Nghệ nhân Phạm Chí Bích - Ảnh: H.Đ.
TT - Một nghệ nhân làm nhạc cụ dân tộc đã sáng tạo một nhạc cụ độc đáo, mang đậm tính văn hóa truyền thống VN với âm thanh réo rắt, trầm bổng: đó là đàn nón!
Không khó để tìm được nhà ông Phạm Chí Bích, người sáng chế chiếc đàn nón độc đáo. Bởi nơi ông ở cũng là nơi mà nghệ nhân Phạm Chí Tình - 78 tuổi, cha ông - vẫn ngày đêm miệt mài với tang trống và các loại nhạc cụ dân tộc khác: tì bà, đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tranh, đàn nhị...
Ðược học nghề từ bố, một nghệ nhân Ðọi Tam làm trống truyền thống, 13 tuổi Phạm Chí Bích đã được làm quen với những tiếng đàn nguyệt, bầu, tranh…, đã biết phân biệt thế nào là thanh trầm, thanh bổng. Lớn lên, anh càng bị những tiếng đàn ám ảnh... Ðọc nhiều, nghe nhiều, Phạm Chí Bích càng nhận thấy việc phát triển và biến tấu các loại nhạc cụ của các nước trên thế giới ngày càng nhiều. Những loại nhạc cụ mà chúng ta có hiện nay phần lớn là của các nước khác, trừ đàn đáy, nguyệt và klongput…
Video clip Ðàn nón |
Ý tưởng về một cây đàn nào đó đặc trưng cho VN, vừa mang tính dân tộc lại vừa độc đáo cũng theo đó lớn dần lên trong suy nghĩ của ông. Những lúc rảnh rỗi, từ ngôi nhà mình ở phố Hàng Nón (Hà Nội), ông hay nhìn ra đường phố, nơi những người bán hàng rong cầm theo những dây nón đi bán cho khách du lịch. Rồi ông nhìn thấy sự khác biệt từ chính hình ảnh của những chiếc nón ấy...
Đàn nón đầu tiên và duy nhất được trình diễn trước khán giả hồi tháng 12-2008 - Ảnh: H.Đ. |
Ông chọn âm sắc của đàn tranh, dây của đàn tranh, mày mò để làm một hộp cộng hưởng mang hình dáng chiếc nón lam lũ mà cũng rất duyên dáng của người phụ nữ VN.
170 dây, chia thành năm cung, có thể chơi 5-10 người, đáy có đường kính rộng 1m, người chơi có thể ngồi hay đứng, một cây đàn có thể thay cho cả một dàn nhạc, một người diễn chính và một dàn nhạc đệm tiếp theo… Âm thanh thánh thót của năm cung đàn có thể thay thế được nhiều loại nhạc cụ khác trong biến tấu. Phạm Chí Bích nghĩ thế và bắt đầu so dây.
Năm năm nung nấu, sáu tháng mày mò với bản vẽ thiết kế, chọn gỗ, chọn dây, sửa chữa, hoàn thiện, một ngày cuối năm 2008 cây đàn nón lần đầu tiên và duy nhất được trình diễn trước khán giả trong buổi khai mạc Ðại hội làng nghề VN lần 2 (12-2008) bởi năm sinh viên Nhạc viện Hà Nội.
Phạm Chí Bích muốn giới thiệu đàn nón của mình đến rộng rãi với công chúng, nhưng hiện nay chiếc đàn độc đáo của ông vẫn để trên tầng 4 tại tòa nhà số 11 phố Hàng Nón cùng với hàng trăm loại nhạc cụ dân tộc khác. "Tôi muốn bằng cách này hay cách khác công chúng biết nhiều hơn đến loại hình nhạc cụ này. Tuy nhiên để làm được điều ấy cũng cần phải có những người trong giới chuyên môn đánh giá, hay chí ít có nhạc sĩ nào đó sẽ sáng tác những ca khúc, những bản nhạc riêng cho đàn nón. Hơn nữa, tôi cũng muốn các nhà chuyên môn VN cho biết những nhận xét về sản phẩm của tôi".
Sản phẩm đã hoàn thành, ước mong của người sáng tạo lúc này cũng rất cụ thể: "Tôi rất mong trong ngày quốc tế phụ nữ, cây đàn nón sẽ được trình diễn để tặng những người bà, người mẹ, người chị… những phụ nữ Việt vốn rất thân quen với chiếc nón một bản nhạc từ đàn nón" - nghệ nhân Phạm Chí Bích mơ màng...
Nhạc sĩ Thao Giang - phó giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc: Bản thân tôi cũng thấy đàn nón có nhiều điểm rất đáng khích lệ: khả năng có thể chơi được nhiều người nên có độ vang và bứt phá ghê gớm, đó là sức mạnh về âm lượng thể hiện tình đoàn kết, nó giống như một dàn nhạc nhỏ. Tuy nhiên, vì là chiếc đàn đầu tiên nên cũng không thể tránh được một số hạn chế, vì cả năm khuông nhạc chưa chia thành được các âm khu (trầm, trung, cao), năm người chơi thì mới dừng lại được ở đồng tấu chứ chưa đạt được là hòa tấu. Hơn nữa, đàn mang hình dáng nón nhưng hơi nhọn và quá cao, khi mọi người cùng chơi thì không thể nhìn thấy mặt nhau được. Đó chính là hạn chế. Có thể một người biểu diễn còn những người khác đệm, nhưng nếu đàn được làm thấp hơn thì tình cảm (của những người biểu diễn) sẽ được thể hiện nhiều hơn. Có một đặc trưng trong cách chơi đàn của các nhạc công VN không giống các nhạc cụ các nước (dù cùng loại tên đàn) là ở sự nhấn nháy. Âm nhạc cũng theo tiếng nói và ngôn ngữ, tiếng Việt có sáu dấu nên sự nhấn ở tay trái người chơi nhạc cụ sẽ quyết định cái “hồn” dân tộc VN trong khi chơi đàn. Đàn nón chưa tạo thuận lợi cho tay trái nhấn vì hơi cao. Việc cải tạo những khiếm khuyết của chiếc đàn nón rất đơn giản, chính tôi cũng đã góp ý với anh Bích và anh ấy cũng nhận ra. Chỉ có điều để có thể đến với công chúng, trước tiên phải được giới chuyên môn chấp nhận và cần phải trải qua nhiều đóng góp sửa chữa mới trở thành một sản phẩm tuyệt hảo, quá trình ấy có thể diễn ra cả vài trăm năm. Nhưng bước đầu đàn nón được như thế này đã là đáng khích lệ lắm. Vì âm nhạc dân tộc là do nhân dân sáng tạo, nhân dân nuôi dưỡng và cũng chính nhân dân hủy diệt nếu nó không phù hợp. |
HOÀNG ÐIỆP