Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Trò Chiềng hướng đến 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

Gửi bàiĐã gửi: 17 Tháng 7 2010, 08:08
gửi bởi Inviblesi
(Dân trí) - Sau hơn 60 năm bị mai một, từ năm 2007, chính quyền địa phương đã khôi phục lại trò Chiềng - một trò diễn đặc sắc mang đậm truyền thống văn hóa của Thanh Hóa. Mới đây trò Chiềng đã được chọn đi biểu diễn tại Lễ hội 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Trò Chiềng - lễ hội dân gian truyền thống

 

Người sáng lập ra trò Chiềng là thành hoàng Tam Công Trịnh Quốc Bảo (998 - 1085). Ông là người có công giúp vua  Lý Thánh Tông dẹp giặc Chiêm Thành và giặc Tống nên được phong là Đông Phương Hắc Quang Đại Vương. Năm ông 1065 được phong là Phúc thần làng (Thành hoàng làng).

 

Ông Trịnh Đình Qúy (68 tuổi), Trưởng làng Trịnh Xá, xã Yên Ninh, huyện Yên Định - người có công khôi phục lại trò Chiềng cho biết, từ năm 1078 - 1085 Lễ hội trò Chiềng được khởi xướng. Thời gian này Thần hoàng đã 80 tuổi về tịnh quan tại quê là làng Trịnh Xá và tổ chức cho con cháu diễn lại các trận đánh của đức tôn thần làng.

Ông Trịnh Đình Qúy - người có công khôi phục lại trò Chiềng


Trò Chiềng về sau kết hợp với văn hóa dân gian thành Lễ hội với 12 trò diễn. Trong đó riêng phần Lễ có 4 trò: Rước cỗ vàng, rước cỗ gà, tế rước thành hoàng, lễ kỳ phúc, nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh, cầu cho dân an vật thịnh, mùa màng tốt tươi. Hàng năm bắt đầu từ mùng 7 tết mở cửa ngõ là lễ rước cỗ gà lên Đình, đưa ra Nghè tế rồi về Đình chia cho các cụ 70 tuổi trở lên, rồi sau đó các chức sắc trong làng họp bàn tổ chức lễ hội.

 

Phần hội có 8 trò như: Thiên vương (binh trời), múa hát chèo, kén rể, chọi voi, chọi rồng, tâu mã, đốt pháo hoa, giáo tàu, nhằm thư giãn sức dân sau những ngày mùa vụ vất vả trong năm. Theo quan niệm ngày xưa, nếu người nào không được tham gia lễ hội coi như cả năm xui xẻo.

 

Lễ hội trò Chiềng diễn ra từ ngày 10 - 12 âm lịch hàng năm. Theo quy định của làng, trò Chiềng chia thành: Đại trò, Trung trò và Tiểu trò. Năm nào được mùa, dân no đủ là làm cả 12 trò; còn năm nào mùa màng hơi kém thì làm Trung trò tuỳ theo chức sắc trong làng bàn và quyết định từ 5 - 6 trò; năm nào mất mùa, thiên tai địch hoạ thì làm Tiểu trò, chủ yếu là tế rước, để giữ lễ trò. Từ năm 1085 - đến Cách mạng Tháng 8 thì năm nào trò cũng diễn ra liên tục.
 

Điện thờ Phúc thần làng


Khác với nhiều lễ hội, Lễ hội trò Chiềng có thêm trò kén rể. Tương truyền, tuy là một làng bé nhỏ, nhưng con gái làng Trịnh Xá vốn nổi tiếng đẹp người, đẹp nết khi làng mở hội tổ chức kén rể thì trai tài từ Hàn Tín, Tiêu Hà, con Bụt và tất cả các tầng lớp khác trong xã hội cũng phải đến tham gia kén rể, mong được lọt vào mắt xanh của con gái làng Chiềng.

 

Ngày xưa, lúc trò phát triển thịnh vượng thì hàng năm phải ra kinh đô biểu diễn cho vua xem. Tương truyền trước đây ở làng Trịnh Xá có một bà phi của nhà vua, thấy dân làng phải ra tận kinh thành biểu diễn vất vả quá nên bà đã bày cho người dân ăn mặc rách rưới, bôi đen mặt để bà tâu lên nhà vua đuổi về quê không cho biểu diễn nữa.

 

Sau khi dân làng ra biểu diễn thấy ăn mặc rách rưới, bà phi tâu lên nhà vua cho đuổi về, từ đó không phải ra kinh thành biểu diễn nữa.

