Họa sĩ Vũ Giáng Hương: Vẽ để sống lại ký ức
>> Người “chị cả” của Mỹ thuật Việt Nam đương đại đã ra đi
Phòng vẽ của bà ở tầng ba của căn nhà, một không gian nhỏ nhưng đủ để bà thu vào đó cả một thế giới của riêng mình. Có những bức vẽ mới ở những nét phác thảo đầu tiên trên toan trắng, nhưng cũng có những bức đã nhuốm màu thời gian. Đó là những bức tranh bà trân trọng giữ lại qua các đợt triển lãm mà không bán, dù có bức đã được trả giá cao, như là một "của để dành" cho riêng mình. Đặc biệt, đặt ở vị trí trang trọng nhất là những bức chân dung về cha mẹ bà, nhà văn Vũ Ngọc Phan, nữ sĩ Hằng Phương và người chồng quá cố, Giáo sư, bác sĩ Lê Cao Đài. Nhiều trong số đó là những bức vẽ - thậm chí chỉ là những phác họa về hình ảnh các chiến sĩ giải phóng quân năm xưa. Họa sĩ Giáng Hương bảo rằng, đó là những bức tranh bà đã vẽ bằng tâm thức, bằng chính những ký ức của đời mình.
Họa sĩ Vũ Giáng Hương đã bước qua tuổi 80 nhưng có trí nhớ và sự minh mẫn tuyệt vời. Dường như những câu chuyện bà đã trải qua trong đời sống suốt hơn 80 năm ấy, không hề bị lãng quên, thậm chí có nhiều câu chuyện bà nhớ đến cả những chi tiết nhỏ… Bà bảo rằng, tuổi càng cao, hình như hoài niệm càng đầy, càng gợi về thao thức. Đặc biệt là những ký ức, những câu chuyện từ ngày thơ ấu bên mẹ cha, bên các anh chị em, câu chuyện tình yêu với người chồng yêu thương… cứ như những thước phim quay chậm lặp đi lặp lại trong nỗi nhớ thường trực, trong cả những giấc mơ muộn chập chờn những đêm khó ngủ. Những lúc như thế, bà cầm cọ cho nguôi nỗi buồn, nỗi cô đơn của mình trong căn nhà quá rộng nhưng lại thiếu những bóng dáng quen thuộc vì người chồng bà yêu trọn đời đã khuất, con cháu ở xa, bạn bè đồng niên, tri âm tri kỷ cũng đã người còn người mất…
Cuộc chia ly ngày ấy - Tranh của Vũ Giáng Hương
Khi tôi hỏi bà về những kỷ niệm với gia đình, với cha mẹ mình, bà trầm ngâm một hồi khá lâu như thể đang hình dung từng gương mặt người thân và những kỷ niệm thời thơ ấu: "Tôi sinh ra và lớn lên ở Vũ Gia trang, thuộc Ấp Thái Hà, một làng ven thành phố Hà Nội, đến nay chỉ còn lại gò Đống Đa và một hồ nhỏ phía sau. Gọi là làng nhưng hầu hết là biệt thự của các quan thời đó và những trại rộng có vườn cây xanh. Gia đình tôi ở làng đó đến chúng tôi là bốn đời. Khu nhà khá rộng, gần 1.000 mét vuông. Từ cổng vào có nhiều mảnh vườn nhỏ. Cha tôi, nhà văn Vũ Ngọc Phan thích làm vườn nên đã sửa sang lại nhiều. Có cây hoa huỳnh màu vàng, rồi mai vàng và hồng đỏ. Một khoảnh tròn ở giữa trồng cây hoa ban, mùa xuân về lá rụng hết, đầy hoa tím như bướm bay. Bác Nguyễn Tuân cũng hay đến nhà tôi chơi, tặng cha tôi một bộ khánh đất nung, mỗi khi có gió, tiếng khánh rung lanh canh.
Tôi nhớ có hôm bác còn cầm quạt múa và hát. Bọn trẻ con chúng tôi rất thích nhưng không dám vào xem. Bữa rượu thường kéo dài 2-3 tiếng đồng hồ. Cha tôi uống ít nhưng rất thích nghe chuyện và tiếp rượu các nhà văn. Nhà thơ Lưu Trọng Lư thỉnh thoảng cũng đến chơi, tính bác yêu trẻ con. Tôi chỉ biết bác thường có bài đăng trên tuần báo Hà Nội tân văn mà cha tôi làm chủ bút. Có hôm tôi thấy bác đi xe tay xuống mà đôi giày của bác hở cả ngón chân ra ngoài. Thường bác ăn mặc rất giản dị. Tôi thấy hơi ngạc nhiên và hỏi cha tôi, vì cha tôi là người ăn mặc rất nghiêm chỉnh. Cha tôi bảo: "Bác Lư mải làm thơ, mà tính bác hay quên, chắc bác chả để ý đến việc đi giày như thế đâu…".
