Đổi mới cách dạy môn Ngữ văn theo hướng nào?

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức không thuộc những mục trên

Đổi mới cách dạy môn Ngữ văn theo hướng nào?

Gửi bàigửi bởi Zelda » 16 Tháng 7 2010, 13:55

Diễn đàn Dân trí đã cho đăng bài “Kinh nghiệm hay trong cách dạy môn văn của nước ngoài” nhằm đưa ra những gợi ý đổi mới cách dạy và học môn ngữ văn của nhà trường chúng ta. Đây quả thực là một chủ đề đáng bàn.
 >> Kinh nghiệm hay trong cách dạy môn văn của nước ngoài
 
Là người trong cuộc, chúng tôi cũng suy nghĩ nhiều về tình trạng sa sút của các môn khoa học xã hội và nhân văn nói chung và môn ngữ văn nói riêng trong nhà trường hiện nay của chúng ta. Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó là do đội ngũ GV chưa thực sự tâm huyết, đam mê với nghề nghiệp, lên lớp theo phương pháp cũ, thiếu sáng tạo, thiếu hấp dẫn.

 

Đặc thù của các môn KHXHNV là nội dung kiến thức thường được trình bày trong SGK, sách GV nên nếu GV không chịu khó đổi mới, sáng tạo thì dễ đi vào con đường mòn là trình bày lại những nội dung cố định. Chúng tôi đã dự nhiều giờ thao giảng và nhận thấy GV chỉ cố gắng trình bày lại những điều đã có sẵn trong SGK, vì thế giờ học rơi và tình trạng hình thức.

 

Ngay cả những giờ giảng được đánh giá là thành công thì tính chất “độc diễn” của GV vẫn thể hiện khá rõ nét. Thậm chí có những giờ dạy diễn ra rất rôm rả, sôi nổi, nhưng thực chất chỉ là một “màn kịch” dàn dựng khéo, tất cả đã được GV tập dượt trước, cả những câu hỏi bài cũ, và chỉ định luôn những học sinh nào sẽ phát biểu! Nhiều GV được khen là “dạy hay”, song thực chất là “diễn thuyết” hay, và HS học xong là kiến thức cứ trôi đi tuồn tuột.  

 

Tuy nhiên, để đổi mới phương pháp giảng dạy thành công, nếu chỉ có sự nỗ lực từ phía GV thì không đem lại kết quả gì, mà quan trọng là cần có sự hưởng ứng tích cực từ phía HS. Thói quen học tập thụ động, đối phó của HS là một rào cản lớn đối với quá trình đổi mới phương pháp dạy học. Hiện HS phải học nhiều môn, các em không có điều kiện đầu tư thời gian thích đáng cho tất cả các môn, vì vậy mới sinh ra tình trạng học lệch.     

 

Học theo phương pháp mới đòi hỏi các em phải đầu tư nhiều thời gian để làm bài tập, tham khảo tài liệu, thu thập, xử lý thông tin khoa học…Đa số HS không có đủ các tài liệu tham khảo cần thiết, và chưa hình thành được tư duy phản biện, độc lập trong học tập.

 

Những khó khăn từ hai phía thầy và trò khiến cho tình trạng đổi mới phương pháp dạy học ở nhiều môn rơi vào vòng luẩn quẩn, hình thức, ít có chuyển biến mạnh và hiệu quả cao.

 

Nguy hại nhất là tư duy tự bằng lòng, an phận đã trở nên phổ biến trong cả GV và HS. GV bằng lòng với việc HS làm bài giống với ý mình, càng giống càng tốt, và HS thì không coi việc chép tài liệu, quay cóp khi kiểm tra là xấu.

 

Trước thực trạng đó, một số người mong muốn sẽ học tập, tham khảo những mô hình đổi mới phương pháp giáo dục của nước ngoài để góp phần thay đổi nhận thức và thúc đẩy hành động. Tuy nhiên, một số người chưa nghiên cứu vấn đề một cách kĩ lưỡng mà thường chỉ nhìn thấy sự khác biệt ở một số phương diện nào đó, rồi hô hào đổi mới theo nước ngoài.  

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Đối với môn Ngữ văn, tình hình cũng tương tự. Quan niệm về tính chất, yêu cầu, nội dung môn học của nước ngoài chắc cũng có nhiều khác biệt so với Việt Nam. Điều kiện về đội ngũ GV, HS, cơ sở vật chất, chương trình cũng nhiều điểm không giống ta.