 

Người chỉ huy lễ hội là Thượng Soạn, còn lại gọi là các Cái. Ngày xưa làng được chia thành hai mạn, mạn Nhất là tất cả những người họ Trịnh, mạn Nhì có họ: Lê, Đỗ, Nguyễn, Lưu. Lúc nào hai mạn cũng có người đứng Cái để phân công lo lễ hội năm sau. Trong lễ hội trò Chiềng, có các Cái như: cái Chèo, cái Voi, cái Ngựa, cái Rồng, cái Pháo, cái Tàu, cái Thiên Vương.

 

Trước khi mở hội, hai trưởng Mạn và các Cái (người phụ trách các trò) lên đình làng họp bàn quyết định năm nay mở trò như thế nào.

 

Vào đúng 8/1 âm lịch, các Cái sẽ dẫn quân đi chặt tre, mây và chuẩn bị đồ lễ cho hội trò. Đặc biệt, từ 7h - 9 h sáng, không nhà nào được giữ bất kì vật dụng gì khi các Cái muốn lấy, nhưng sau 9h thì bắt buộc phải mua. Mọi thứ được chuẩn bị nhanh chóng, chu đáo trong hai ngày 8 - 9, để đến sáng 10/1 là diễn trò.

 

Những trò diễn độc đáo

 

Điều đặc biệt với những người tham gia Cái Chèo là con gái chưa xây dựng gia đình từ 18 - 22 tuổi mới được chọn vào đội Chèo của lễ hội chính thức. Đối với cái Chèo thì con gái trong làng từ 14 tuổi trở lên đều phải học hết và học quanh năm. Nếu ai kế nghiệp thì được gọi là Cái phó. Riêng con trai từ 17 - 25 tuổi trước khi vào diễn trò nếu ai đã lập gia đình phải cách ly vợ trước 15 ngày.
 

Đình Cả, nơi diễn ra lễ hội trò Chiềng,

ngôi Đình duy nhất còn sót lại có tuổi thọ hàng trăm năm


Trong trò Chiềng thì chọi Voi là tiết mục độc đáo nhất trong ngày lễ hội của làng. Có 3 loại voi: Voi Chầu gồm có 2 con y như voi thật, 2 con voi Bị để nhà nào có tang đội vào và voi Chọi. Ngày xưa ông Trịnh Quốc Bảo được vua giao nhiệm vụ đánh giặc Chiêm Thành. Hai trận đầu ra quân đều bị thua vì giặc có đội voi chiến. Đêm về ông nằm mơ thấy hình thù con vật to phun lửa thì đàn voi chạy. Ông bèn hạ lệnh cho quân lính đan voi để chiến đấu. Đầu voi được quay tứ phía, trong đầu voi gắn pháo để phun lửa, 4 chân voi cho 4 người khênh. Sau khi ra trận thì đánh lui và bắt sống được vua Chiêm Thành. Ông được nhà vua phong là Đông Phương Tri Thần.

 

Trong trò voi chọi, voi được đan bằng tre và mây, do 4 thanh niên lực lưỡng vác 4 chân và một lão nông khỏe mạnh, dày dạn kinh nghiệm cầm cần điều khiển đầu voi để chọi. Khi phát lệnh tấn công, 2 con voi húc vào nhau, chọi bằng hai chiếc ngà. Trong 3 hiệp, con nào bị đẩy lùi, bị chọi dập đầu, sứt tai, trớt trán thì thua cuộc. Sau khi trò kết thúc, tất cả voi, ngựa, rồng được đem hoá với ý nguyện yết cáo cho trời đất và các thế hệ trước biết dân làng Chiềng luôn ghi nhớ công ơn của cha ông. Tương truyền, những cặp vợ chồng muộn con nếu tìm cách chui qua bụng voi thì trong năm đó sẽ có con.

 

Ở Việt Nam có múa Rồng chứ chưa có chọi Rồng, ước nguyện của con người là cá chép hóa rồng. Trong lễ hội trò Chiềng có trò chọi Rồng, với 2 con rồng, trong đó đầu và đuôi hình rồng, còn giữa thân có hình con cá chép. Khi hai con chọi nhau, con nào thắng thì con các chép chui hẳn vào đầu rồng thành cá chép hóa rồng.

 

Trò Chiềng thường kết thúc bằng trò đốt pháo bông để ăn mừng. Một tin vui đến với người dân địa phương tới đây, những yếu tố truyền thống độc đáo, vui nhộn của trò Chiềng sẽ được trình diễn vào dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Địa phương đang tích cực đầu tư luyện tập và chuẩn bị đi tham gia biểu diễn.

 

Duy Tuyên

Sưu tầm từ dantri