Những quan điểm trái chiều quanh ý tưởng khơi dòng Mekong

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức về Ý tưởng và Sáng tạo trong lĩnh vực Khoa học - Công nghệ

Những quan điểm trái chiều quanh ý tưởng khơi dòng Mekong

Gửi bàigửi bởi YTSTNews » 16 Tháng 7 2010, 14:21

Sau bài giới thiệu về dự án trị thủy sông Mekong của tiến sĩ Phạm Văn Quang. Nhiều nhà khoa học đã có ý kiến phản biện xung quanh ý tưởng táo bạo này. Dưới đây là quan điểm của hai tiến sĩ Vũ Cao Minh và Phạm Thế Chiến.

Tiến sĩ Vũ Cao Minh, Viện Địa chất: Dự án sẽ mang lại lợi ích đa quốc gia.

Theo tiến sĩ, đề xuất trị thủy sông Mekong dựa trên phát hiện rất quý của tác giả Phạm Văn Quang về một dải địa hình thấp, chạy ngang từ Hạ Lào qua Khe Sanh tới Quảng Trị. Dải hạ thấp này có nguồn gốc đứt gãy sụt lún kiến tạo. Trên dải này có hai thung lũng sông rộng chảy ngược chiều nhau, một về phía tây nhập vào sông Mekong, một về phía đông đổ ra biển Đông. Từ đây xuất hiện ý tưởng của tác giả là nối chúng lại với nhau, hạ thấp phần thượng nguồn của chúng xuống để nước lũ sông Mekong có thể tự chảy ra vùng Bắc Trung Bộ của Việt Nam. Qua nghiên cứu tài liệu địa hình, địa chất, ông Minh khẳng định những số liệu và luận giải của tác giả là hoàn toàn xác thực.

Trong số những đề nghị mà tác giả đưa ra, ông Minh đồng ý với phương án kết hợp dâng cao mực nước sông Mekong. Phương án này tuy có hạn chế là làm ngập nước một phần diện tích của Lào và Thái Lan, nhưng bù lại hai nước này có thể mở thêm cảng ra biển, phát triển được nguồn thủy điện và kinh tế hồ. Đồng thời, dự án sẽ làm tăng thêm khả năng cấp nước vào mùa khô cho đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Campuchia, vùng Bắc Trung Bộ của Việt Nam cũng như một số vùng của Lào và Thái Lan, giúp cho môi trường sinh thái khu vực tránh được các trạng thái cực đoan và chuyển vào thế phát triển bền vững.

Sự táo bạo và bất ngờ của đề xuất là ở chỗ nó đưa lại một lợi ích tổng thể, nhiều mặt mà bất cứ một công trình riêng rẽ nào từng được nghiên cứu cho sông Mekong từ trước đến nay (như hồ chứa hoặc hồ phân lũ) cũng không thể có được.

Ông Minh cho biết, với trình độ kỹ thuật hiện nay, việc đào sông trên một đoạn khoảng 12 kilomet, sâu khoảng 200 mét và hạ thấp một số đoạn sông hiện có xuống 20-30 mét không phải là vấn đề khó. Hiện chưa có phân tích kỹ về hiệu quả kinh tế - xã hội của đề xuất. Tác giả có đưa ra ước tính chi phí khoảng 6 tỷ USD. Tuy nhiên, cứ nhìn vào số người chết hằng năm do lũ ở cả hai nước Việt Nam, Campuchia gây ra, cộng thêm thiệt hại kinh tế khoảng vài triệu USD, đồng thời nhìn vào triển vọng kinh tế xã hội mà dự án mang lại thì con số 6 tỷ USD hay vài ba lần của nó cũng là khiêm nhường.

Cũng theo tiến sĩ Minh, ý tưởng của dự án bao gồm cả phát điện công suất lớn và mở đường thông thương cho tàu từ biển Đông vào tới tận Hạ Lào và Đông Bắc Thái Lan là có cơ sở. Độ chênh cao cột nước khi xây dựng hồ chứa trên vùng Hạ Lào và độ chênh cao cột nước tại khu vực Khe Sanh là khoảng 150 mét, đảm bảo cho sự hình thành các nhà máy thủy điện lớn tại đó. Mặt khác, nếu như kênh đào Panama được hoàn thành trong điều kiện kinh tế kỹ thuật còn thấp vào đầu thế kỷ 20, thì việc đào kênh Đông Dương trong điều kiện hiện nay là hoàn toàn hiện thực.

