Bìa cuốn sách Sự trỗi dậy của lớp người sáng tạo |
Ông cũng nhận xét các thành phố ở Úc và New Zealand đang thu hút rất nhiều người trẻ tài năng, nhất là từ Đông Á, vì có những cộng đồng đa dạng, đời sống nghệ thuật phong phú.
Giáo sư Florida kể lại việc phát triển khái niệm chỉ số sáng tạo của mình gần như ngẫu nhiên. Khi ông còn là một cậu bé ở thành phố Newark, bang New Jersey, bố của ông sở hữu một nhà máy và thường bảo ông rằng chính kiến thức của công nhân mới làm nên nhà máy chứ không phải những máy móc. Những năm sau đó, ông đã chứng kiến thấy Newark và nhà máy của bố ông suy yếu dần. Ông lấy bằng tiến sĩ về phát triển đô thị, làm giáo sư và bắt đầu viết sách về vốn liên doanh và toàn cầu hóa.
Tại Đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh, bang Penn-sylvania, ông gia nhập đội ngũ những người nhiệt huyết muốn biến thành phố thành một trung tâm công nghệ cao. Nhưng sau đó ông nghe công ty sở hữu trang web tìm kiếm thông tin nổi tiếng Lycos quyết định dời trụ sở khỏi thành phố này để đến Boston. Ông không hiểu lý do tại sao bởi Pittsburgh dường như có tất cả mọi thứ mà Lycos cần. Dần dần ông nhận ra rằng Boston sở hữu nhiều người tài năng hơn - nói theo ngôn ngữ kinh tế là có “vốn con người” dồi dào hơn.
Bước vào thế kỷ 21, lực lượng lao động có ảnh hưởng nhất về kinh tế, xã hội và nắm giữ tương lai thế giới là những người có khả năng cho ra đời các ý tưởng mới trong mọi lĩnh vực. Giáo sư người Mỹ Richard Florida gọi đây là những người sáng tạo trong cuốn sách best -seller Sự trỗi dậy của lớp người sáng tạo (The rise of the creative class). Khái niệm “chỉ số sáng tạo” ra đời cùng với sách này giúp đo lường sức thu hút của các thành phố và các quốc gia đối với những người có tố chất tạo ra những điều mới lạ. Giáo sư Florida đã xây dựng chỉ số sáng tạo dựa trên ba chữ T (Talent - tài năng, Technology - công nghệ, Tolerance - sự khoan dung) |
Ai là người sáng tạo?
Một chiều nọ, trong lúc đi bộ ngang qua khuôn viên Đại học Carnegie Mellon, giáo sư Florida nhìn thấy một nhóm bạn trẻ mặc áo thun xanh với dòng chữ “Trilogy@CMU”. Ông biết đây là tên một công ty phần mềm vi tính có tiếng ở thành phố Austin, bang Texas, chuyên tuyển dụng những sinh viên xuất sắc nhất. Ông đến bắt chuyện với một anh bạn trẻ nhuộm tóc đủ màu, tai đeo khoen và người đầy hình xăm và thầm nghĩ đây ắt hẳn là một “tay chơi”. Thật ra đó là một sinh viên có học lực thuộc hạng top, vừa ký một hợp đồng làm việc với mức lương cao thuộc hàng kỷ lục với Công ty Trilogy.
Nhưng tại sao anh bạn này lại rời Pittsburgh, một thành phố lớn với nhiều đại học hàng đầu, các phòng nhạc giao hưởng, bảo tàng nghệ thuật... để đến với Austin? Anh trả lời rằng đơn giản vì Austin có nhiều người trẻ, đời sống âm nhạc sôi động, văn hóa đa dạng, nhiều hoạt động giải trí ngoài trời hấp dẫn và thành phố đêm cũng tuyệt vời. Người bạn này biết rất rõ Pittsburgh và nhận được nhiều lời mời ở lại làm việc. Nhưng anh cảm thấy thành phố này thiếu nhiều sự lựa chọn cho một cuộc sống thú vị cũng như sự khoan dung cần thiết.
Theo giáo sư Florida, anh bạn trẻ này là một đại diện của lớp người sáng tạo. Điểm tương đồng căn bản giữa lớp người sáng tạo này là cho ra đời những ý tưởng mới cần thiết cho xã hội.
