Đổi mới cách dạy và học môn ngữ văn

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức không thuộc những mục trên

Đổi mới cách dạy và học môn ngữ văn

Gửi bàigửi bởi YTSTNews » 16 Tháng 7 2010, 13:57

Theo thống kê kết quả tuyển sinh đại học, cao đẳng những năm gần đây bài thi môn ngữ văn đạt điểm cao rất ít, phần lớn dưới trung bình, thậm chí điểm 0 cũng rất nhiều.
 
Trong đó, nhiều bài văn của học sinh khiến người chấm dở khóc dở cười vì những sai sót quá cơ bản như sai chính tả, sai kiến thức, suy diễn theo cảm tính, viết mà không hiểu những gì mình đã viết... Điều đó đã phần nào phản ánh thực trạng dạy - học Văn trong trường phổ thông đang ở mức đáng báo động đòi hỏi các nhà quản lý giáo dục cần đưa ra những giải pháp thích hợp để đổi mới quy trình dạy và học môn Văn hiện nay.

 

Khảo sát bài thi của thí sinh cho thấy sai chính tả là lỗi phổ biến nhất. Những lỗi chính tả thường gặp là: tên riêng của nhà văn, nhà thơ không viết hoa, rất nhiều bài văn từ đầu đến cuối không có một dấu chấm câu nào, nhiều từ đơn giản cũng không viết đúng. Cùng với lỗi viết sai chính tả là lỗi dùng từ và đặt câu. Thí sinh rất hay nhầm lẫn những từ gần giống nhau, không có ý thức qua dòng, không biết tổ chức các đoạn văn và viết câu thì câu què, câu cụt, câu sai cấu trúc, sai lô gíc. Nhiều câu văn của học sinh mà người chấm không thể hiểu nổi học sinh đó muốn viết gì. Điều đó cho thấy học sinh hết sức lơ mơ về kiến thức ngữ văn. Có một thực tế là hiện nay rất ít học sinh biết rung động trước những tác phẩm văn học hay. Do vậy khi làm bài, học sinh thường suy luận chủ quan, dung tục hoá văn chương. Ngoài những lỗi trên thì tình trạng học sinh làm bài sai kiến thức cơ bản vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Đó là tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, viết sai tên tác giả, tác phẩm, nhầm tác phẩm của nhà văn này với nhà văn khác… 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

 
Sở dĩ chất lượng học văn của học sinh kém như vậy là do các nguyên nhân chủ yếu sau: Giáo viên mặc dầu đã có ý thức đổi mới phương pháp dạy học văn nhưng việc thực hiện chỉ mới mang tính chất hình thức, thử nghiệm chứ chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Một số giáo viên vẫn còn thói quen dạy học theo kiểu truyền thụ kiến thức một chiều: giáo viên giảng giải, học sinh lắng nghe, ghi nhớ và biết nhắc lại đúng những điều mà giáo viên đã truyền đạt. Giáo viên chủ động cung cấp kiến thức cho học sinh, áp đặt những kinh nghiệm, hiểu biết, cách cảm, cách nghĩ của mình tới học sinh. Nhiều giáo viên chưa chú trọng đến việc tiếp thu, vận dụng kiến thức của học sinh cũng như việc chỉ ra cho người học con đường tích cực chủ động để thu nhận kiến thức. Do đó, có những giờ dạy được giáo viên tiến hành như một giờ diễn thuyết, thậm chí giáo viên còn đọc chậm cho học sinh chép lại những gì có sẵn ở giáo án. Giờ học tác phẩm văn chương vì thế vẫn chưa thu hút được sự chú ý của người học. Một bộ phận không nhỏ học sinh vẫn tỏ ra bàng quan, thờ ơ với văn chương.

