Chầu văn đã ra đời trong môi trường tín ngưỡng dân gian, hình thành phong cách âm nhạc vừa độc đáo, bản sắc lại vừa tích hợp được những giá trị của các hình thức âm nhạc dân gian khác. Chầu văn đã được sáng tạo, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và trở thành di sản văn hoá của quốc gia.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ di sản Nghệ thuật Chầu văn, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hoá tín ngưỡng Việt Nam đã phối hợp với đại diện các nghệ nhân và những người thực hành Nghệ thuật Chầu văn ở một số tỉnh Miền Bắc và Miền Trung xúc tiến quá trình tập hợp, tổ chức và thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn Nghệ thuật Chầu văn Việt Nam.
Ảnh ST
Câu lạc bộ Bảo tồn Nghệ thuật Chầu văn Việt Nam ra mắt với sự tham dự của hàng trăm cung văn, nhà nghiên cứu và cộng đồng thực hành tín ngưỡng Văn hoá thờ Mẫu ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành phố khác. Đặc biệt là còn có sự tham dự của nhiều cơ quan Nhà nước thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Quốc gia UNESCO VN cùng với các tổ chức xã hội nghề nghiệp như Hội Văn Nghệ dân gian VN, Hội Di sản văn hoá VN…
Một số nghệ nhân bậc thầy về hát văn đã tham gia vào việc sáng lập Câu lạc bộ và sắp tới sẽ có chương trình truyền dạy các bài bản Chầu văn cổ ngay trong hoạt động đầu tiên của CLB. Để ghi nhận sự tài năng, sự cống hiến của các nghệ nhân, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hoá tín ngưỡng Việt Nam đã làm hồ sơ đề nghị và nhân dịp này Hội Văn Nghệ dân gian Việt Nam công nhận và trao tặng Danh hiệu Nghệ nhân dân gian đợt đầu tiên cho 5 nghệ nhân tiêu biểu.
Việc ra đời Câu lạc bộ Bảo tồn Nghệ thuật Chầu văn Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng. Cùng với Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa Đạo Mẫu Việt Nam (thành lập từ năm 2010, trực thuộc Trung tâm) Câu lạc bộ Bảo tồn Nghệ thuật Chầu văn sẽ là tổ chức nòng cốt trong việc trực tiếp, thiết thực bảo vệ và phát huy di sản Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu trong cuộc sống hôm nay và cho mai sau.
VN