Bà kể lại: "Mẹ tôi thì hay mắng nhưng lại dễ tính hơn. Cha mẹ tôi rất hợp nhau, hiểu nhau và giữ tình yêu chung thủy suốt cả đời. Vì thế mà cuộc sống gia đình tuy thanh bạch nhưng rất êm ấm. Cha tôi suốt ngày làm báo ở nhà in, buổi tối có khi 8,9 giờ mới về đến nhà, ăn uống xong ông lại ngồi vào bàn đọc sách rồi viết. Người ông lúc nào cũng gầy và đau dạ dày liên miên. Vào những năm 1941-1942, cha tôi viết "Nhà văn hiện đại", mẹ tôi giúp cha tôi đọc sách, đọc bản thảo cho báo Hà Nội tân văn. Nhà có mẹ già, một đàn con nhỏ nên cha tôi phải cố gắng làm việc mới có đủ tiền chi dùng… Từ khi tôi lớn hơn, tôi đã cùng mẹ tôi chép bản thảo cho cha tôi. Lúc đó nhà tôi không có máy chữ và cha tôi cũng không có tiền thuê đánh máy. Có lẽ vì thế mà chữ tôi ngày càng đẹp hơn. Có hôm cha tôi bị cảm, nhưng bài dịch lại cần gấp, cha tôi gọi tôi đến bên giường, ông nằm cầm sách và dịch cho tôi chép bằng giọng khàn khàn vì viêm họng. Đó là cuốn "Anna Karenine" của Lev Tolstoi".
Họa sĩ Vũ Giáng Hương chịu ảnh nhiều từ tính cách của cha mình không chỉ trong đời sống mà cả trong phong cách làm việc và những quan niệm nghệ thuật. Tranh của bà thường tả thực và có gam màu trầm dù vẽ với chất liệu nào. Vẽ là cách bà tìm lại những câu chuyện của chính mình, có khi chỉ để kể với khán giả một khoảnh khắc đẹp bà đã trải qua và lưu giữ trong tâm thức của mình.
Khi về nghỉ hưu, họa sĩ Vũ Giáng Hương tập trung làm những cuốn sách của gia đình: Một tuyển tập viết về mẹ - nữ sĩ Hằng Phương, một cuốn sách nghiên cứu về chất độc da cam của chồng - cố Giáo sư, bác sĩ Lê Cao Đài, và mới nhất bà xuất bản cuốn sách "Tình yêu và nghệ thuật", nhân dịp ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong đó, lần đầu tiên bà công bố những bức thư tình của mình và chồng. Bức thư đề ngày 4/4/1971 có đoạn viết: "Anh mong em sẽ có nhiều nghị lực để vượt qua mọi nhớ thương và đem hết tâm sức vào công tác. Anh mong em sáng tác được nhiều và thật tốt. Trong công tác của em, anh nghĩ có hai loại việc: Một loại là công việc sự vụ hằng ngày (công tác dạy học, công đoàn, hội họp…) và một là sáng tác. Cả hai đều cần làm tốt nhưng theo anh, quan trọng nhất với em là vấn đề sáng tác, phải dành nhiều thời gian, nhiều tâm sức và nghị lực…".
Họa sĩ Vũ Giáng Hương đã làm theo lời khuyên bảo của chồng, bởi hơn bao giờ hết, kể cả giờ đây, khi ông đã khuất núi nhiều năm, nghệ thuật đối với họa sĩ Vũ Giáng Hương không chỉ là thứ để làm nghề, mà nó là một nơi để bà trao gửi những tâm tình, những ý tưởng, là nơi mà dù tuổi ngoài tám mươi với nhiều căn bệnh của tuổi già không làm bà uể oải, không làm bà chùn bước. Mỗi ngày bà vẫn dành khoảng thời gian nhất định ngồi vẽ. Bà bảo rằng, mỗi lần ngồi trước toan màu, bà không chỉ đơn thuần là vẽ nữa, mà bà đang sống lại ký ức của đời mình, với mẹ cha đã khuất, với người chồng nhiều đêm vẫn trở về trong giấc mộng của bà, và ngay cả với cô con gái bé bỏng, xinh đẹp đã ra đi trong chiến tranh đạn bom ác liệt.
Họa sĩ Vũ Giáng Hương được coi là một trong những người phụ nữ thành đạt vì bà là một người có chức, có quyền. Bà từng là Phó hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Giờ đây, nhìn lại thời kỳ vinh quang đã qua ấy, bà bảo rằng, quyền chức đối với giới văn nghệ sĩ chỉ là phù du, bà chẳng qua là người được tín nhiệm bầu lên để thay mặt anh em tìm một tiếng nói chung, quyền lợi chung để cùng làm nghề. Với bà, những tác phẩm mới là thứ quan trọng nhất và bà cảm thấy số phận đã dành cho bà sự ưu ái về sức khỏe, cảm xúc để tiếp tục cầm cọ vẽ những tác phẩm mình yêu thích, để chuẩn bị cho cuộc triển lãm lần thứ tư tới đây…
Theo Trần Hoàng Thiên Kim
Công An Nhân Dân