Hơn nữa, không ít giáo viên đứng lớp chưa được trang bị kỹ càng, đồng bộ về quan điểm và lý luận phương pháp dạy học Văn mới. Vấn đề quan điểm và lý luận phương pháp dạy học Văn mới chỉ đến với người dạy qua một số tài liệu có tầm vĩ mô, thiên về cung cấp lý thuyết hơn là hướng dẫn thực hành. Một số các giáo trình tài liệu về phương pháp dạy học Văn còn mang bệnh lý thuyết và sách vở hoặc chịu tác động từ các phương pháp dạy học của nước ngoài. Nhiều giáo viên còn mơ hồ trước những khối lý luận phương pháp dạy học chung chung áp dụng lúc nào cũng đúng không chỉ cho riêng bộ môn Văn mà cả các bộ môn khác.

 

Ngoài ra, sự thiếu thốn về phương tiện thiết bị dạy học như: tranh, ảnh, sơ đồ, dụng cụ nghe, nhìn để minh họa cho bài giảng, tài liệu tham khảo, các tác phẩm văn học, nhất là văn học nước ngoài... cho giáo viên ở nhiều trường học, đặc biệt là các trường học ở vùng sâu, vùng xa, miền núi... đã khiến cho việc áp dụng phương pháp dạy học mới gặp nhiều bất lợi, dẫn đến tình trạng dạy chay, học chay. Đó là chưa kể đến đời sống giáo viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn chưa thể chuyên tâm cho việc giảng dạy. Số giáo viên chưa đạt chuẩn vẫn còn nhiều lại thiếu tâm huyết với nghề nên đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình dạy học văn.

 

Về phía học sinh, tồn tại lớn nhất là thói quen thụ động, quen nghe, quen chép, ghi nhớ và tái hiện lại một cách máy móc, rập khuôn những gì giáo viên đã giảng. Đa phần học sinh chưa có thói quen chủ động tìm hiểu, khám phá bài học. Điều này đã thủ tiêu óc sáng tạo, suy nghĩ của người học, biến học sinh thành những người quen suy nghĩ diễn đạt bằng những ý vay mượn, bằng những lời có sẵn, lẽ ra phải làm chủ tri thức thì lại trở thành nô lệ của sách vở. Người học chưa có hào hứng  và chưa quen bộc lộ những suy nghĩ, tình cảm của cá nhân trước tập thể, cho nên khi phải nói và viết, học sinh cảm thấy khá khó khăn.

 

Qua phân tích những nguyên nhân nói trên, để nâng cao chất lượng dạy và học văn trong nhà trường theo chúng tôi cần thực hiện tốt các giải pháp sau. Trước hết, cần đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học. Giáo viên phải từng bước chuyển từ phương pháp giảng dạy truyền thụ kiến thức một chiều sang phương pháp dạy học mới, trong đó học sinh dưới sự tổ chức, gợi mở, dẫn dắt của giáo viên tự mình chiếm lĩnh bài văn, tự rút ra những kết luận, những bài học cần thiết cho mình với sự chủ động tối đa. Có như vậy, học sinh mới thấy hứng thú và cảm thấy mình cũng là người “đồng sáng tạo” với tác giả, như quan điểm của mỹ học tiếp nhận.

 

Thứ hai, giảm tải chương trình một cách hệ thống và đồng bộ. Hiện nay chương trình Ngữ văn ở trường phổ thông còn khá nặng. Học sinh phải học một lúc nhiều môn, môn nào cũng quan trọng, vì vậy, các soạn giả sách giáo khoa cần cân nhắc nên đưa vào sách những tri thức văn học tối thiểu và những tác phẩm có giá trị tiêu biểu để học sinh có một cái nhìn toàn diện về văn học nước nhà và thế giới, tránh tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa” như hiện nay. Phân phối chương trình môn Văn cũng còn bất cập. Nhiều truyện ngắn, bài thơ quá dài nhưng phân phối chỉ 1-2 tiết cho 1 tác phẩm. Thời lượng là 90 thì đã mất 5 phút ổn định trật tự, 15 phút kiểm tra bài cũ, chỉ còn 70 phút dạy bài mới thì làm sao giáo viên và học sinh có thể khám phá hết những giá trị đặc sắc của tác phẩm.