Tiến sĩ Phạm Thế Chiến, Viện Quy hoạch Thủy lợi: Đắp đập tạo hồ và đào sông đều không khả thi.

Là người trực tiếp tham gia khảo sát, lập quy hoạch và chiến lược phát triển tài nguyên nước của các lưu vực sông quốc gia và đa quốc gia hơn 30 năm, cũng là người đã nghiên cứu, lập quy hoạch phát triển tài nguyên nước cho CHDCND Lào 5 năm qua, ông Chiến nhất trí phủ quyết giải pháp trị thủy sông Mekong của tiến sĩ Phạm Văn Quang. Ông đưa ra một số vấn đề cơ bản không thể giải quyết được sau đây:

Click vào ảnh
1. Sông đào Đông Dương; 2: Làng Troại; 3: sông Quảng Trị: 4: Biển Đông. Đường xanh mờ là biên giới Việt - Lào. Click vào ảnh để xem rõ hơn.

 - Nếu đắp đập chắn dòng chính sông Mekong ở phía hạ lưu của sông Sêbănghiêng, tạo hồ chứa có mực dâng bình thường khoảng +180 đến +185 mét, thì toàn bộ các vùng đồng bằng lớn của Lào (thuộc tỉnh Savanakhet, Khammuon, Bolykhamxay, Xaynhabouly và thủ đô Viêng Chăn) và vùng đồng bằng đông bắc Thái Lan sẽ ngập sâu từ 15 đến 35 mét (vì cao độ các đồng bằng này trung bình từ +150 đến +170 mét).

Đối với lào, đây là những vùng đồng bằng màu mỡ nhất, tập trung đông dân nhất (khoảng nửa dân số của cả nước), kinh tế - xã hội phát triển nhất, lại có thủ đô Viêng Chăn. Còn với Thái Lan, đây cũng là vùng dân sinh - kinh tế rất phát triển. Như vậy, lợi ích có thể có của hai nước Lào và Thái Lan từ dự án trị thủy Mekong sẽ chẳng thể bù đắp được với cái họ mất.

- Mặt khác, nếu đắp đập thấp ở mức gây ngập ít hoặc không ngập các vùng trên thì phải đào gần như toàn bộ một con sông mới dài trên 200 km. Con sông này phải có cao độ đáy thấp dần về phía sông Quảng Trị (từ +130 mét ở phía cửa sông Sêbănghiêng xuống khoảng +80 mét ở Làng Cát). Mặt cắt ngang sông đào phải lớn hơn nhiều so với mặt cắt được tác giả đưa ra (mặt rộng 200 mét, đáy rộng 150 mét, sâu 17 mét) thì mới tải được trên 7.000 m3/giây.

Trong khi đó, đáy sông Sêbănghiêng hiện tại, như tác giả xác định, có cao độ khoảng +120 mét ở cửa Sêbănghiêng và +170 mét ở đầu nguồn (làng Troại), mặt đất từ đầu Làng Troại đến Làng Cát có cao độ từ +280 mét đến +360 mét.

Như vậy khối lượng đào kênh Đông Dương, cộng với việc mở rộng và hạ thấp đáy sông Sêbănghiêng sẽ vô cùng lớn, chứ không phải 3 tỷ mét khối như tác giả tính. Khối lượng đào lại chủ yếu là đá. Và dù có chuyển được lưu lượng lũ tới hơn 7.000 m3 thì tác dụng cắt lũ cho hạ lưu vẫn rất hạn chế, vì mới chuyển được khoảng 10-15% lưu lượng đỉnh lũ lớn. Trong trường hợp này, các lợi ích tổng hợp như tác giả Phạm Văn Quang nêu ra sẽ giảm đi nhiều so với dự tính.

Vì những nhận định nêu trên, tiến sĩ Phạm Thế Chiến cho rằng chỉ nên coi giải pháp này là ý tưởng thôi.

(Theo Khoa học và Đời Sống)

 
Sưu tầm từ vnexpress
Hình đại diện của thành viên
YTSTNews
 
Bài viết: 153
Ngày tham gia: 24 Tháng 7 2007, 17:55


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST về Khoa học - Công nghệ

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến30 khách


cron