Đề tài không ra khỏi… cổng trường
S, một sinh viên than thở: “Chẳng có năm nào như năm nay. Tự dưng bị hủy đề tài đột ngột. Bao nhiêu công sức chuẩn bị từ đầu năm tới giờ coi như công cốc”. Nhìn lên khóa trước rồi nhìn qua trường bạn như ĐH Kiến trúc, ĐH Hồng Bàng, những sinh viên khóa 2005-2009 càng thêm “ghen tị”. Bởi lẽ, trường bạn không có giới hạn đề tài mà chỉ gợi ý và khuyến khích sinh viên lựa chọn đồ án tốt nghiệp.
Trao đổi với Dân trí, sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết với việc phải thiết kế những sản phẩm mang tính ứng dụng trong chính nhà trường như thùng đựng rác, hộp bút viết, bộ truyện tranh…đã làm hạn chế sự sáng tạo của các bạn. Không những thế, sinh viên không được phát huy thế mạnh của mình. Những đề tài chỉ mang tính ứng dụng cho nhà trường nên sau này ra xin việc, khó gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết ngày 26/3/2009, thầy Vũ Hiền, Trưởng khoa Mỹ thuật Công nghiệp đã họp lớp khẩn cấp để thông báo hủy bỏ đề tài tốt nghiệp mà sinh viên vừa đăng kí một tuần trước. Thay vào đó, sinh viên phải thực hiện đồ án tốt nghiệp hướng đến việc ứng dụng được trong nhà trường. Sinh viên được hoàn toàn tự do lựa chọn đề tài, miễn sao là phải đạt được tiêu chí là thiết kế cho nhà trường.
Chẳng hạn, ngành Đồ họa thì thiết kế bộ truyện tranh về bác Tôn, thiết kế bộ truyện tranh treo dọc hành lang trường, thiết kế bộ poster về cuộc đời sự nghiệp của bác Tôn, thiết kế bộ bài quảng bá thương hiệu cho 11 khoa của trường ĐH Tôn Đức Thắng. Còn ngành Tạo dáng thì thiết kế thùng đựng rác đặt trong khuôn viên trường, thiết kế bộ bút viết, bộ trang sức/phụ kiện dành cho sinh viên và giảng viên của trường…
Chỉ là giúp trường thiết kế cho đẹp
Qua tìm hiểu của Dân trí, ngay trong buổi bảo vệ tốt nghiệp, hiệu trưởng Lê Vinh Danh đã quyết định mua hai sản phẩm là đồ án tốt nghiệp của sinh viên. Đó là sản phẩm bục giảng trong hội trường và bộ bàn ghế cho sinh viên được lắp ghép với nhau. Bục giảng được bán với giá 3 triệu đồng. |
Chiều ngày 9/9/2009, báo Dân trí đã đem những thắc mắc và băn khoăn của sinh viên để trao đổi với ông Vũ Hiền, trưởng khoa Mỹ thuật công nghiệp và ông Nguyễn Quốc Bảo, trưởng phòng Kiểm định và giám sát nội bộ, trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Họa sĩ Vũ Hiền cho biết chính ông là người đã đưa ra ý tưởng thay đổi đề tài tốt nghiệp của sinh viên. Trước khi thông báo cho sinh viên, theo lời ông thì ý tưởng đã nhận được sự đồng tình của hiệu trưởng nhà trường. Việc hủy những đề tài tự chọn của sinh viên có 2 lí do. Thứ nhất là để đảm bảo tính khách quan và công bằng. Trưởng khoa cho rằng sinh viên có sự sao chép rất nhiều lần, ngay cả trong lúc học bình thường lẫn khi làm đồ án tốt nghiệp.
Thứ hai là cơ sở ở quận 7 của trường đang trong giai đoạn xây dựng. Thay vì phải đi thuê ở bên ngoài thì sinh viên và các thầy giáo có thể giúp cho nhà trường các bản thiết kế để nhà trường có thể tham khảo và sử dụng vào xây trường học cho đẹp. Những sản phẩm nào phù hợp thì trường sẽ trả tiền bản quyền cho sinh viên đầy đủ. Ông Nguyễn Quốc Bảo cho biết thêm là nhà trường không trông mong gì ở việc sử dụng sản phẩm của sinh viên. Chẳng qua, đây là cơ hội để các em thể hiện mình khi thực hiện đề tài ứng dụng trong một hoàn cảnh cụ thể.
Trả lời về việc liệu những đề tài không bước chân ra khỏi cổng trường như thế có làm hạn chế tính sáng tạo của sinh viên hay không, ông Nguyễn Quốc Bảo cho rằng với 10ha diện tích và hàng trăm ngàn hạng mục ở cơ sở Tân Phong, quận 7 thì sinh viên tha hồ thể hiện ý tưởng sáng tạo của mình. Như thiết kế bồn hoa, phòng hiệu trưởng, trong phòng học, phòng truyền thống, câu lạc bộ, thư viện…
Vấn đề là ở chỗ không gian rộng hay hẹp. Ví dụ, nếu thiết kế nữ trang cho sinh viên trường Tôn Đức Thắng thì chẳng qua cũng là thiết kế nữ trang mà thôi, khác là ở chỗ để nó ở một hoàn cảnh nhất định. Vấn đề là các em thể hiện như thế nào mà thôi. Sau này đi làm thì cũng chỉ là những thiết kế mang tính ứng dụng như thế chứ đâu có gì khác. Càng đạt tới khả năng ứng dụng thì càng có ích cho các em. Theo họa sĩ Vũ Hiền thì tiêu chí của khoa là ứng dụng. Nếu đề tài mang tính ứng dụng thì điểm càng cao. Nếu sinh viên có đơn đặt hàng của công ty thì khoa không bắt sinh viên phải làm đề tài trong trường nữa. Thực tế là đã có vài sinh viên như vậy. Dù làm ở đâu cũng cần hướng tới tính mục đích sử dụng.
Chúng tôi xin lấy một nhận định của N.Huấn, chuyên viên thiết kế nội thất, cựu sinh viên khoa Mỹ thuật công nghiệp, ĐH Kiến trúc TPHCM: “Đúng là việc giới hạn đề tài sẽ gây sốc cho sinh viên. Vì xưa nay, khoa Mỹ thuật công nghiệp ở các trường đều để cho sinh viên tự chọn đề tài. Dẫu vậy, sự sáng tạo khi thực hiện những đề tài trên không phải là không có. Nó đòi hỏi sinh viên phải nỗ lực nhiều hơn mà thôi. Ngoài ra, việc giúp thiết kế cho nhà trường, tốt hơn hết nên dành cho những cuộc thi hơn là để trong phần làm đồ án tốt nghiệp, nơi cần thiết thể hiện thế mạnh của mỗi người”.
Hiếu Hiền