Nguyễn Thị Thanh Thủy: “If you think you can, you can”
Sinh ngày 13/7/1982, thích nghe nhạc, đọc sách, nấu nướng, uống cà phê “buôn dưa lê” cùng bạn bè…
Để có thể trở thành bác sỹ, một người sẽ phải dành thời gian học từ 7-10 năm. Tương tự đối với nghề phi công, Thanh Thuỷ đã phải trải qua một quá trình luyện tập khá dài.
Thuỷ nói: “Là một người phi công, có thể điều kiện chưa cho phép mình dành thời gian nhiều để khám phá và tìm hiểu con người, cảnh vật của từng vùng miền mình đi qua nhưng các bạn biết không, cảm giác từ trên cao mình được chiêm ngưỡng những đặc điểm rất riêng, độc đáo của từng vùng khi bay ngang qua như kiểu kiến trúc nhà vườn, loại cây trồng phổ biến, đặc điểm khí hậu… thật tuyệt vời, thật hạnh phúc”.
Trong con mắt của nhiều người, phi công là công việc dành cho nam giới bởi nó hội tụ đầy đủ những yếu tố về sức khoẻ, khả năng chịu đựng, trí tuệ… Nhưng tới bây giờ, Thuỷ tự hào khi nói rằng “Mình đang nỗ lực hết sức để chứng minh cho mọi người thấy những gì nam giới làm được thì nữ giới cũng có thể làm được và làm được một cách xuất sắc”.
Câu nói mà Thuỷ tâm đắc nhất đó là “If you think you can, you can; If you think you can’t, you can’t”. (Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể làm được thì bạn sẽ làm được còn không thì không thể làm).
Nguyễn Thị Bích Ngọc: “Thích bay trong nghệ thuật”
Sinh ngày: 30/1/1985.
Cả gia đình không một ai đi theo nghệ thuật, bố mẹ là kỹ sư, chị gái là dân IT, thế mà có ai biết sau15 năm học múa, giờ bé Ngọc đã trở thành giảng viên múa dân gian dân tộc trường Cao đẳng múa Việt
Giành điểm cực cao 10 điểm trong bài bảo vệ khóa luận tốt nghiệp với đề tài “ Bảo tồn và phát huy múa dân gian dân tộc, Làm thế nào để phổ cập múa dân gian trong các trường PTTH ?”
“Giới trẻ thích nhảy không? Cực thích, nhưng chủ yếu là gì? Là Hiphop, là nhảy Audition… Tại sao không phổ cập múa dân gian , nhảy sạp, ném còn… vào trường THPT bởi đó là kiến thức văn hóa dân tộc để có thể là một tiếng nói giao lưu với bạn bè quốc tế?”, Ngọc tâm sự.
Bích Ngọc và bạn diễn trong một tác phẩm múa
Múa là khổ luyện, 15 tuổi đã từng gẫy xưong ngón chân giữa trong lúc tập vở ballet Kẹp hạt dẻ nhưng cô bé Ngọc lúc đó vẫn quyết tâm lên sân khấu với ngón chân bị bó bột và kết thúc buổi biểu diễn là sự ủng hộ của khán giả và thành công của đêm diễn.
Bên cạnh múa, cô nàng còn đảm nhận những vai diễn cực cá tính trong phim Ban mai xanh, nắng trong mắt bão, men say, và vừa hoàn thành xong phim quán kem Valentine.
Và tới cuối tháng 6 này, cô bạn sẽ vi vu bên Trung Quốc để đảm nhiệm một vai nhân vật Mai Hoa , vai thứ chính đầy nghĩa khí trong bộ phim cổ trang Thái úy Trần Thủ Độ, vai đòi hỏi nhiều đoạn Ngọc vừa múa vừa diễn, nên cũng là cơ hội để Ngọc thể hiện chuyên môn của mình do hãng phim truyện Việt Nam thực hiện.
Đấy là hết mình với công việc, còn chơi thì sao nhỉ? “Ngọc thich ngắm đêm và tự pha trà nhâm nhi với kẹo lạc,…chỉ đơn giản là dành một khoảng lặng cho riêng cho mình sau những ồn ào của công việc mà thôi”, cô tâm sự.
“Thương hiệu” beatbox Nguyễn Minh Kiên
Sinh ngày 18/8/1987. Thích hát, sáng tác nhạc, nhảy, beatbox, thần tượng Lý Tiểu Long, Michael Jackson… Chưa hết nhé, đam mê phim ảnh từ nhỏ nên mỗi khi xem xong một bộ phim, Kiên thường tưởng tượng mình là nhân vật chính và đứng trước gương… tự biểu diễn.
Ngồi đối diện tôi lúc này là “một cái tivi”, nói thế không quá khi mỗi lúc tôi lại được “thưởng thức” những âm thanh khác nhau, lúc là tiếng mở tivi, tiếng trống, tiếng gõ cửa, tiếng ca sĩ Ưng Hoàng Phúc, Duy Mạnh hoặc Thu Thủy hát… từ miệng anh chàng này.
22 tuổi, sở hữu cho mình những điệu nhảy made by Kiên nhờ việc xem chương trình của Michael Jackson mà không qua bất cứ lớp học nhảy nào, những đoạn beatbox thú vị nhờ vào “chiếc tai thần kỳ”, rồi những đoạn kịch ngắn do mình cậu làm diễn viên cho nhiều vai. Ao ước lớn nhất bây giờ của Minh Kiên là trong thời gian ngắn nhất hoàn thành vở hài kịch One man show, chỉ một người trên sân khấu với micro.
Hàng ngày, Kiên thường đọc sách, tìm tài liệu học, tập trung cao độ mỗi khi nghe beatbox, có thời gian rảnh rỗi là lao vào tập. Đến giờ theo đuổi beatbox được gần 9 năm, không thầy hướng dẫn mà nhờ vào niềm đam mê để khẳng định lối đi riêng cho mình.
Hà Hương
(Ảnh nhân vật cung cấp)