Dựng kịch khó quá!
Không còn mỗi tháng mỗi ra mắt vở mới như cách đây 2 năm, làng kịch TPHCM đến đầu tháng 8 mới ra mắt 2 vở kịch mới, thế nhưng cả hai đều thuộc đề tài kinh dị, đó là Họa hồn (Nhà hát Thế giới trẻ) và Ngôi trường số 13 (Sân khấu Trần Cao Vân).
Cả hai vẫn đi theo chiêu thức hù dọa khán giả với những cảnh tượng rùng rợn, được hỗ trợ bởi âm thanh cực lớn, ánh sáng nhuốm màu kinh dị. Dù vẫn còn thu hút khán giả nhưng kịch kinh dị không còn hấp dẫn công chúng như những vở ban đầu của trào lưu này.
Thiếu “bột” để gột nên “hồ”
Rõ ràng sân khấu kịch không tìm được kịch bản đáp ứng hai yêu cầu doanh thu và nghệ thuật. Theo nghệ sĩ Hồng Vân: “Vì sao dựng kịch ngày càng khó? Bởi đâu phải lúc nào cũng có kịch bản hay.
Chính sự đầu tư tâm huyết và công tác biên tập của kịch bản sẽ giúp các đạo diễn làm ra vở diễn hay, sau đó chính họ gia cố để làm nên tác phẩm đỉnh cao. Đơn cử kịch bản Dạ cổ hoài lang, nghệ sĩ Thanh Hoàng viết cho phong trào văn nghệ quần chúng của Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận, đến khi được chọn vào trại sáng tác, anh gia cố thêm và dành hết tâm huyết để vở diễn khi ra đời đã đạt đến đỉnh cao cả về nghệ thuật lẫn doanh thu cho đến nay”.
Nhìn lại sân khấu kịch TPHCM hai thập niên qua, từ sau những tác phẩm được đánh giá là đỉnh cao: Dư luận quần chúng, Dạ cổ hoài lang, Nguyệt cầm, Xóm nhỏ Sài Gòn, Mẹ yêu, Ngôi nhà không có đàn ông, Nhà búp bê…, kịch nói tại TPHCM không còn tạo ra những cơn sốt vé như các vở: Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Vàng hay bạc nhái, Hãy yêu nhau đi, Thử yêu lần nữa, Màu của tình yêu (Sân khấu Kịch IDECAF), Xóm gà, Lò heo quay (Kịch Sài Gòn), Số đỏ, Chí Phèo, Kỹ nghệ lấy Tây, Bỉ võ (Kịch Phú Nhuận)… Có chăng là những vở diễn kinh dị như Người vợ ma (1 và 2), Quả tim máu (Kịch Phú Nhuận), Biệt thự bí ẩn, Điện thoại lúc nửa đêm (Nhà hát Thế giới trẻ), Quỷ, Hồn ma báo oán, Hồn trinh nữ (Kịch Sài Gòn)… ăn khách vì có yếu tố mới lạ.
Đạo diễn - nghệ sĩ Trần Minh Ngọc nhận định: “Kịch ngày nay khó dựng là do không dám đụng đến những vấn đề thời sự nóng bỏng của thời cuộc. Có hai nguyên nhân khiến các sân khấu ngại là phải bảo đảm an toàn cho vở diễn được cấp phép công diễn và không quá khô khan, khó bán vé. Thế nhưng trên thực tế, những vấn đề thời cuộc đưa vào kịch phải được tiêu hóa và hư cấu thật nhuyễn mới mong thuyết phục khán giả. Các vở diễn hiện nay, nếu không có yếu tố ma, đồng tính thì cười cợt cho vui vẻ, không có sự đối thoại với khán giả nên người xem cảm thấy nhạt nhẽo”.
Thiếu nguồn nhân lực
Điều khiến cho kịch bây giờ khó dựng chính là thiếu nguồn nhân lực mới. Quanh đi quẩn lại chỉ với bấy nhiêu diễn viên, đạo diễn, cách hình thành gu diễn của mỗi sân khấu cũng đã mòn khi mà cơn bão kịch kinh dị, hồn ma, quỷ ám, hài hước nhàn nhạt hoặc khai thác chuyện đồng tính, liêu trai đã khiến người xem phát ngán. Không ít suất diễn kịch dài của các sân khấu lâu nay được xem là “bất khả trả vé” cũng phải làm công việc chẳng đặng đừng này.
Ông Huỳnh Minh Nhị, nguyên giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM, nói: “Để có được một thế hệ vàng đạo diễn như Hoa Hạ, Hồng Vân, Công Ninh, Thanh Hoàng, Hồng Phúc, Minh Hải, Phú Hải, Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Hùng Lâm, Thanh Thủy, Khánh Hoàng…, chúng tôi đã tạo mọi điều kiện để họ nắm bắt cơ hội phát huy những thế mạnh của nghề. Thời gian để nuôi lớn hoài bão trong họ ít nhất từ 15 đến 20 năm, đến khi ra mắt CLB Kịch thể nghiệm, tiền thân của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM, họ đã đủ độ chín để lao vào sáng tạo, cống hiến”.
Đồng tình với ý kiến của ông Huỳnh Minh Nhị, nghệ sĩ Hồng Vân cho rằng: “Sau hai đạo diễn trẻ của sân khấu Kịch Phú Nhuận mà tôi tin tưởng là Đức Thịnh và Thái Hòa, đến nay khó tìm được những người có đủ tâm huyết với nghề. Các em bị chi phối bởi quá nhiều công việc khác ngoài kịch và chỉ xem sân khấu như một bước đệm để tìm kiếm cơ hội khác”.
Tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, nhấn mạnh: “Nhân tố mới của làng kịch không từ trên trời rơi xuống, phải tự sân khấu đào tạo, chọn lọc và đầu tư. Một dạo các sân khấu mời ca sĩ tham gia diễn kịch, rồi người mẫu, diễn viên điện ảnh, nghệ sĩ cải lương… cũng chỉ là thêm nhân, thêm nhụy nhưng cũng chẳng tạo được dấu ấn, do thiếu sự đầu tư.
Hướng tới giá trị đích thực Đạo diễn Ái Như (Kịch Hoàng Thái Thanh) nói: “Chúng tôi biết trong thời điểm hiện nay khó tìm được kịch bản hay nên để chắc ăn chỉ có cách tái dựng kịch bản cũ, đã có dấu ấn. Chúng tôi chọn dòng kịch văn học để hướng tới giá trị đích thực mà sân khấu phải làm, đó là tôn vinh cái đẹp, điều thiện trong cuộc sống. Mọi xảo thuật, chiêu thức rồi cũng sẽ qua đi, giá trị đích thực của tính nhân văn vẫn sống mãi”. Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu kịch IDECAF, cho biết: “Chọn kịch cổ trang trong mùa này, chúng tôi gần như đi ngược dòng nhưng tôi tin các vở: Vua thánh nhà Lê (tác giả: Lê Duy Hạnh, đạo diễn: Vũ Minh), Quyền lực tình yêu (tác giả: Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn: Hữu Châu) và Hoàng đế cỏ lau (tác giả - đạo diễn: Trung Nam) sẽ được công chúng đón nhận khi đi vào tính nhân văn sâu sắc và tạo bước tiến cho dàn diễn viên trẻ”. |