Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ngày Thơ Việt Nam - nét độc đáo của văn hóa Việt

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 19:26
gửi bởi Inviblesi

Biểu tượng của Ngày thơ VN - Ảnh: VnE
TTO - Trên thế giới, hầu như nước nào cũng có thơ và nhiều nước có sử thi lâu đời, có nhiều nhà thơ nổi tiếng như Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Anh... Song có lẽ trong lịch sử nhân loại chưa có một dân tộc nào yêu thơ và thơ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống, trong học tập, trong lao động, trong chiến đấu như thơ ở VN! Ý nghĩa của Ngày Thơ VN là thể hiện sự độc đáo đó trong văn hóa VN.

Ngàn xưa, từ thế kỷ XI đến XX, trong khoa cử Nho giáo, các kỳ thi Hương, thi Hội đều có đề bài về thơ và sáng tác thơ, từ đó đào tạo biết bao thi nhân nổi tiếng cho nước nhà như: Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu... Hiện nay, học sinh tù tiểu học lên đến trung học, đại học, cấp lớp nào cũng học thơ. Chưa có một nước nào trên thế giới mọi người được học thơ nhiều như thế!

Và, một độc đáo của thơ VN lại chính là có được một thể thơ lục bát. Độc đáo ở chỗ nó dễ làm, sống từ rất lâu trong dân gian, chẳng cần phải thi nhân vẫn hoàn toàn có thể làm một vài câu bất hủ lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Kho tàng ca dao tục ngữ VN đang lưu trữ hàng trăm ngàn câu thơ lục bát tuyệt vời và độc đáo như thế. Lục bát còn đặc biệt ở chỗ có thể viết thơ thành trường thi dài bất tận. Có người viết hàng ngàn câu như Nguyễn Du, có người tham vọng dịch Kinh sách Phật Giáo ra thể lục bát...

Thơ lục bát lại được dùng để hát theo hàng ngàn làn điệu dân ca khắp ba miền trung nam bắc từ ru, vè, hò, lý... đến tuồng, chèo, ca trù, chầu văn... Và như thế, tại VN thơ gắn liền với ca hát, gọi rằng "thi ca" là thế.

Trong lao động, thơ VN kết tinh thành nhiều tác phẩm văn học dân gian tuyệt tác. Những bài hát ví phường vải, ví phường cấy, hò tát nước, hò kéo gỗ, hò chèo thuyền, hò kéo lưới... là chứng tỏ thơ đã thấm vào máu thịt của người lao động vậy.

Trong chiến đấu, thơ VN lại cũng đóng vai trò rất lớn: từ bài thơ "thần" của Lý Thường Kiệt đến những bài thơ yêu nước của Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, rồi thơ động viên tinh thần chiến đấu của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh, Hoàng Văn Thụ... Độc đáo đến mức có những chiến sĩ ra trước pháp trường vẫn thản nhiên đọc thơ như Cao Bá Quát, Mai Xuân Thưởng. Dùng thơ để tỏ khí tiết, chắc chỉ có dân VN thành thạo từ xưa.

Thơ làm cho tâm hồn con người ta bay bổng thanh cao, hướng thượng. Thơ còn là thú chơi tao nhã của người VN.

NGUYỄN NHÃ

Tin bài liên quan:

Ngày thơ VN: Tràn ngập tình yêu thơ
Thành phố vào đêm thơ
Khắp nơi vào hội Nguyên Tiêu

Sưu tầm từ tuoitre