Và thế là, dự án báo cháy bằng Internet của chàng sinh viên ĐH Bách khoa TPHCM Bùi Tiến Dũng ra đời với mong muốn, công việc của người bảo vệ rừng sẽ nhẹ nhàng hơn.
Mặc dù hiện nay đề tài hướng vào việc báo cháy qua Internet ở khu dân cư và các doanh nghiệp, nhưng Dũng cho biết, cái mà cậu hằng ấp ủ vẫn là dự báo cháy rừng.
Ý tưởng này được thôi thúc từ những năm tháng sống cùng với cha là cán bộ lâm nghiệp ở Lâm trường Mã Đã (Đồng Nai). Chứng kiến cảnh vào mùa khô, cha cực khổ cầm bình chữa cháy và các thùng nước đi khắp nơi trong rừng, xịt vào những chỗ có nguy cơ cháy, Dũng đã nảy ra ý tưởng làm một cái gì đó giúp cha ngồi một chỗ mà vẫn có thể nhận biết những điểm “nhạy cảm” trong rừng mà đề phòng.
Ý tưởng đó ấp ủ mãi và đến khi vào học ĐH Bách khoa TPHCM, Dũng đã biến nó thành hiện thực như đề tài ngày hôm nay.
Tuy nhiên, đã có một sự thay đổi trong đề tài, bởi ngay từ đầu nếu trực tiếp làm về dự báo cháy rừng sẽ rất khó do nó quá rộng và Internet cũng chưa được phổ biến rộng rãi, Dũng đã hướng đề tài qua nội dung báo cháy ở khu dân cư và doanh nghiệp trước.
Quy trình báo cháy khá đơn giản, bằng cách sử dụng một chip vi điều khiển gắn ở nơi cần theo dõi tình hình cháy. Chip này được gán cho một địa chỉ IP cố định và thông qua internet các dữ liệu được chip phân tích về nguồn cháy như khói, nhiệt độ, độ ẩm… sẽ truyền về máy tính trung tâm giúp người giám sát có thể theo dõi được tình hình và có biện pháp khắc phục sớm. Năng lượng dùng cho chip vi điều khiển là năng lượng từ ánh sáng mặt trời, gió, thậm chí là dùng pin và tiêu hao ở mức thấp nhất.
Sơ đồ dự báo cháy thông qua Internet.
Lúc đầu thực hiện đề tài, Dũng gặp rất nhiều khó khăn khi phải tự mình mày mò dịch các tài liệu của nước ngoài vì không có một tài liệu nào trong nước liên quan đến vấn đề này. Việc tìm thiết bị cũng là điều đau đầu khi con chip vi điều khiển không biết kiếm ở đâu. Rất may, thầy giáo hướng dẫn đã kiếm cho Dũng một con chip miễn phí từ nước ngoài, người ta vẫn quen gọi là con chip example. Hiện nay, về cơ bản đề tài đã được hoàn thiện, tuy nhiên theo Dũng cần có thêm sự bổ sung về phần mềm điểu khiển nữa là có thể đem vào sử dụng.
Mặc dù đã hoàn thiện nhưng đề tài này mới chỉ nằm trong phạm vi nghiên cứu. Dũng đang rất băn khoăn trong việc làm thế nào để đưa nó ra thị trường và kinh doanh thương mại. Bởi không thể tính được mức chi phí trên sẽ là bao nhiêu, cần thực hiện những bước như thế nào để hiện thực hoá nó đến tay các doanh nghiệp và khu dân cư.
Dũng đang hi vọng sẽ có một người hay một công ty nào đó hoạt động về kinh tế có thể giúp mình thực hiện công việc trên. Đặc biệt là sự hỗ trợ về tài chính và hướng dẫn các bước để có thể tiến hành.
Thêm vào đó, Dũng vẫn muốn có sự đầu tư và hướng dẫn thêm từ các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau để có thể phát triển đề tài đến đích của nó là dự báo cháy rừng qua internet hoặc sóng vô tuyến. Một việc có tính chất cấp thiết hiện nay khi mà vào mùa khô khắp các cánh rừng trong cả nước đều có nguy cơ xảy ra cháy. Các biện pháp báo cháy rừng trong nước ở thời điểm này vẫn còn khá nhiều bất cập và cũ kĩ, tất cả chủ yếu dựa vào thời tiết mà dự đoán.
Lê Mỹ