 

Thứ ba, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy học. Công nghệ thông tin sẽ mở ra triển vọng to lớn trong việc đổi mới các phương pháp và hình thức dạy - học cho học sinh. Giáo viên có thể thực hiện việc giảng dạy ở bất cứ không gian, thời gian nào. Học sinh có thể tự làm việc với máy vi tính, tự tiếp cận, khai thác và xử lý thông tin trên mạng Internet. Người học có thể làm việc độc lập hay kết hợp với nhiều thành viên trong và ngoài lớp, ở một hay nhiều quốc gia để thực hiện việc học tập của mình.

 

Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin mà giáo viên và học sinh có thể tự sử dụng nhiều phần mềm phục vụ cho quá trình giảng dạy và học tập. Việc tổ chức lưu trữ, đánh giá kết quả học tập của học sinh khách quan, chính xác và thuận lợi hơn. Nhờ có máy tính mà việc thiết kế giáo án và giảng dạy trên máy tính trở nên sinh động hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian hơn so với cách dạy theo phương pháp truyền thống. Các kỹ thuật thao tác sử dụng công nghệ khá dễ dàng.

 

Việc sử dụng bài giảng điện tử với những hình ảnh, âm thanh sinh động làm cho người học dễ dàng tiếp thu, khắc sâu kiến thức và tăng hứng thú học tập của học sinh. Thông qua bài giảng điện tử, giáo viên có nhiều thời lượng để đặt các câu hỏi gợi mở, tạo điều kiện cho học sinh hoạt động nhiều hơn trong giờ học. Đó là những tiền đề để sau khi tốt nghiệp người học sẽ làm chủ kiến thức của mình, biết tiếp thu và vận dụng sáng tạo những thành tựu của công nghệ thông tin trong quá trình công tác.

Bên cạnh đó, chúng ta cần cải tiến cách thi cử phù hợp với yêu cầu và chuẩn kiến thức. Thi cử phải kết hợp hài hoà giữa những gì học sinh được học và những gì là sáng tạo riêng của người học. Đề thi nên kết hợp dạng đề thi thông thường và đề “mở”; cần có cả hai loại là đề nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Nội dung đề thi cần cải tiến theo hướng phát huy tính tư duy, óc sáng tạo của người học, tránh lối học vẹt, học thuộc lòng… Cấu trúc đề thi có thể chia làm hai phần (phần trắc nghiệm và phần tự luận). Phần trắc nghiệm để kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng suy luận của học sinh. Phần tự luận nhằm đánh giá khả năng diễn đạt, vận dụng sáng tạo kiến thức đã học của học sinh. Có thể ra đề thi như kiểu đề thi văn của Trung Quốc, Mỹ… Thực hiện tốt những giải pháp trên đây, chúng tôi tin rằng chất lượng dạy, học văn trong nhà trường sẽ đem lại những hiệu quả tích cực.

 

                  Nguyễn Quang Tuấn       

Trường Đại học Vinh, Nghệ An

 

LTS Dân trí - Các cơ quan thông tin đại chúng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về chất lượng dạy và học môn ngữ văn trong trường phổ thông. Điều đó thể hiện ở những bài làm có nhiều sai sót rất ấu trĩ, rất ngô nghê của các “cậu tú”, “cô tú”, chứng tỏ họ không nắm được những kiến thức tối thiểu cần thiết của môn ngữ văn trong quá trình học THCS và THPT.

 

Nguyên nhân chính làm cho chất lượng môn ngữ văn trong trường phổ thông nhiều năm qua bị yếu kém là do chương trình quá ôm đồm, nặng nề cũng như cách dạy vẫn nặng về truyền đạt kiến thức một chiều, chưa tạo ra được sự  hứng thú học tập cũng như chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong việc tìm tòi, khai phá những hiểu biết mới mẻ qua mỗi giờ học ngữ văn.

 

Tác giả bài viết trên đã phân tích khá đầy đủ những nguyên nhân chủ quan và khách quan cũng như đề ra những biện pháp đổi mới cách dạy, cách học, cách ra đề thi nhằm nâng cao chất lượng môn học ngữ văn trong nhà trường phổ thông.

Sưu tầm từ dantri
Hình đại diện của thành viên
YTSTNews
 
Bài viết: 153
Ngày tham gia: 24 Tháng 7 2007, 17:55


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST khác

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến145 khách


cron