 

Ví dụ: Nhiều nước môn học được tổ chức theo lối cuốn chiếu, nghĩa là HS phải học rất ít môn, và có nhiều điều kiện thời gian để đầu tư cho môn học. Đội ngũ GV của họ được tuyển chọn hết sức khắt khe, đào tạo bài bản, và có mức lương đủ sống, nghĩa là tính chuyên nghiệp rất cao. Lớp học thường có ít HS, nên GV có điều kiện quan tâm tới từng em. Điều kiện học tập của HS rất đầy đủ. Ngay cả quan niệm về mục đích, yêu cầu môn học của họ cũng có những khác biệt so với ta. Quan niệm giáo dục của họ cũng khác, nghĩa là tôn trọng tối đa sự sáng tạo, phát triển của cá nhân.

 

Ví dụ bài học “Cô bé Lọ Lem” ở trên, chắc chắn là sản phẩm của một nền giáo dục rất “thoáng”, nghĩa là cho phép người dạy, người học được phát huy tự do, sáng tạo ở mức tối đa. Cũng bài học đó, nếu một GV khác dạy ở một lớp khác thì “kịch bản” có thể hoàn toàn khác.

 

Trong khi đó, tư duy giáo dục của chúng ta còn rất coi trọng quy chế, sự thống nhất. Những bài giảng thường giống nhau qua các năm, và giống nhau giữa các GV khác nhau đến mức nhàm chán. Nhưng càng giống càng được đánh giá là thống nhất, đúng quy chế.

 

Có những bộ giáo án trên mạng (thực chất là viết lại sách GV), được hàng vạn GV tải về, rồi sửa tên tuổi, ngày tháng, in ra mà không thấy ai kiểm tra có ý kiến gì. Một chuyên viên môn Tiếng Anh kiểm tra giáo án vi tính của nhiều GV rồi lắc đầu “Toàn sao chép của nhau, hoặc sao chép trên mạng”.

 

Trong khi đó những nỗ lực đổi mới đôi khi lại bị “tuýt còi”. Một GV dạy Lịch sử THPT được HS rất mê, vì thầy dạy những điều không có trong sách, mà luôn kể những câu chuyện lịch sử hấp dẫn liên quan. Một vị chuyên viên của Sở đã dự một số giờ của thầy rồi kết luận dạy như thế là “sai quy chế, vô bổ”.

 

Một vị chuyên viên môn Văn cũng tỏ ra rất bất bình khi xem giáo án của một GV và thấy chỉ toàn những câu hỏi, mà không có nội dung trả lời. Ông này đã “chỉnh” cả tổ về quy cách soạn giáo án, và suýt kỉ luật GV nọ.  

 

Trở lại với bài giảng “Cô bé Lọ Lem” của GV Mĩ, bên cạnh những ưu điểm mà tác giả đã chỉ ra, bài giảng còn có những vấn đề cần phải xem xét. Dễ nhận thấy từ đầu đến cuối GV là một “đạo diễn” tài ba, nhưng điều đáng tiếc là vị đạo diễn này đã lấn sân, nên vai trò của “diễn viên” (HS) đáng ra phải nổi bật lên lại bị lu mờ.

 

Giờ học được tổ chức theo kiểu đối thoại, nhưng chủ yếu là lời của ông thầy, còn lời của trò chỉ mang tính chất phụ họa, “tiếng đế”, chỉ có phát hiện ở cuối bài về chi tiết “lỗi” của truyện là đáng kể. Cứ làm một thống kê so sánh về tỷ lệ từ ngữ của ông thầy và HS trong giờ học sẽ rõ. Toàn bộ chân lý là do thầy phát hiện, và phát biểu.

 

Đành rằng các em HS này có thể còn nhỏ tuổi, nhưng ông thầy giỏi là người biết dẫn dắt sao để cho HS tự nắm được chân lý, chứ không phải là chỉ thụ động tiếp thu chân lý. Ít ra thì cũng đóng vai người đồng hành, chứ không nên tự mình làm lấy tất cả. “Cung cấp cần câu thay vì cho cá”, đó là nguyên tắc sơ đẳng mà bất cứ nhà giáo nào cũng đã biết.

 

Hạn chế thứ hai cũng xuất phát từ hạn chế thứ nhất, là tính chất suy diễn của nội dung bài giảng. Vì GV không để cho HS tiếp nhận bài học một cách tự nhiên, không khơi gợi cho các em phát biểu những điều mình nghĩ một cách tự do, nên đã rơi vào lỗi “áp đặt chân lý”, dù hay và đúng đến mấy.

 

Từ bài học về một truyện cổ tích, ông thầy đã dẫn dắt HS đến những vấn đề như: Cần ăn mặc chỉnh tề, sự giúp đỡ của bạn bè, cần biết thương yêu chính mình, biết tự tạo ra cơ hội, giữ thói quen đúng giờ… “rằng hay thì thật là hay”, nhưng cũng nhiều quá. Quá nhiều bài học, thì HS sẽ khó lĩnh hội được sâu sắc một bài học nào.

