Bảo tàng chiến thắng B52 nhìn từ bên ngoài - Ảnh: B.D. |
Từ Hà Nội anh hùng...
Nhìn từ ngoài vào, Bảo tàng Chiến thắng B52 có hình dáng chiếc nỏ thần Kim Quy trong truyền thuyết về An Dương Vương với cánh cung dang rộng. Kết cấu kiến trúc của bảo tàng cũng giống như chiếc rađa cánh sóng khổng lồ, khiến du khách hình dung về một pháo đài bất khả xâm phạm đối với Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Một điểm đặc biệt khác về vị trí là bảo tàng nằm trong tổng thể không gian văn hóa di tích chiến thắng B52 và làng hoa trứ danh Ngọc Hà. Khuôn viên bảo tàng bao gồm nội dung trưng bày trong nhà (1.100m2), ngoài trời (4.000m2). Cả trong nhà và ngoài trời hoàn toàn là những hiện vật “sống”, nguyên dạng với tổng cộng gần 4.000 hiện vật đang trưng bày.
Theo chân một đoàn khách vào thăm bảo tàng vốn được coi là đài chiến thắng vinh quang, chúng tôi có dịp hình dung về thủ đô Hà Nội - thành phố hòa bình, anh hùng và ngàn năm văn hiến. Điều này đặc biệt được khắc họa qua những chi tiết về cuộc chiến đấu hào hùng của lực lượng vũ trang thủ đô trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, trong đó có sự tham gia của Trung đoàn Thủ đô và nhân dân liên khu I trong 60 ngày đêm khói lửa.
Tận mắt thấy những hiện vật sống, mỗi người có thể cảm nhận được rõ hơn hình ảnh “người ra đi đầu không ngoảnh lại...” và những thời khắc vinh quang của ngày trở về giải phóng thủ đô 10-10-1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
... Đến oai hùng Điện Biên Phủ trên không!
Đối với ông Trịnh Quang Vinh, phó giám đốc Bảo tàng Chiến thắng B52, sở dĩ coi đây là bảo tàng độc đáo nhất thế giới trước hết là chỉ ở VN mới có một bảo tàng dành riêng cho việc trưng bày chiến thắng B52.
Ngay phần trưng bày ngoài trời đã có những xác máy bay B52 bị bắn phá trên bầu trời Hà Nội được lắp đặt theo tỉ lệ nguyên dạng 1/1. Có tới 16 chiếc B52 bị bắn rơi tại chỗ được trưng bày ở đây. Một điểm đặc sắc khác bên cạnh kết cấu kiến trúc của bảo tàng, như lời ghi cảm tưởng của một vị khách tham quan người nước ngoài, đó là tái hiện sự khốc liệt và hào hùng của 12 ngày đêm trận Điện Biên Phủ trên không qua hệ thống sa bàn điện tử khá hiện đại, cùng với những thước phim tư liệu thật do phóng viên cả trong và ngoài nước ghi hình tại chỗ.
Ông Trịnh Quang Vinh tiết lộ một số chi tiết còn ít người để ý, đó là về những khẩu đại liên Macxen với đặc điểm là loại súng này được làm mát bằng nước, bắn xong đổ nước đi. Bảo tàng còn có một chiếc máy điện thanh (điện thoại) do Trung đoàn Thủ đô bàn giao, được cho là một trong rất nhiều chiến lợi phẩm thu được từ trong hầm của tướng De Castries.
Nói về sự liên quan của bảo tàng đến chiến dịch Điện Biên Phủ (từ 13-3-1954 đến 7-5-1954), ông Vinh nhấn mạnh đến vai trò của Trung đoàn Thủ đô khi tạm xa Hà thành lên Tây Bắc tham gia kháng chiến và đã giành nhiều thắng lợi vang dội ở đồi A1.
Kể từ khi chính thức khánh thành giai đoạn 1 (tháng 12-1997) đến nay, Bảo tàng Chiến thắng B52 đã đón hàng chục vạn lượt khách. Dự kiến trong năm nay, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 50 năm giải phóng thủ đô, 60 năm thành lập Quân đội nhân dân VN, Bảo tàng Chiến thắng B52 được coi là độc đáo nhất thế giới sẽ khánh thành tổng thể, hoàn thiện khu trưng bày ngoài trời. Đến đây, người xem sẽ tận mắt thấy được tội ác của thực dân, đế quốc đối với đồng bào ta và nhân dân thủ đô, một phần quá khứ được ghi lại bằng những số liệu chính xác, những hiện vật và hình ảnh gây nhiều xúc động.
BÙI DŨNG