(Dân trí) - Lễ hội đền Thanh Liệt hay còn gọi là lễ hội rước hến là một tục lệ có từ lâu đời của làng Thanh Liệt, xã Hưng Lam, Hưng Nguyên. Đây một lễ hội mang tính chất cầu ngư giàu bản sắc, gắn bó với cư dân sông nước nơi hạ nguồn dòng sông Lam.
Năm nào cũng vậy, đúng ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch, nhân dân vạn chài làng Thanh Liệt (xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) ở khắp nơi trên mọi miền đất nước lại trở về quê hương để vui hội. Mặc dù là lễ hội của một cộng đồng người nhất định, song lễ hội đã thu hút đông đảo nhân dân khắp nơi tham gia.
Lễ hội đền Thanh Liệt năm nay (2012) được mở đầu khi trời còn sáng sớm, với lễ rước kiệu trên bộ từ ngôi đền thiêng của làng ra bãi bồi ven sông Lam sau đó đoàn rước tiến hành rước thủy trên một đoàn thuyền lớn được kết lại với nhau, trang trí cờ hoa rực rỡ.
Đi đầu đoàn rước là thuyền chủ có trang trí án thờ thủy thần, trên thuyền chở các bô lão của làng, tiếp theo là thuyền chở kiệu thần, sau cùng đoàn thuyền của nhân dân trong làng. Bơi quanh đoàn thuyền rước là 2 thuyền rồng, mỗi thuyền do 12 nam, 12 nữ mặc trang phục truyền thống vừa bơi trải vừa hát ví, hát dặm những làn điệu dân ca xứ Nghệ.
Cao trào của lễ rước trên sông Lam là lễ tế thủy thần ở ngã ba sông Lam nơi giao lưu với dòng sông Lam và Sông La (Hà Tĩnh) để cầu cho người ngư phủ được tôm cá đầy thuyền, cho con hến sinh sôi nảy nở…
Xung quanh đoàn thuyền rước là 2 thuyền rồng của trai, gái làng liên tục hò hét vang dội cả khúc sông. Lễ tế được tổ chức 2 lần trong thời gian từ 5 đến 6 giờ đồng hồ và kết thúc bằng màn rước kiệu về lại ngôi đền của làng, sau đó nhân dân bước vào phần hội. Phần hội diễn ra cũng không kém phần hấp dẫn với những trò chơi dân gian mang đậm màu sắc sông nước với các trò chơi dân gian như: thi bơi trải; thi cướp giải, bơi qua sông Lam, thi lặn,…
Lễ hội đền Thanh Liệt là một "đặc sản" lễ hội dân gian giàu bản sắc văn hóa thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và mang đậm dấu ấn của cư dân miền sông nước.
Dưới đây là một số hình ảnh về lễ hội cầu ngư:
Lễ rước bắt đầu từ đền...
Đoàn rước với đi đầu là chiếc thuyền truyền thống.
Sau đó đoàn rước đi qua cánh đồng lạc.
Đoàn rước được hộ tống bằng đường thủy trên dòng sông Lam với những chiếc thuyền và hàng chục nam thanh nữ tú chưa đến tuổi lấy chồng
Sau đó kiệu rước được đưa lên thuyền lớn.
Lúc thầy cúng lên đồng thì xung quanh đoàn thuyền rước là 2 thuyền rồng của trai, gái làng liên tục hò hét vang dội cả khúc sông.
Đoàn rước được kết bằng một đội tàu lớn đi hàng chục km trên sông Lam để tế lễ cầu ngư.
Phần tế lễ được cọn một người có uy tín nhất của làng thực hiện.
Hương sau khi cúng được đốt thả xuống sông với nghi lễ cầu bình an, cầu mùa màng được tốt đẹp.