chỉ tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn thì người tiêu dùng sẽ có thói quen chỉ dựa trên giá và chất lượng sản phẩm, chứ không phân định được sự sáng tạo của sản phẩm của mỗi nhà cung cấp.
Cũng cần bắt đầu từ giáo dục thị hiếu tiêu dùng thẩm mỹ mà trong đó truyền thông là một kênh quan trọng. Nhưng bây giờ các tờ báo, chương trình truyền hình mới đang dừng ở chỗ để bán quảng cáo, chứ không phải để nâng cao gu thẩm mỹ của người dân, tạo nên một thứ mà như chúng tôi hay đùa là "món lẩu thập cẩm". Nói đi nói lại cũng quay trở lại vấn đề giáo dục, nền tảng thẩm mỹ và sự hiểu biết của người tiêu dùng.
* Chị đang nói đến vai trò của nhà nước trong việc hình thành, phát triển ngành này? Các đồng nghiệp Đông Á đã chia sẻ những khó khăn của họ khi hình thành ngành này như thế nào?
- Dù VN bị tụt hậu ngay cả với các nước láng giềng nhưng những khó khăn mà đồng nghiệp Thái Lan chia sẻ cũng có nhiều tương đồng với VN. Đó là thiếu sự hỗ trợ của nhà nước, vấn đề bảo vệ tác quyền...
Để nhà nước chú ý đầu tư thì bản thân những người làm ngành này phải ngồi lại với nhau, liên kết, chứng minh được ngành của họ đem lại giá trị lợi nhuận cho cộng đồng lâu dài. Khả năng sáng tạo của người VN rất cao. Mình phải nhìn ở góc độ lạc quan. Chỉ có điều họ không quan tâm là khách hàng của họ như thế nào, yêu cầu ra sao. Ai cũng muốn đưa ý thích cá nhân của mình vào sản phẩm.
Vì vậy khi ngành công nghiệp sáng tạo ra đời thì mọi việc sẽ rõ ràng hơn. Mỗi người sẽ hiểu vị trí của mình, lợi thế riêng của hoạt động của mình, một nhóm liên thông với nhau sẽ có lợi hơn. Mình thiếu sự liên kết, mà phim, âm nhạc, thời trang bổ trợ cho nhau rất nhiều.
Mong đợi này của Uyên cũng giống như những người khác làm ngành này ở VN. Kinh doanh sản xuất mà không sáng tạo thì không tồn tại được, chỉ làm gia công thôi. Ở VN, mình mới tính đến thúc đẩy văn hóa chứ chưa tính đến yếu tố thương mại, kết hợp với tính thẩm mỹ, tạo phong cách và sự mới lạ để làm nổi bật các sản phẩm và dịch vụ.
KHỔNG LOAN thực hiện