Lễ tết độc đáo ở một số nơi trên thế giới
XUÂN 09 DNSGCT - Lễ hội quả đầu mùa của người Swaziland; lễ hội hóa trang của người Nam Phi; lễ Diwali mừng năm mới ở Ấn Độ... là một trong số nhiều lễ tết độc đáo trên thế giới.
Lễ Tết ở Swaziland
Một màn múa trong lễ hội Newala ở Swaziland |
Đầu năm mới, người Swaziland có lễ Newala - lễ hội quả đầu mùa - kéo dài trong một tháng. Nhân vật chủ yếu trong lễ này là nhà vua, biểu tượng của sự phong phú và thịnh vượng của đất nước Swaziland. Cũng vì vậy mà vua phải có nhiều vợ và tất nhiên là nhiều con. Mỗi lần vua cần tuyển thêm một cung phi, hàng ngàn cô gái đồng trinh ứng tuyển sẽ để ngực trần múa hát cho ông chọn.
Ngoài quan niệm còn trinh là trong trắng, Swaziland còn là một trong những nước có nhiều người mắc bệnh AIDS nên vua phải được bảo vệ tuyệt đối khỏi căn bệnh này. Do diễn ra suốt một tháng, lễ hội năm mới của người Swaziland bao gồm nhiều sự kiện khác nhau như vớt bọt sóng, lấy nước từ những con sông lớn mang về...
Trong ngày cuối cùng của lễ Newala, các chiến binh hát những bản nhạc thiêng liêng, nhảy múa quanh chỗ ở của nhà vua. Nhà vua xuất hiện, gương mặt bôi đen bằng một thứ thuốc, đội một chiếc mũ lông chim màu đen, đeo thắt lưng bạc bằng da khỉ, dùng cỏ xanh phủ quanh người. Trong lúc nhảy múa, nhà vua ăn một phần quả bí đỏ đặc biệt gọi là Luselwa rồi liệng phần còn lại cho các chiến binh. Cuối cùng, người ta đốt lửa lên, ngụ ý đốt cháy những xui xẻo năm cũ.
Năm mới và lễ hội hóa trang của người Nam Phi
Lễ hội hóa trang đầu năm mới ở Nam Phi |
Người Nam Phi mừng năm mới bằng những hồi chuông nhà thờ đổ vang. Ở Cape Town, ngày mùng Một và mùng Hai tết ngập tràn các lễ hội hóa trang, người người mặc quần áo sặc sỡ, nhảy múa trên đường phố trong tiếng trống vang rền.
Người Maya mừng năm mới vào tháng 7
Lễ hội đầu năm mới của người Maya |
Người Maya thờ nhiều vị thần. Mỗi năm mới thuộc riêng một vị thần, vì thế đây là dịp để họ làm những tượng thờ mới. Ngõ vào và dụng cụ trong các ngôi đền được sơn màu xanh, vốn là màu thiêng liêng đối với người Maya. Khi mọi việc đã được chuẩn bị xong, vị thần sẽ nhập gia.
Trong ngày tết, người Maya cũng thực hiện những thủ tục tống cựu nghinh tân như đập vỡ hết những đồ gốm, bỏ đi chiếu cũ và mặc quần áo mới.
Năm mới của người Bengali
Đón chào năm mới ở Bengali |
Người Bengali (Ấn Độ) mừng năm mới vào những ngày 13 và 14-4 hàng năm. Họ dùng bột mì làm thành những hình hài trên nền đất trước nhà, giữa hình đặt một lọ bằng đất, trang trí swastika (biểu tượng tôn giáo hình chữ thập ngoặc) sơn hai màu đỏ và trắng, trong lọ đổ đầy nước thiêng, rồi cắm vào đó một nhánh cây xoài có năm nhánh con và một số lá xoài. Chiếc lọ đất trên tượng trưng cho vận may của cả nhà.
Lễ Diwali mừng năm mới
Lễ hội Diwali của người Ấn Độ |
Lễ này diễn ra tại bang Gujarat vào tháng 10 hoặc tháng 11 hàng năm, là một trong những lễ hội lâu đời nhất ở Ấn Độ, tượng trưng cho sự chiến thắng của điều thiện trước điều ác. Theo truyền thuyết, lễ hội bắt đầu sau khi Rama quay về vương quốc, trở thành vua, thần dân thắp lên những ngọn đèn nhỏ để chào mừng ông. Trong đêm lễ hội Diwali, tất cả mọi vật đều được trang trí bằng ánh sáng và đèn. Các chai nước nhiều màu sắc được đặt trước những ngọn đèn, tỏa ra những ánh sáng lung linh. Trẻ em được tặng kẹo, kem lạnh và đồ chơi có hình cái nhà, tàu thuyền, người và vật.
Năm mới của người H’mông
Các cô gái H’mông trong ngày tết |
Với người H’mông, năm mới là thời điểm duy nhất trong năm mà họ không phải làm đồng. Vì thế lễ mừng năm mới của họ mang những sắc thái thật đặc biệt. Các nghi lễ tôn giáo diễn ra vào ngày cuối cùng của năm cũ, gọi là “hnub peb caug”, có nghĩa là ngày ba mươi. Họ làm sạch toàn bộ nhà cửa, đem toàn bộ bụi, đất, bồ hóng ra khỏi nhà và đặt gần một sợi dây thừng cột vào cây thành một chiếc vòng rồi nhảy qua nhảy lại chiếc vòng này. Mục đích của hành động trên nhằm đánh lừa các hồn ma để chúng bỏ đi, không theo quấy nhiễu nữa.
Năm mới với người Tamil
Thần Ganesha của người Tamil |
Người Tamil ở vùng Nam Á, nhiều nhất ở Sri Lanka và Ấn Độ. Ngày đầu năm mới, họ dậy rất sớm, quây quần quanh bàn thờ gia tộc để thực hiện nghi lễ tôn giáo đặc biệt, dâng cho thần Ganesha (thần đầu voi) kẹo bánh, hoa trái… Xế chiều ngày hôm đó, họ đến đền thờ để cầu nguyện rồi đi thăm viếng họ hàng, bạn bè và chúc tụng nhau. Quà tết của người Tamil thường gồm có tiền bạc, trái cây, lá trầu và hạt cau. Người được tặng quà thường là những người phát thư, gia nhân, công nhân lao động…
Theo LÊ CẨN
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần