So với các môn khác, Ngữ văn là môn học có nhiều nét đặc thù. Việc cải tiến, đổi mới trong đề thi, kiểm tra sẽ có tác động đáng kể tới phương pháp dạy - học của giáo viên và học sinh. Thời gian qua, dạng đề “mở” đã xuất hiện ngày càng nhiều trong các tiết kiểm tra môn Ngữ văn ở các cấp học, nhất là bậc THCS và THPT. Đặc biệt, đề thi “mở” đã “góp mặt” trong những kỳ thi quan trọng như: Thi tuyển vào lớp 10, Thi tốt nghiệp THPT, Thi tuyển sinh và ĐH, CĐ. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 vừa qua, câu 2 phần đề chung cho tất cả thí sinh được ra theo hướng “mở”: Anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (không quá 400 từ) phát biểu ý kiến về tác dụng của việc đọc sách. Ở kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm 2009, câu 2 phần chung của đề thi ở cả hai khối có thi môn Ngữ văn là C và D thuộc dạng đề “mở”. Từ một câu trong lá thư của một danh nhân gửi cho thầy giáo của con trai “xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi”, đề thi khối C yêu cầu thí sinh viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về đức tính trung thực trong khi thi và cuộc sống.
Tương tự, đề thi khối D yêu cầu thí sinh viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ về ý kiến: “Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa” (Theo sách Dám thành công, nhiều tác giả, NXB trẻ). Mặc dầu chỉ chiếm gần 1/3 tổng số điểm của cả đề thi (3 điểm), nhưng sự xuất hiện của những câu hỏi theo hướng “mở” đã phần nào phản ánh xu thế đổi mới về chất trong khâu kiểm tra, đánh giá khả năng, năng lực học tập của học sinh.
Khác với dạng đề “truyền thống” thường kèm theo những “mệnh lệnh”, gợi dẫn về thao tác lập luận như: “hãy chứng minh…”, “hãy phân tích…”, “hãy giải thích…”, “hãy bình luận”…; hoặc phương thức biểu đạt như: “hãy phát biểu cảm nghĩ”…, “hãy kể…”. Đề “mở” là loại đề chỉ nêu vấn đề cần bàn luận trong bài nghị luận hoặc chỉ nêu đề tài để viết văn miêu tả, tự sự. Chẳng hạn như: điều kỳ diệu của tình yêu thương, kỷ niệm ngày tựu trường, bệnh vô cảm của con người thời hiện đại, Tình yêu thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi, Chất “thép” và chất “tình” trong thơ Hồ Chí Minh v.v… Tuỳ thuộc vào nội dung vấn đề, đề tài được nêu ra trong đề bài mà người viết lựa chọn và quyết định sử dụng các thao tác nghị luận phù hợp. Thông thường là phải kết hợp, vận dụng nhiều thao tác khác nhau trong bài viết. Đề “mở” yêu cầu cao ở học sinh sự sáng tạo, linh hoạt, những suy nghĩ, cách cảm thụ độc lập, khó có thể lệ thuộc vào các loại tài liệu tham khảo.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn
Có một thực tế là, từ bấy lâu nay việc đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn nói chung, cách thức ra đề thi, kiểm tra môn học có nhiều nét đặc thù này nói riêng diễn ra chưa triệt để, đồng đều ở những đơn vị trường học khác nhau, những địa phương khác nhau. Những “ám ảnh” về dạng đề truyền thống vẫn còn khá dai dẳng trong một bộ phận giáo viên hiện nay. Do đó, trước sự xuất hiện của những câu hỏi “mở” trong đề thi ở những kỳ thi có tính chất quan trọng, đã xuất hiện những ý kiến thái độ khác nhau. Nhiều giáo viên, học sinh tỏ ra thích thú, háo hức. Một số khác lại tỏ ra ngỡ ngàng, lúng túng, băn khoăn. Thậm chí, còn có những phản ánh là “đề thi lạ”, “đề thi khó” hay “đề thi có vấn đề”.
Bên cạnh việc phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, một ưu điểm khác cần được nói đến của dạng đề “mở” là có thể phân hoá được học lực của học sinh. Cùng với các dạng đề nghị luận văn học, những đề văn nghị luận xã hội theo hướng “mở” sẽ tạo cho học sinh cơ hội được bày tỏ nhận thức, suy nghĩ của mình đối với những vấn đề khác nhau của xã hội. từ đó, góp phần hình thành kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử phù hợp đối với những vấn đề đặt ra trong cuộc sống thường nhật. Cũng là cách để “kéo” văn chưong về gần hơn với cuộc sống. Điều cần lưu ý là, đáp án đối với dạng đề “mở” cũng cần được soạn theo hướng “mở”. Nghĩa là, không nên ràng buộc người viết vào một số ý nào có sẵn, cho trước mà chỉ cần định hướng về cách giải quyết. Chất lượng của bài viết cũng không nên quá câu nệ vào dung lượng ngắn, dài. Điều quan trọng là học sinh phải xác định đúng trọng tâm vấn đề cần trình bày và thể hiện nó một cách rõ ràng, minh bạch, logic, có chủ kiến, có sức thuyết phục. Giáo viên khi chấm thi cũng phải thật sự “vững tay” để không bỏ qua những suy nghĩ độc đáo, sáng tạo của học sinh (có thể không có trong đáp án) thể hiện trong bài viết.
Bùi Minh Tuấn
Giáo viên trường THPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An
LTS Dân trí - Môn ngữ văn là một môn học đóng góp quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện đối với học sinh, nhưng nhiều năm qua môn học này chưa đem lại sự hứng thú học tập đối với học sinh, cho nên các em thường học theo cách đối phó, “học tủ” thuộc lòng một số phần để ứng phó với các kỳ thi, còn kiến thức thực chất thu nhận được rất hạn chế. Vì vậy số đông học sinh đạt điểm rất thấp, từ 0 đến 2-3 điểm, qua các kỳ thi môn văn.
Ra đề ngữ văn theo “dạng mở” là một biện pháp nâng cao tính suy luận, sáng tạo, chống học vẹt, học tủ, buộc học sinh và cả thầy giáo phải đổi mới cách học cũng như cách dạy. Đấy cũng là biện pháp nâng cao chất lượng môn ngữ văn trong nhà trường phổ thông và đánh giá đúng thực chất kết quả học tập cũng như tự học của học sinh.