Những người sáng tạo làm việc nhiều giờ hơn bình thường, họ cần có sự tự do để làm việc tốt và sản phẩm của họ không thể đo lường theo cách thông thường. Giáo sư Florida nói các ý tưởng mới thật sự độc đáo không thể nảy sinh trong môi trường quản lý quá chặt chẽ và thường không theo kiểu “đặt hàng” từ cấp trên. Sự sáng tạo cần được nuôi dưỡng bằng sự tin tưởng tôn trọng và nhất định không thể “nặn ra” bằng sự quản lý quan liêu.
Một thành phố thành công phải ẩn chứa sự khoan dung
Yếu tố mang tính đột phá tạo nên chỉ số sáng tạo của giáo sư Florida là mức độ khoan dung (tolerance) của địa phương đối với những người nhập cư, những người có cách nghĩ “không giống ai” và giới văn nghệ sĩ. Những thành phố có môi trường sống và làm việc sinh động, mức độ khoan dung của xã hội cao, cởi mở với sự đa dạng, nhiều công trình vui chơi giải trí... sẽ là nơi thu hút được nhiều lao động sáng tạo. “Điều mà các thành phố cần có để vươn lên chính là những con người trẻ tuổi làm việc chăm chỉ, sáng tạo và sẵn lòng đón nhận thách thức, bên cạnh đó là giới văn nghệ sĩ, những người nhập cư có ý tưởng mới lạ”.
Giáo sư Florida phát hiện rằng trong một thế giới bấp bênh và nhất thời, ngày càng có khuynh hướng những người lao động sáng tạo đồng nhất nghề nghiệp của mình với nơi cư ngụ thay vì nơi làm việc. Ông viết: “Cách đây không lâu, bạn gặp một người trên máy bay, hỏi anh ta làm nghề gì và anh ấy trả lời mình là nhà lập trình ở Công ty Trilogy. Nhưng giờ đây câu trả lời là: Tôi làm lập trình và sống ở Austin”. Trong cuộc chiến giành tài năng, địa điểm đã thế chỗ cho công ty: “Người ta chuyển sang cộng đồng hơn là công ty để xác định danh tính của mình”. Khi những người thông minh, lành nghề đến xin việc ở một công ty, họ không chỉ quan tâm đến bầu không khí làm việc mà bắt đầu để ý đến những con đường chung quanh, các công viên, điểm giải trí về đêm... Họ muốn thấy những tín hiệu giúp ích sự sáng tạo hiện hữu trong môi trường sống.
Giáo sư Florida nhận xét rằng trong khi các thành phố đua nhau xây dựng những sân vận động hiện đại, các khu phức hợp thể thao qui mô, những người sáng tạo lại cần những con đường rợp bóng cây để đạp xe. “Bằng chứng là nhiều thành phố công nghệ cao của Mỹ như Austin và Raleigh-Durham có rất ít hoặc không có các trung tâm thể thao chuyên nghiệp” - ông nói. Những công nhân tri thức không muốn bỏ ra cả ngày chủ nhật đi xem bóng đá, họ muốn tham gia trực tiếp vào các hoạt động.
Nếu áp dụng cách phân tích của giáo sư Florida đối với nước Canada, có thể thấy nhiều điểm chính xác. Những thành phố trung tâm về nghệ thuật và nhập cư như Toronto, Vancouver, Calgary và Halifax cũng là nơi phát triển nhiều ngành kinh tế công nghệ cao. Đặc biệt, Toronto có sức sáng tạo rất cao vì sở hữu nền văn hóa đa dạng và lĩnh vực đa truyền thông phát triển. Ở Trung Quốc, Bắc Kinh được tạp chí Newsweek bầu chọn là một thành phố sáng tạo do có nguồn nhân lực từ bên ngoài đến rất đông đảo. Trong khi tại Hàn Quốc, những thành công về công nghệ băng thông rộng, game trực tuyến, các chương trình trên truyền hình... đã giúp tạo ra nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ thành công.
Ý tưởng về chỉ số sáng tạo của giáo sư Florida bắt đầu lan rộng tại Mỹ và tiếp đó là các nước trên thế giới kể từ khi quyển sách của ông ra đời cuối năm 2002. Nhiều nước và thành phố lớn đã bắt đầu vận dụng chỉ số sáng tạo của ông trong việc hoạch định chính sách tạo sự đột phá trong nền kinh tế.
SƠN NGUYỄN