 

Chúng tôi có cảm giác là trong những bài học khác, người ta cũng rất dễ dẫn dắt HS đến những bài học tương tự, nghĩa là ông thầy “tán” nhiều quá. Mà việc rút ra quá nhiều bài học đạo đức, ứng xử như thế sẽ khiến giờ học “lạc đề”, lấn sân sang nội dung của môn GDCD. Ý kiến về việc bài dạy không đúng đặc trưng bộ môn cũng có cơ sở.

 

Văn học là môn học về nghệ thuật, những bài học (hay thông điệp) của môn Văn thường được lồng một cách tự nhiên đằng sau vẻ đẹp, ý nghĩa của hình tượng, của ngôn từ. Tính chất giáo dục của văn chương không thể hiện một cách trực tiếp như môn GDCD mà thường gián tiếp, tự nhiên, vì vậy có độ lắng sâu, bền vững, có sức mạnh riêng. Dạy văn mà cứ nhăm nhăm tìm ra “bài học”, càng nhiều bài học càng tốt, thì chắc chắn sẽ thất bại. Nhiều khi GV không nói là bài học gì, mà mỗi HS tự tìm thấy ý nghĩa, bài học cho riêng mình.  

 

Mỗi lời giảng, cách giải thích của GV Văn vì thế cần tự nhiên, tinh tế, nhưng cũng phải chính xác. Nhiều khi, một cắt nghĩa sai của GV đã để lại những hậu quả lâu dài. Bởi vì HS cứ nghĩ rằng đó là chân lý. Ví dụ như cách giải thích của người GV Mĩ nói trên có một điểm cần tranh luận.

 

Đó là “Vì thế chúng ta thường cho rằng các bà mẹ kế dường như đều chẳng phải là người tốt. Thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi, chứ lại rất tốt với con mình. Các em hiểu chưa? Họ không phải là người xấu đâu, chỉ có điều họ chưa thể yêu con của người khác như con mình mà thôi”.

 

Đây là một lời bào chữa cho bà mẹ kế và có thể gây hiểu lầm. Họ có thể “chưa thể yêu con của người khác như con của mình”, cái đó là quyền họ.  Nhưng họ không thể nhân danh vì con mình mà đối xử nhẫn tâm, tàn tệ với “con của người khác” được. Đó là tội ác xuất phát từ tính ích kỉ, đố kị  không thể tha thứ, không thể biện minh. Ở đây, không khéo đầu óc trẻ thơ đã hiểu sai về bản chất vấn đề, cho rằng những người như bà mẹ kế nọ “không phải là người xấu”!?

 

Cũng nên cho các em biết là những người nhân hậu yêu thương con người khác cũng như con của mình.

 

Một trong những mục tiêu quan trọng của giáo dục là giúp người học nhận thức được đúng sai, Thiện-Ác. Điều này tưởng như đơn giản nhưng thực chất là vấn đề mà con người luôn phải đối mặt trong suốt cuộc đời. Đôi khi chỉ một lời nói thiếu chín chắn của người thầy cũng đã gây nên những hậu quả hết sức nặng nề.

 

Ở đây chúng ta lại trở về một vấn đề có tính nguyên lý: Dạy Văn là dạy người. Dạy người là mục đích, nhưng phải thông qua văn chương, bảo đảm những quy luật đặc thù của văn chương.       

                                                                  

                    Trọng Nghĩa

 

LTS Dân trí - Những ý kiến bàn luận của tác giả viết bài trên đây là có cơ sở và lý lẽ, xuất phát từ lối tư duy biết phê phán.

 

Chân lý luôn là cụ thể, cho nên không thể tiếp thu kinh nghiệm của nước ngoài một cách máy móc do những điều kiện cụ thể của chúng ta rất khác với điều kiện của họ. Xong có một nguyên lý chung trong việc nâng cao hiệu quả của giờ dạy văn trong nhà trường là người thầy phải tạo ra những tình huống để học sinh hào hứng tham gia tích cực vào giờ học văn; dưới sự dẫn dắt khéo léo của thầy giáo, học sinh chủ động đóng góp vào việc khai phá những điều mới mẻ về nội dung tư tưởng cũng giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

 

Đương nhiên muốn đổi mới cách dạy và học môn văn trong nhà trường không thể chỉ hô hào sự đổi mới của giáo viên mà còn cần đổi mới đồng bộ về chương trình sách giáo khoa; thay đổi những quy chế gò bó đối với giáo viên, cũng như cần có sự chuẩn bị kỹ bài ở nhà của học sinh nhằm tham gia tích cực vào giờ học môn văn.

 

Sưu tầm từ dantri
Hình đại diện của thành viên
Zelda
 
Bài viết: 69
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2007, 02:35


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST khác

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến162 khách


cron